Mới đây, nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương chính thức lên tiếng trước những lời hứa hão của mạnh thường quân. Đã quyết định giải nghệ, vinh quang, phần thưởng chỉ còn là hào quang quá khứ nhưng cô vẫn luôn đau đáu với thể thao nước nhà.
Chọn thời điểm kỳ SEA Games 29 kết thúc để viết những dòng tâm sự trên, Vũ Thị Hương mong muốn các mạnh thường quân đã hứa hẹn với những VĐV giành huy chương tại SEA Games 29 biết giữ lời hứa bởi: “ Các cháu tập luyện, thi đấu vất vả lắm”.
Trải lòng của nữ hoàng tốc độ nhận được nhiều phản hồi, chia sẻ của bạn đọc.
Vũ Thị Hương từng làm nên lịch sử khi là người giành HCV 100 m đầu tiên cho điền kinh Việt Nam ở SEA Games 2005. Với thành tích thi đấu nổi bật trên đấu trường Đông Nam Á, cô được giới truyền thông Việt Nam và người hâm mộ mệnh danh là "nữ hoàng tốc độ" chạy cự ly ngắn của thể thao Việt Nam.
Nhưng chỉ những người trong cuộc mới biết rằng đằng sau những tấm huy chương, những giọt mồ hôi, nước mắt đổi lấy vinh quang cho Tổ quốc không chỉ là lời khen ngợi, ánh hào quang, phần thưởng như nhiều người vẫn nghĩ mà còn là những lời hứa hão của các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng sự kiện để chụp ảnh tự sướng, treo thưởng rồi sau đó lặn mất tăm.
Hứa thưởng cho VĐV từ lúc đỉnh cao nhưng rồi ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm khác, VĐV đã giải nghệ vẫn chẳng thấy quà đâu. Đó là mặt trái mà không phải ai cũng dám nói thẳng nói thật.
“Có bác hứa trước khi cháu đi thi đấu, có bác hứa sau khi cháu chiến thắng. Nào là nếu lần này chiến thắng sẽ có thưởng, các bác ra giá cũng cao phết. Lúc đấy cháu mừng lắm và thầm nghĩ trong bụng, có chết cũng phải hết mình. Không hẳn vì ham phần thưởng mà vì nể các bác hết lòng với cháu. Có bác sau khi chiến thắng và có giới truyền thông ở đó nhân thể bác trao thưởng miệng trước luôn, niềm vui chiến thắng của cháu nhân lên nhiều lần. …
Thế rồi, sau khi tưng bừng hết niềm vui này đến chồng chất niềm vui khác. Cuối cùng cháu cứ dài cổ đợi, hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng nọ... rồi bao kỳ SEA Games đã đi qua mà phần thưởng của các bác vẫn không đến tay” - Vũ Thị Hương chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM, Vũ Thị Hương trải lòng bản thân cô cũng không ít lần nhận được những lời hứa hão hoặc khi đến tay cũng chỉ là phần rất nhỏ: “Tất nhiên có người vẫn trong ngành và mình thì không muốn nói tên làm gì cả, mình không có mục đích nói hẳn cá nhân nào mà nói chung vì rất nhiều bác họ Hứa trong ngành cũng như ngoài ngành”/
Nhớ lại những năm tháng gắn bó với những đường đua, vinh quang có, nước mắt có, có những người chẳng mấy khi hứa hẹn với Hương điều gì nhưng luôn là điểm tựa để cô gái nhỏ cố gắng phấn đấu.
“Người mình kính trọng nhất có lẽ chỉ có ba người đang đương chức, đó là Chú Vương Bích Thắng (PV - Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT), chú Trần Đức Phấn (PV - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT) và chú Lê Quý Phượng (PV - Hiệu trưởng Trường ĐH TDTT TP.HCM).
Ngày mình mổ trước SEA Games 2013, chú Thắng là người đọc báo và đích thân vào thăm rồi động viên mình. Lúc đó mình xúc động và hạnh phúc lắm vì làm gì có ai được như vậy. Chú Phượng rất tình cảm, luôn cho mình những lời khuyên trong cuộc sống cũng như tập luyện.
