Nữ doanh nhân bán thịt chua thu về hàng chục tỉ

(PLO)- Lúc khởi nghiệp, CEO Trường Foods Nguyễn Thị Thu Hoa, người dân tộc Mường ở Phú Thọ chỉ bán được 30 hộp thịt chua mỗi ngày nhưng hiện nay chị đã có hơn 9.000 điểm bán thịt chua, đạt doanh thu 83 tỉ đồng trong năm 2022. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 3-8, Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC), Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tổ chức họp báo công bố Top 30 tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB) nhận hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.

Món ăn độc đáo

Là một trong những SIB tiêu biểu năm 2022, Tổng Giám đốc thịt chua Trường Foods Nguyễn Thị Thu Hoa cho biết, bản thân chị khởi nghiệp từ năm 18 tuổi. Hồi đó, vừa tốt nghiệp THPT, chị không học tiếp lên cao mà lựa chọn lấy chồng, không suy nghĩ gì nhiều. Rồi chị sinh bé đầu lòng. Mục tiêu đầu tiên của chị khi làm thịt chua, chỉ đơn giản là kiếm được tiền, lo miếng cơm manh áo cho gia đình nhỏ của mình.

CEO Nguyễn Thị Thu Hoa với sản phẩm thịt chua, đặc sản tỉnh Phú Thọ. Ảnh: NVCC

CEO Nguyễn Thị Thu Hoa với sản phẩm thịt chua, đặc sản tỉnh Phú Thọ. Ảnh: NVCC

Ở thời điểm đó, thịt chua Phú Thọ chỉ là một món ẩm thực chưa được nhiều người biết đến. Trong vùng chỉ có khoảng 3 - 4 hộ gia đình còn làm thịt chua. Bản thân chị Hoa khi bắt đầu kinh doanh cũng chỉ bán được 30 hộp thịt chua mỗi ngày.

Trong quá trình làm thịt chua, không biết từ lúc nào chị Hoa đã yêu nó. Và khi đã yêu, chị Hoa luôn mong muốn lan toả thịt chua tới mọi miền Tổ quốc, muốn nhiều người được thưởng thức món ăn độc đáo này.

Kể về những bước đầu nhen nhóm ý tưởng kinh doanh lớn, chị Hoa cho biết, đó là quãng thời gian khó khăn gian khổ nhất. "Mình đã phải đổ đi rất nhiều mẻ thịt để tìm ra công thức cho toàn bộ sản phẩm hiện nay" - Chị Hoa nói và cho hay đã mất gần 2 năm để thử nghiệm hơn 20 công thức.

"Lúc đầu, khi sản xuất nhỏ có thể chỉ là 1-2 nắm thịt, trộn gia vị rồi cho lên cân đong theo công thức gia truyền. Nhưng đối với sản xuất hàng loạt, thì không làm thủ công thế được. Phải dựa vào thời gian lên men của thịt, nhiệt độ và thời gian, nên gia vị phải nêm nếm cho phù hợp. Sau khi đã tìm được công thức độc quyền, sản lượng tăng lên, thì bài toán bảo quản thịt chua lại xuất hiện'- CEO Trường Foods kể lại.

Theo chị Hoa, bình thường thịt chua sẽ chỉ bảo quản được từ 5 - 7 ngày, tuy nhiên, với thời gian như vậy thì các đại lý sẽ không thể bán sản phẩm ra thị trường được. Không có kiến thức, không có kinh nghiệm, chị bắt đầu để ý những sản phẩm của người đi trước, tìm hiểu xem họ bảo quản sản phẩm thế nào. Chị mua rất nhiều sản phẩm đóng hộp và hầu hết các sản phẩm này đều dùng chất bảo quản. Thực tế, khi cho chất bảo quản vào lập tức thịt chua bị thay đổi mùi vị.

Và quan trọng nhất, chị Hoa không muốn người tiêu dùng bị ảnh hưởng sức khỏe bởi chất bảo quản. Chính vì vậy, nữ CEO người Mường quyết định không dùng chất bảo quản.

