18 tuổi, 9X thi SAT (1560/1600), TOEFL (118/120), vượt qua hơn 39.500 ứng viên thế giới ứng tuyển để đỗ vào đại học hàng đầu thế giới - Harvard. Nhưng ít ai biết Nguyễn Đình Tôn Nữ không hề theo học chính thức ở một trung tâm du học nào, mà thường xuyên mượn sách cũ tự học.
Đặc biệt, nữ sinh trường Hà Nội - Amsterdam không mong muốn mọi người coi mình là “con nhà người ta” hay thần tượng. Tôn Nữ chia sẻ em thường đi học muộn, không cẩn thận và khiến cô chủ nhiệm phải "đau đầu".
Khi được hỏi bí quyết nào giúp em đỗ Harvard?, Tôn Nữ thẳng thắn: “Bí quyết học để đạt cái gì đó là điều ngu ngốc”. Chính câu trả lời thẳng thắn này đã phác họa chân dung một cô gái rất cá tính và khác biệt.
Chưa từng ảo tưởng về sự thành công
- Tôn Nữ có thể lý giải thêm về quan điểm “bí quyết học để đạt một cái gì là điều ngu ngốc” của mình?
- Em cho rằng học phải thật sự, không phải để đạt thành tích. Em không có bí quyết gì để được vào Harvard, cũng không biết gì nhiều hơn người khác. Em có thể khác mọi người ở thái độ với việc học. Em chỉ học khi thấy vui và cần thiết. Nếu đã ngồi học, em sẽ tập trung cao độ. Bố mẹ luôn định hướng cho em, đã làm gì thì phải thật sự sâu sắc.
Thêm nữa, theo em, không có gì gọi là “công thức chung” hay “bí quyết” vào Harvard. Mỗi cá nhân là một cá thể, không ai có thể khuyên người khác điều tốt hơn so với những gì họ tự hiểu. Mỗi người có một sự tò mò và ham học hỏi thực sự, nếu không là Harvard, họ cũng sẽ thành công ở một cách khác.
- Em đã học như thế nào để thu được kết quả tốt?
- Em nhận thấy mình học hiệu quả hơn với bạn bè chứ không phải với thầy cô. Đó là khi khi bạn giảng kiến thức, em nhắc lại và chúng em cùng bàn về điều mình vừa học.
Em thích cách học này từ khi làm “Cộng hưởng” - một dự án về giáo dục với các bạn trong CLB Triết học của Amsterdam. Từ đó, em có thói quen là học mọi nơi và học từ mọi người.
Em bắt đầu nghĩ đến việc du học kể từ khi nói chuyện với anh Hưng - cựu học sinh lớp Anh 1, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, đang học ở Dartmouth (Hoa Kỳ).
Anh giúp em nhận ra với cách học của mình, em sẽ nhận được rất nhiều từ môi trường giáo dục của Mỹ, đặc biệt là môi trường có sự chọn lọc cao như Dartmouth hay Harvard.
Nơi đó, mọi người đều ham học hỏi, coi việc học không phải là lịch trình sắp xếp. Học là cách sống, thái độ, một việc ta làm trong từng phút giây sống.
Từ tháng 10/2016, nhờ sự giúp đỡ của thầy Luke Taylor, em hoàn thành hồ sơ và hệ thống hoá nội dung các bài luận. Em và thầy làm việc giống như hai người bạn, có sự trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Em rất trân trọng mối quan hệ thầy trò này và nó cũng hiệu quả hơn việc học ở một trung tâm khá đắt đỏ. Ở đó, học sinh cũng không có được sự quan tâm cá nhân.
Nguyễn Đình Tôn Nữ vừa nhận được học bổng toàn phần của ĐH Harvard. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
- Nhiều học sinh coi việc học là nhồi nhét, áp lực. Làm thế nào để các bạn có thể thoát ra khỏi những điều đó?
- Cách duy nhất để đương đầu với áp lực là nhìn thẳng vào mắt nó và đứng im, để kệ nó vậy. Mình chấp nhận đây là quãng thời gian khó khăn và dừng lại cho đến khi nào sẵn sàng làm tiếp.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng, ta cũng cần tự hỏi công việc đang làm có khiến mình hạnh phúc không? Nếu có, bạn hãy nhớ lấy niềm vui đó, nếu không hãy tìm việc khác để làm.
Mỗi ngày, em đều cố gắng đi học vào buổi sáng. Không thức giấc từ sáng, em sẽ lười biếng và không làm được gì. Quan trọng là không được để mất buổi sáng, còn việc gì trước - sau, việc gì quan trọng hay không, cứ tuỳ cơ ứng biến. Sao phải bắt hôm nay phải giống hôm qua?
Sẽ xăm hình con rắn trước khi vào Harvard
- Bài luận của em nộp vào ĐH Harvard nói về những thất bại và có cả thành công chứ?
- Không bài luận nào em viết về thành công, chỉ có thất bại, bởi em nghĩ mình học được nhiều từ thất bại. Cụ thể, trong bài luận của mình, em nói về dự án “Cộng hưởng”, về việc mình đã thất bại như thế nào, đã phải đánh đổi những gì cho lý tưởng mà mình tin. Đến cuối cùng, mình học được những gì.
Đối với em, không có gì thực sự gọi là thành công, mà là sự chuyển mình từ sân chơi này sang chân chơi khác. Ở sân chơi mới ban đầu, ta luôn là người “bét bảng”.
