Nghèo không sợ bằng xa nghề
Tôi không chỉ viết nhiều bài về ông, mà còn là người khách thường xuyên của gia đình. Căn hộ chung cư nhỏ ở quận 5, TP.HCM chỉ có hai vợ chồng già và con trai út Bình Tiên, còn con gái lớn Thanh Tuyền đã có chồng con, sống ở Mỹ. Bình Tiên đang là “lính” của Sân khấu kịch Phú Nhuận, lại còn học thêm khóa đạo diễn nên từ sáng tới tối chẳng có nhà. Rốt cuộc chỉ có Diệp Lang và bà xã Thu Phong hủ hỉ với nhau.
Ông Tư trời biển (NSND Diệp Lang) trong vở Lời ru của biển - ảnh: M.Châu |
Nói là hủ hỉ nhưng thật ra hầu như chỉ có bà nói, còn ông chỉ ừ hử. Ngay cả khi nhà báo phỏng vấn, bà cũng trả lời giùm ông hết trọi! Bởi vì, bà biết quá rõ cuộc đời, sự nghiệp của ông, biết cả những vui buồn bên trong mà ông chẳng mấy khi nói ra. Vì vậy, ông cứ để bà nói, chỗ nào bà “bí” hoặc cần ông phát biểu chính thức thì ông mới lên tiếng.
Phải nói là gia cảnh nghệ sĩ Diệp Lang khá khó khăn. Căn hộ của ông chỉ mới được hóa giá gần đây, còn bệnh tim do phình động mạch chủ thì bác sĩ và khán giả đã tài trợ cho ông mổ miễn phí. Bà Thu Phong cũng nhiều bệnh, do đó chi phí thuốc thang khá nhiều. Gần đây, cô con gái bước đầu ổn định gia đình bên Mỹ, gửi tiền về cấp dưỡng cha mẹ, nên ông chỉ đi diễn cầm chừng.
Ông rất biết ơn vợ: “Bả không hề giục tôi làm giàu. Chỉ cần đủ ăn là cười rồi. Nhờ vậy mà đầu óc tôi thanh thản”. Rồi ông gật gù: “Như tôi bây giờ, mỗi lần trời mưa là tôi buồn. Trong bụng có gì đó cứ trào lên tha thiết... Tôi nhớ những buổi chiều mưa trên bến sông quê, nhớ tiếng trống ghe hát, nhớ bữa cơm nghèo của đời nghệ sĩ lang thang...”.
Có lẽ đúng như ông nói, nhờ cảnh nghèo mà những cảm xúc xưa cũ đó vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn trong ông. Ông chẳng mặc cảm gì chuyện giàu nghèo, cứ nhẹ nhàng bình thản đi giữa cuộc đời. Hình như đó một phần là cái chất của người Sa Đéc, một thị xã nhỏ xíu nhưng có tới 50 ngôi chùa phân bố khắp nơi, lượn theo những nhánh kênh êm đềm chở nước sông Tiền tưới cho những làng hoa thơm ngát. Chiều chiều, tiếng chuông chùa cứ ngân nga trôi dài với hương hoa, làm sao mà lòng người không lắng đọng.
Diệp Lang nói một câu chắc nịch: “Nếu kiếp sau được làm người, tôi cũng xin làm nghệ sĩ”. Cái nghèo không khiến người ta sợ, vì người ta chỉ sợ phải xa nghề. Vậy mà Diệp Lang đang phải đối diện với nỗi sợ ấy. Hai năm nay, sức khỏe quá kém, ông phải từ chối nhiều vai diễn, chỉ xuất hiện trong vài sô lẻ quanh TP.HCM, hoặc vài đêm làm giám khảo cuộc thi vọng cổ. Gần đây nhất, được mặc áo dài khăn đóng để đọc văn tế trong lễ giỗ tổ Hùng Vương tại Đầm Sen, với ông đã là một niềm vui lớn.
Quãng đời khó quên
Diệp Lang từng lăn lóc theo những ghe hát ở những bến bãi quê nghèo trước khi vươn lên thành một nghệ sĩ tiếng tăm. Quãng đời đó thật chẳng thể quên. Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là 10 năm từ 1965 đến 1975. Lúc ấy, ông đã có trong tay giải Thanh Tâm 1963 và bằng danh dự 1964, nhưng vẫn bị bắt lính.
