Cùng ngày, Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật thông báo phóng xạ iodine 131 trong mẫu nước biển lấy cách bờ 30 km gần Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 tăng cao gấp 1.850 lần bình thường. Kết quả kiểm tra hôm trước chỉ cao gấp 1.250 lần. Chưa xác định nước biển nhiễm phóng xạ từ nguồn nào nhưng hải sản vẫn an toàn.
Ngày 27-3, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) thông báo nước rò rỉ từ lò phản ứng số 2 của Nhà máy Fukushima số 1 nhiễm phóng xạ cao gấp 10 triệu lần thông thường. Phóng xạ trong nước gồm iodine 131, iodine 134 và cesium 137. Ngay sau đó, toàn bộ công nhân đã sơ tán (ảnh: Reuters). Tuy nhiên, tối cùng ngày, TEPCO đính chính số liệu trên là sai do thiết bị đo bị lỗi.
Người phát ngôn chính phủ Nhật Yukio Edano đã yêu cầu TEPCO phải thường xuyên cập nhật tình hình và nhanh chóng báo cáo với chính phủ. Hôm trước đó, chính phủ đã chỉ trích hàng loạt sai phạm của TEPCO như để công nhân bị bỏng da khi giẫm lên vũng nước nhiễm phóng xạ do không mang giày dép bảo hộ.
Cùng ngày, hàng trăm người đã diễu hành ở Tokyo và Nagoya kêu gọi dừng hoạt động của tất cả nhà máy điện hạt nhân và hỗ trợ tích cực hơn cho các nạn nhân sau thảm họa. Theo khảo sát của hãng tin Kyodo News (Nhật) công bố ngày 27-3, 58,2% số người được hỏi không hài lòng với cách chính phủ xử lý sự cố hạt nhân.
Ngày 27-3, Bộ Môi trường Trung Quốc thông báo hôm trước đó các trạm quan trắc ở tỉnh Hắc Long Giang đã phát hiện chất phóng xạ iodine trong không khí ở vùng đông bắc Trung Quốc và phóng xạ có nguồn gốc từ Nhà máy Fukushima số 1 ở Nhật. Tuy nhiên, mức phóng xạ cực thấp (bằng 1/100.000 mức bình thường) nên không ảnh hưởng sức khỏe và môi trường. Hôm 26-3, Singapore đã phát hiện phóng xạ trên rau cải và tỏi tây từ Nhật. Ngay sau đó, Singapore đã thêm rau củ và trái cây vào danh sách các mặt hàng cấm nhập từ Nhật (hải sản, sữa và thịt).
KHÁNH UYÊN - ĐĂNG KHOA (Theo Japan Today, Kyodo News, THX)