Chú Phấn thì mình thấy cách chú làm việc rất hay, chú nói gì đều thực tế và không dài dòng. Hơn nữa chú cũng rất tình cảm và cũng hay động viên mỗi khi mình chấn thương” - Vũ Thị Hương mỉm cười.
Điều Vũ Thị Hương muốn nhắn gửi đơn giản chỉ là sẽ không có thêm một bác họ "Hứa" nào nữa: “Các bác nên có tự trọng của mình vì mình là lãnh đạo hay ít nhất cũng có địa vị trong xã hội và hãy coi các VĐV giống như chính con cháu của mình”.
Chúng tôi đã xin phép Vũ Thị Hương trích đăng nguyên văn trải lòng của cô!
KÍNH GỬI: CÁC BÁC HỌ "HỨA" Cứ mỗi lần SEA Games đến cháu lại háo hức nhớ lại những ngày xưa của mình, các bác biết không? Cháu có một trí nhớ phải gọi là không nên có, cháu thấy vậy vì cháu hay nhớ nhiều nỗi buồn hơn niềm vui. Giống như chiến thắng cháu cũng nhớ nhưng có cái cháu nhớ nhiều hơn, đó là lời các bác hứa. Có bác hứa trước khi cháu đi thi đấu, có bác hứa sau khi cháu chiến thắng. Nào là nếu lần này chiến thắng sẽ có thưởng, các bác ra giá cũng cao phết. Lúc đấy cháu mừng lắm và thầm nghĩ trong bụng, có chết cũng phải hết mình. Không hẳn vì ham phần thưởng mà vì nể các bác hết lòng với cháu. Có bác sau khi chiến thắng và có giới truyền thông ở đó nhân thể bác trao thưởng miệng trước luôn, niềm vui chiến thắng của cháu nhân lên nhiều lần. Các bác lãnh đạo mà cứ quan tâm đến dân thường thế này thì quả là vĩ đại, cháu phải dùng từ vĩ đại để nhấn mạnh. Thế rồi, sau khi tưng bừng hết niềm vui này đến chồng chất niềm vui khác. Cuối cùng cháu cứ dài cổ đợi, hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng nọ... rồi bao kì SEA Games đã đi qua mà phần thưởng của các bác vẫn không đến tay. Cháu cũng thừa tự trọng để không mở miệng hỏi các bác, mà nói thật cháu cũng chẳng biết hỏi ai cả vì nhiều khi chỉ nhận tin qua truyền miệng hay báo chí thôi ạ. Cháu vẫn buồn lắm, vì cháu bị thất vọng và mất niềm tin vào những lời hứa. Cũng kể từ dạo đó, ai hứa gì với cháu là cháu bảo, thôi xin đừng hứa. Cháu sợ, thật sự sợ lời hứa từ ai đó. Thế nên bản thân cháu cũng thế, cháu không hứa gì với ai cả vì cháu hiểu cái cảm giác khi nhận được lời hứa nó sung sướng thế nào và khi bị thất hứa nó làm tim cháu đau đớn ra sao. Nên cháu hứa, không bao giờ hứa gì với bất cứ ai nữa. Thế nên các bác ạ, cháu mong các bác hay bất cứ ai nếu có lòng tự trọng và tôn trọng bản thân mình thì xin đừng hứa. Mà đã hứa thì phải làm, đừng để bất cứ ai bị giống như cháu. Có thể lời hứa ấy được thốt ra khi các bác đang cao trào hay lên đỉnh hoặc dùng nó để đánh bóng tên tuổi của mình, hay để cháu thi tốt... thì dù có hứa vì bất cứ mục đích gì cũng nên xem lại tác hại của lời hứa trước khi nói, mà đã nói thì cố mà làm cho bằng được. Vì không phải ai cũng hiền, cũng dễ thương như cháu dù trí nhớ của cháu hơi tốt. |