NSND Việt Anh, đạo diễn Chánh Trực và những chia sẻ về nghề giáo nhân dịp 20-11

(PLO)- Với NSND Việt Anh, đạo diễn Chánh Trực, trước khi dạy thành nghề phải dạy học trò thành người và niềm hạnh phúc là khi học trò của mình được tỏa sáng. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 (1982-2022), NSND Việt Anh, đạo diễn Chánh Trực đã có những chia sẻ về niềm vui, hạnh phúc cũng như quan niệm trong vai trò của một người thầy.

NSND Việt Anh: "Trước khi dạy thành nghề phải dạy học trò thành nhân"

Chia sẻ với PLO, NSND Việt Anh tâm sự: "Điều tôi tâm đắc nhất khi làm một người thầy chính là thấy học trò nhiệt huyết, đam mê hết mình với bộ môn mà tôi cũng rất yêu quý.

Với tôi, là một người thầy thì phải am hiểu không chỉ về nghề nghiệp, chuyên môn của mình một cách vững vàng sâu sắc để truyền đạt cho các em. Nhưng điều đầu tiên không phải là chỉ dạy các em cái nghề mà là dạy các em làm người trước.

Bởi khi làm nghệ sĩ phải là một người hiểu biết sâu rộng và yêu thương con người thì mới làm nghề được, còn nếu không thì chỉ là một cổ máy đi tìm kiếm danh vọng, tiền bạc….".

NSND Việt Anh. Ảnh: FBNV

NSND Việt Anh. Ảnh: FBNV

Bên cạnh đó, NSND Việt Anh cũng có nhiều trăn trở khi thời gian vừa qua, những tiktok, các gameshow hài hước vô bổ thậm chí là dung tục chiếm lĩnh sóng quá nhiều trong khi những tác phẩm nhân văn, tử tế thì giới trẻ bây giờ lại ít chịu ghi nhận, quan tâm đến.

“Tôi hi vọng giới trẻ sẽ có sự chọn lựa cách xem và các nhà lãnh đạo về văn hoá sẽ có những định hướng đúng đắn nhiều hơn nữa để chúng ta có một giới trẻ tâm huyết với xã hội đời sống và con người để biết thưởng thức những cái hay cái đẹp chứ không phải chỉ để cười vô bổ” – NSND Việt Anh bày tỏ.

NSND Việt Anh cùng các học trò đi về An Giang dịp 20-11. Ảnh: NSCC

NSND Việt Anh cùng các học trò đi về An Giang dịp 20-11. Ảnh: NSCC

Đồng thời NSND Việt Anh cũng nhắn nhủ: "Với tôi, tôi mong mỏi những người làm công việc giảng dạy về văn hoá nghệ thuật nên tìm cách định hướng cho học trò của mình.

Còn các học trò hay sinh viên đang theo đuổi bộ môn này hay các diễn viên trẻ vừa mới ra trường, hãy kiên trì với nghề mình đang theo đuổi.

Và mong rằng các em phải trang bị một kiến thức sâu rộng vì để tạo nên cái đẹp phải có kiến thức, nhất là phải có tình yêu thương với con người và cuộc sống. Nghệ sĩ không phải để kiếm tiền mà nghệ sĩ phải làm ra cái đẹp, do đó phải hiểu hết về nó thì mới cùng khán giả tạo nên cái đẹp".

Đạo diễn Chánh Trực: "Hạnh phúc là khi học trò toả sáng"

Ngoài vai trò là một đạo diễn, nghệ sĩ Chánh Trực đã có hơn 20 năm theo đuổi con đường giảng dạy và trở thành người đồng nghiệp lớn cũng như chứng kiến sự thành bại của nhiều thế hệ học trò theo đuổi sân khấu.

Đạo diễn Chánh Trực giảng dạy tại ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM và đạo diễn của Sân khấu kịch 5B. Ảnh: FBNV

Đạo diễn Chánh Trực giảng dạy tại ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM và đạo diễn của Sân khấu kịch 5B. Ảnh: FBNV

Chia sẻ với PLO, đạo diễn Chánh Trực cho biết: "Trước khi dạy nghề việc đầu tiên là dạy các em làm người trước. Tại vì nghề này là nghề mình phải cảm thông với con người, đem những thông điệp đến với cuộc sống con người.

Chỉ có làm một con người sống chân thành, sâu sắc không hời hợt vô cảm, vô tri thì mình mới có một nỗi cảm thông với con người vui buồn cùng số phận con người và nhân vật của mình mới sâu sắc dù bi hay hài.

Ngoài ra, đó là đạo đức làm nghề. Tôi nhắc nhở mãi các em đạo đức làm nghề bởi nghề này có nhiều cạm bẫy rủi ro thách thức. Cho nên các em không có đạo đức làm nghề thì sau này nó có rất nhiều tai hại".

Đối với đạo diễn Chánh Trực, điều anh tâm đắc hạnh phúc nhất khi làm một người thầy là nhìn thấy học trò thành đạt.

"Mình đứng trong cánh gà hay dưới sân khấu, các em được toả sáng được lên báo, được khán giả yêu quý thì mình cảm thấy hạnh phúc lắm dù đôi khi trên đỉnh cao các em đâu có nhớ tới mình, nhưng mà mình cũng không trách" – nam đạo diễn trải lòng.

Bên cạnh đó, đạo diễn Chánh Trực cũng trăn trở về vấn đề các trường chính quy dạy về sân khấu chưa được đầu tư về cơ sở vật chất, đãi ngộ cho giáo viên và cơ chế đặc thù làm sao để thu hút những người giỏi nhất về trường truyền đạt cho học sinh sinh viên những điều tốt đẹp nhất.

Không chỉ vậy, cuộc sống hối hả dù nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thử thách cho các em theo đuổi nghệ thuật sân khấu.

Đạo diễn Chánh Trực cùng các học trò của mình. Ảnh: NSCC

Đạo diễn Chánh Trực cùng các học trò của mình. Ảnh: NSCC

"Ngày xưa chúng tôi làm show còn có thời gian để nhìn nhận, chiêm nghiệm lắng lại để tái tạo và tiếp tục. Còn bây giờ mọi thứ hối hả hơn và nó có nhiều phương tiện khiến các em không kịp thời gian để chiêm nghiệm lắng lại cho nên đôi khi bị hời hợt, bị 'ăn xổi ở thì'"– đạo diễn Chánh Trực cho hay.

Đồng thời, anh cũng chia sẻ, kim chỉ nam của mình là hãy xem học trò như con cái của mình. Mình là cha mẹ của các em.

"Con cái có thể rời xa cha mẹ nhưng cha mẹ thì nhất quyết không bỏ con cái, thương con cái hết lòng hết sức đến tận cuối đời của mình vẫn một tình thương và sự bao dung đó. Người thầy người cô phải là người cha, người mẹ hãy coi học trò như những đứa con thân yêu nhất của mình" – nam đạo diễn bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm