Sự lạc quan, yêu đời và nỗ lực không ngừng của chị Kiều từ khi cầm lái đã trở thành tấm gương để cô con gái mạnh mẽ vượt lên chấn thương, xuất sắc giành hai huy chương trong SEA Games 30 vừa qua.
Vượt qua những mặc cảm “cản đường” mưu sinh
Chị Cung Thị Vân Kiều là hậu phương vững chắc của vận động viên thể dục dụng cụ Đỗ Thị Vân Anh, cô gái vừa giành hai huy chương đồng SEA Games 30. Khi cả nhà “dìu dắt” nhau từ quê nghèo Móng Cái (Quảng Ninh) lên Hà Nội mưu sinh, Vân Anh may mắn “lọt vào mắt xanh” của các chuyên gia và được đưa sang Trung Quốc tập luyện rồi trở thành cái tên sáng giá trong làng thể dục dụng cụ Hà Nội.
Những tháng ngày ấu thơ của Vân Anh cũng là quãng đời vất vả của mẹ. Chị chạy vạy ngược xuôi, buôn bán tạm bợ đủ thứ để duy trì “nồi cơm” ở đất Hà thành. Năm Vân Anh 18 tuổi, hai vợ chồng chị Kiều đường ai nấy đi, chị chính thức thành mẹ đơn thân.
Đứng trước ngã rẽ, dù lòng đau như cắt nhưng chị quyết tâm phải tự mình xoay sở cuộc sống mới. Câu hỏi “Làm nghề gì khi chỉ là người phụ nữ trung niên từ quê nghèo lên phố, trong tay không bằng cấp?” cứ lẩn quẩn trong tâm trí của chị. Giữa lúc “tiến không được, lùi không xong”, nhờ người quen giới thiệu, chị biết đến Grab. Người phụ nữ ngoài 40 tuổi ấy lật đật đăng ký làm tài xế GrabBike với suy nghĩ đơn giản có “cần câu cơm” giúp tồn tại lâu dài ở Hà Nội là đủ.
Bỏ được mặc cảm về bản thân, chị Kiều tự tin hơn khi cầm lái và ngày càng nhận được nhiều sự ghi nhận từ khách hàng.
Những ngày đầu cầm lái, chị Kiều gặp đầy trở ngại tâm lý: “Mình ngại đến nỗi giấu cái áo đồng phục trong cốp xe, tới khi “nổ” cuốc, chạy ra chỗ vắng mới mặc áo đồng phục vào… Rồi nhiều khi khách nam thấy mình là nữ, họ hủy cuốc ngay, cũng tủi thân và buồn nhiều”.
“Khoảng thời gian đầu khi mẹ mới chạy, em rất lo. Lúc xưa, mẹ ít giao tiếp với ai, vào công việc mới “bị khớp”, em thấy mỗi lần về nhà mẹ luôn trong tình trạng ủ rũ. Nhưng sau một khoảng thời gian thì mẹ khác hẳn, do tiếp xúc nhiều với khách hàng và đồng nghiệp, mở lòng với người này người kia làm tinh thần mẹ cũng thoải mái hơn. Giờ ở nhà mẹ ra dáng như “người đàn ông” của gia đình, rất mạnh mẽ và quyết đoán” - Vân Anh tự hào.
Cần mẫn cầm lái “nuôi” niềm tin…
Chính những vòng lăn bánh giữa nắng gió Hà Nội tưởng chừng vất vả ấy đã giúp chị tìm thấy sự tự tin, đồng cảm sau bao đổ vỡ. Đó là khi chị được vị khách yêu mến gửi thêm tiền tip hay mấy lần gặp khách hàng tử tế bảo “em biếu chị cốc nước” sau mỗi chuyến xe... Ánh mắt chị Kiều ngời sáng: “Mình không còn mặc cảm bản thân là một phụ nữ lớn tuổi không bằng cấp nữa, mình tin phụ nữ vẫn có thể làm được và làm tốt nghề tài xế”.
Chị Kiều còn năng nổ tham gia nhóm “Tri kỷ” - chuyên hỗ trợ các anh chị em trong đội tài xế với nhau.
Khi biết tin con gái đạt hai huy chương ở đấu trường SEA Games vừa rồi, chị vừa mừng vừa lo. Nỗi ám ảnh về lần Vân Anh bị vỡ ba đốt sống lưng hai năm trước luôn hằn sâu trong ký ức của chị. Nản lòng, Vân Anh định từ bỏ sự nghiệp thể thao nhưng chính tình yêu thương, sự nỗ lực không ngừng của mẹ trong cuộc sống đã trở thành tấm gương để con gái đứng lên “chiến đấu”.
Mẹ đã tiếp thêm động lực để Vân Anh vượt lên chấn thương, tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ “vàng”.
Giấc mơ xa của chị Kiều là hai mẹ con để dành tiền mua được cái nhà đàng hoàng để con gái yên tâm ở lại Hà Nội làm việc lâu dài. Còn hiện tại, hạnh phúc với chị rất đơn giản: “Chỉ mong con luôn gặp an toàn và mình bình yên trên mọi nẻo đường để về nhà gặp con”.
Đúng với sứ mệnh “Grab vì cộng đồng”, Grab xuất hiện trong cuộc đời của chị Kiều như xua tan quá khứ bao buồn tủi và đem lại cuộc sống ngập tràn niềm vui. Hơn cả một công việc mưu sinh, những khách hàng dễ thương, đồng nghiệp nghĩa tình, sự đồng cảm từ những con người xa lạ đã “sưởi ấm” cho trái tim chị sau nhiều nhọc nhằn của cuộc sống…