Em luôn là người thất bại, bởi điều em hướng tới luôn ở tương lai. Một ngày nào đó, em sẽ tìm thấy thành công và dừng lại, nhưng ngày đó chưa đến.
- Điều gì em muốn làm trước tiên khi bước chân vào Harvard?
- Trước khi bước chân vào Harvard, em sẽ xăm con rắn Ouroboros lên người. Đó là hình ảnh con rắn cắn đuôi của chính nó và tạo thành vòng tròn - tượng trưng cho đời người và tái sinh, dẫn đến bất tử.
Nó cũng là nỗ lực của em để bước ra ngoài định nghĩa về học giỏi, thành đạt. Xã hội vẫn có định kiến rằng có mực, hình xăm trên người là hư hỏng, người giỏi thì phải chỉn chu...
Mỗi lần được nhận định là người “thành công”, là mẫu hình “con nhà người ta”, em muốn chứng tỏ rằng con người phức tạp hơn như vậy. Mỗi chúng ta đều tồn tại ở khoảng xám giữa cái xấu và tốt, tất cả những điều đẹp đẽ nhất của nhân loại xảy ra bên trong đó.
Học Havard để mang về điều có ích cho Việt Nam
- Được biết, trong bài phỏng vấn với nhà tuyển dụng của Harvard, em đã kể chuyện mình đang dịch bài khấn của mẹ. Những điều này hẳn không có trung tâm hay nhà trường nào dạy cả?
- Trong hồ sơ xin học bổng của em, thành tích ở trường cùng các kỳ thi chuẩn hóa, một vài người có thể coi là cao nhưng không có gì đặc biệt.
Điều em tâm đắc nhất là việc học ở ngoài trường lớp. Em tin rằng không cần phải có trung tâm hay cơ sở giáo dục định hướng việc học của mình. Việc học phải đến từ cộng đồng, trao đổi với bạn bè.
Quan niệm về việc học của Tôn Nữ. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Em học SAT từ sách cũ đi mượn của các bạn trong trường. Chính các bạn cũng là người đã giúp đỡ em trong học. Em học TOEFL trên máy đi mượn. Mọi thứ em có là người khác cho, nên lúc nào cũng thấy biết ơn.
Việc em dịch bài cúng mẹ đưa là một sự tình cờ, nhưng cũng rất đặc biệt. Vì thích tìm hiểu về tôn giáo và tâm linh nên khi mẹ nhờ dịch bài cúng, em ngồi cả chiều nhưng không được kết quả. Để dịch được cần có kiến thức về văn hóa và phật giáo, nhưng không có ai hướng dẫn, em phải tự tìm hiểu về các khái niệm.
Trước buổi phỏng vấn với nhà tuyển dụng của Harvard khoảng một giờ, em mới nhớ ra có lịch và không chuẩn bị gì cả. Trong lúc trả lời phỏng vấn, em có nói về bài khấn mình đang dịch, về việc phải tìm hiểu những gì, nói về dịch mãi không xong, tự học vui nhưng khó thế nào.
Em kết luận Harvard sẽ là nơi em có thể làm những điều này, ở tầm cao hơn, với những người cùng chí hướng chứ không phải lủi thủi một mình. Nhà tuyển dụng ấn tượng và em được nhận vào Harvard.
- Vì sao em không chọn các ngành như Kinh tế, Kinh doanh hay Ngoại ngữ mà chọn Nhân văn học?
- Văn hóa Việt Nam nói riêng và ở các nước Đông Nam Á có nhiều điều thú vị, hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng người dân (đặc biệt là các bạn trẻ) còn rất mơ hồ về văn hóa của đất nước mình.
Vì thế, em mong ước có thể thay đổi được suy nghĩ của người dân Việt Nam về việc cần tìm hiểu nhiều hơn về lĩnh vực văn hóa. Em mong có thể làm điều gì đó mang lại lợi ích cho đất nước mình.
- Đã bao giờ em tự hỏi mình là ai và người mình muốn trở thành ai trong tương lai?
- Em lúc nào cũng tự hỏi mình là ai, nhưng em không muốn quyết định ngay bây giờ. Có lẽ nhân cách của em nằm trong sự thay đổi và lớn lên. Mỗi phút giây sống, em sẽ trở thành một người khác, dù muốn hay không. Phật dạy rằng đây là sự bất biến của thay đổi, sự vô thường của tâm. Em nghĩ thế là ổn.
Em không biết mình là ai, sẽ làm gì, sẽ đi đâu, nhưng em biết là em sẽ ổn.
Nguyễn Đình Tôn NữHọc sinh lớp 12 Anh1 trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Giải nhất học sinh giỏi môn Tiếng Anh cấp thành phố năm 2016. Giải nhất quốc gia học sinh giỏi Tiếng Anh 2017. Ban chấp hành Đoàn trường năm học 2016 - 2017. Tôn Nữ là trưởng ban PR Ngày hội Anh tài năm 2016; chủ tịch câu lạc bộ Ams Media; chủ tịch Debate Club; Founder dự án Cộng hưởng; thành viên nhóm Onion Cellar; tham gia Parliamentary Debate World Congress tại Nhật năm 2016 và 2017; tham gia Trường Teen của VTV7. |
Theo Quyên Quyên/Zing