Một buổi sáng, theo giấy mời, ông đến trình diện ở bót cảnh sát và thế là bị giữ lại luôn, cùng với Thanh Tú, Tấn Tài. Và chính quyền lúc đó đã đưa nhóm nghệ sĩ xuống thẳng đơn vị, cho khoác luôn áo lính, không kịp về nhà báo tin cho vợ. Cùng với nhiều nghệ sĩ, ông bị sung vào biệt đội văn nghệ, và phải cắm
trại trăm phần trăm. Nhưng bao nhiêu hợp đồng đã lỡ ký với các ông bà bầu, mà cái chính là do nhớ nghề, nên ông thường lẻn ra ngoài vào buổi tối để đi hát.
Hôm nào hên, sếp có chuyện vui hoặc sếp đi vắng, thì ông vừa được hát vừa kiếm được ít tiền cho vợ. Hôm nào xui, sếp quạu, thì ông bị bắt, bị phạt cấm cố trong quân lao, hoặc phải đi làm tạp dịch, chà cầu tiêu, bất kể là nghệ sĩ nổi tiếng... Rất nhiều lần bị phạt, nhưng ông không hề hé răng với vợ (nghệ sĩ Phượng Liên - vợ trước), vì sợ vợ buồn.
Một lần, ông bị giam cấm cố, không hề hay biết vợ vừa sanh con đầu lòng. Đến khi ông được thả ra thì tình cảm gia đình đã rạn nứt. Tánh ông lại ít nói, không chịu thanh minh, cộng với mặc cảm đời lính nghèo không nuôi nổi vợ con, ông đành để hạnh phúc đội nón ra đi. Suốt 10 năm ông sống trong cay đắng...
Khi Sài Gòn giải phóng, ông mới cởi được áo lính, toàn tâm toàn ý trở về với sân khấu. Ông lại bước vào một giai đoạn thành công rực rỡ. Là Phó đoàn cải lương Sài Gòn 2 phụ trách nghệ thuật, ban ngày ông tổ chức tập tuồng, ban đêm lại thức để biên tập kịch bản.
Ông quá say nghề cứ làm việc không kể giờ giấc sức khỏe, đến nỗi hai mắt lòa đi, tưởng sắp mù. Bà Thu Phong khi ấy vừa sát cánh bên chồng phụ đánh máy, góp ý (bà vốn là sinh viên Văn khoa Sài Gòn), vừa một nách nuôi con, không than van một tiếng. Nhờ vậy ông đã làm nên hàng loạt vở diễn hay cho đoàn và có được hàng loạt vai diễn để đời cho bản thân mình. Nào ông chủ tiệm cầm đồ (vở Lỡ bước sang ngang), ông Hai Nguyện (Ánh lửa rừng khuya), trung sĩ Tám (Tìm lại cuộc đời), hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu)... Khi về đoàn Văn công TP.HCM, ông có vai hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), lãnh binh Trần Quy Sắc (Nàng Hai Bến Nghé)... Về đoàn 284, ông lại có vai ông Cả (Tô Ánh Nguyệt), ông Tư trời biển (Lời ru của biển), Lỗ Quý (Lôi Vũ)... Có thể nói sự nghiệp của ông thực sự chín muồi, thăng hoa là ở chính giai đoạn này.
Bây giờ ông hay ngồi nhớ bạn xưa, chỉ còn lại Phương Quang, Thanh Tú, Thanh Sang, Nam Hùng, Hùng Minh, Tấn Tài, còn bao nhiêu gương mặt khác đã ra người thiên cổ. Xong một đời cống hiến cho nghệ thuật, nghệ sĩ nào rồi cũng tới lúc phải giã từ sân khấu, trở về sống trong một khu phố, một ngôi chợ nào đó, như một khán giả bình thường... Có lẽ khi đó, họ mới thật sự là nghệ sĩ nhân dân!
Theo Hoàng Kim (Thanh Niên)