Cuối cùng thì sau hơn 1 năm, chị Hoa đã tìm ra phương pháp có thể giữ được thịt chua 2 tháng trong ngăn mát tủ lạnh mà không dùng chất bảo quản, đó chính là màng seal.

Đến năm 2016, chị bắt đầu tập trung xây dựng nhà xưởng để làm sao chuyển từ sản xuất thịt chua mô hình thủ công sang mô hình bán tự động. Với 3-40 công nhân trước kia chị chỉ có thể sản xuất được 3-4 tạ thịt heo, tuy nhiên, sau khi đưa máy móc vào vận hành, vẫn với lượng công nhân đó, có những ngày chị có thể sản xuất được 3-4 tấn thịt.

Khi dịch bệnh COVID-19 ập đến, công ty chị Hoa cũng như nhiều DN đã "điêu đứng", ngay lúc đó chị được dự án ISEE-COVID hỗ trợ để kết nối nguồn lực, thuê các chuyên gia... vực dậy hoạt động kinh doanh. Đến thời điểm hiện tại, công ty của chị Hoa đã tạo được công ăn việc làm cho hơn 140 lao động, trong đó có hơn 80% lao động là nữ.

Trong những lao động nữ có hơn 37% là người dân tộc thiểu số tại khu vực. Ngoài cơ sở chính đặt tại huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), Trường Foods đã có văn phòng tại Hà Nội, TP HCM với hơn 9.000 điểm bán thịt chua đạt doanh thu năm 2021 là hơn 52 tỉ đồng, doanh thu năm 2022 là 83 tỉ đồng.

Nữ doanh nhân xinh đẹp người Mường Nguyễn Thị Thu Hoa, sinh năm 1992, quê huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, từng tham gia chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỉ). Chị là nhà sáng lập Trường Foods chuyên sản xuất và phân phối thịt chua.

Top 30 SIB năm 2023 sẽ nhận được hỗ trợ từ dự án ISEE-COVID. Ảnh: MINH TRÚC

Top 30 SIB năm 2023 sẽ nhận được hỗ trợ từ dự án ISEE-COVID. Ảnh: MINH TRÚC

30 SIB xuất sắc từ nhiều vùng miền

Sự kiện SIB thuộc dự án “Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID-19" (ISEE-COVID).

Tháng 6-2023, Dự án ISEE-COVID đã khởi động “Chương trình đồng hành khôi phục sau COVID-19 năm 2023” nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho các SIB với các mô hình kinh doanh khả thi.

Chương trình đã thu hút sự quan tâm từ 239 SIB. Trải qua vòng sơ loại và thuyết trình được tiến hành kỹ lưỡng, 30 SIB xuất sắc từ nhiều vùng miền của Việt Nam đã được chọn tham gia chương trình, với hơn 2/3 trong số đó là các doanh nghiệp lấy phụ nữ làm trọng tâm.

Top 30 SIB xuất sắc sẽ nhận được khóa huấn luyện chuyên sâu 1:1 trong 6 tháng, 100 triệu đồng vốn hạt giống nhằm hỗ trợ chuyển đổi mô hình kinh doanh, đổi mới sản phẩm, tạo điều kiện để phục hồi sau COVID-19.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chia sẻ, gói hỗ trợ trên đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và thu hút sự tham gia của một số lượng lớn các doanh nghiệp SIB tham gia.

Trong năm 2022, đã có 31 doanh nghiệp SIB nhận gói hỗ trợ này và đều đạt được những kết quả đáng khích lệ.

“SIB có doanh thu tăng cao nhất lên tới 19 lần so với cùng kỳ năm 2021. Có 2 SIB đã tiếp cận được nguồn tài chính mới với tổng giá trị hơn 18 tỉ đồng và 3 SIB thành công xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường quốc tế”- ông Trần Duy Đông cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm