Nuôi tôm trái phép trong vùng ngọt hóa

Từ hơn một năm nay, tỉnh Bến Tre xuất hiện hàng trăm hecta ao nuôi tôm thẻ chân trắng và nhiều giếng khoan nước mặn ngay trong vùng quy hoạch ngọt hóa. Trong khi địa phương vẫn lúng túng tìm biện pháp xử lý, diện tích ao nuôi trái phép vẫn tiếp tục tăng.

Lãi cao gấp 50 lần trồng dừa

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Bến Tre hiện có 1.200 ha ao nuôi tôm ngoài quy hoạch. Trong đó có gần 200 ha ao nuôi tôm trái phép trong vùng ngọt hóa, tập trung tại Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và Giồng Trôm.

Dù năm vụ trước liên tiếp thua lỗ, anh Hứa Thanh Hoàng (ấp Rạch Gừa, xã Phú Long, huyện Bình Đại) vẫn tiếp tục đầu tư nuôi tôm trên diện tích 4.000 m2. “Một hecta ao nuôi trung bình 2-3 tháng. Nếu trúng thì sau khi trừ chi phí, người nuôi cầm chắc lời hàng tỉ đồng, cao gấp 50 lần trồng dừa và hoa màu khác” - anh Hoàng giải thích.

Công khai đào ao nuôi tôm trái phép giữa ban ngày tại xã Quới Điền, Thạnh Phú. (Ảnh chụp lúc 16 giờ 15 ngày 3-1) Ảnh: T.QUỐC

Theo nhiều người dân, ban đầu họ cũng sợ bị phạt nhưng rồi không thấy địa phương xử lý gì nên cứ mạnh dạn đầu tư. Ông Trương Minh Trí, Chủ tịch UBND xã Định Trung, còn cho biết: Vì lợi nhuận từ nuôi tôm quá cao nên nhiều cán bộ xã cũng thi nhau lén đào ao, khoan giếng khiến việc vận động người dân càng thêm khó.

Ông Lê Văn La, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Đại, cho biết tổng diện tích vùng quy hoạch ngọt hóa trên địa bàn huyện khoảng 5.000 ha. Từ đầu năm 2013 đến nay đã có gần 60 ha ao nuôi tôm mới đào, 105 cây giếng nước mặn khoan không phép của hơn 300 hộ dân. Đến nay, huyện mới phạt hai hộ (mỗi hộ 6 triệu đồng) vì không chuyển mục đích sử dụng đất; xử phạt hai giàn khoan nước mặn (mỗi giàn 12 triệu đồng và buộc di dời khỏi địa phương).

“Nếu không cương quyết xử lý, việc nuôi tôm và khoan giếng nước mặn trái phép về lâu dài sẽ dẫn tới nguy cơ gây sụt lún đất, đe dọa đến khoảng 2.000 ha rau màu và cây ăn trái của huyện” - ông La lo ngại.

Phạt cứ phạt, nuôi cứ nuôi

Tương tự, nhiều diện tích đất trồng hoa màu, đất lúa tại huyện Thạnh Phú cũng bị “bức tử” vì nạn đào ao nuôi tôm trái phép. Theo ông Phan Văn Bình, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú, toàn huyện có khoảng 50 ha nuôi tôm trong vùng ngọt hóa. Dù có khuyến cáo nhưng một số địa phương như Hòa Lợi, Mỹ Hưng, An Thạnh, nhiều nhất là Quới Điền vẫn tiếp tục phát sinh ao mới. Thậm chí người ở địa phương khác còn đến đây thuê đất nuôi tôm.

Theo Nghị định 103/2013, chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch, chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Do quy định xử lý không chỉ rõ về diện tích nên người dân luôn “cố” đào ao lớn vì nếu bị phạt thì ao lớn hay ao nhỏ đều như nhau. Với mức phạt trên, họ sẵn sàng nộp vì số tiền đó không đáng là bao so với lợi nhuận quá hấp dẫn của một mùa tôm.

“Thời gian qua huyện đã lập biên bản buộc các hộ vi phạm cam kết không phát sinh diện tích nuôi mới. Tuy nhiên, trên 80% người nuôi đều có lãi khá cao nên dù biết vi phạm pháp luật họ vẫn làm. UBND huyện vừa gia hạn cho các hộ đến tháng 6 phải ngưng toàn bộ hoạt động nuôi tôm và đến cuối năm 2014 sẽ trám lấp các giếng khoan” - ông Bình thông tin.

TẤN QUỐC

 

Đủ kiểu đối phó

Không chỉ đào ao giữa ban ngày, người nuôi tôm sẵn sàng chặt xích “giải cứu” máy xúc nếu bị lập biên bản. Khi chính quyền tịch thu bình ắcquy của máy xúc, họ lập tức thay ngay bình mới, đào ao xong rồi lại tháo ắcquy ra đem cất.

Khi các đội khoan giếng bị xử phạt, người dân huy động nhiều nhà cùng mua máy rồi tự khoan. Vị trí giếng bố trí trong nhà vệ sinh hay dưới gầm giường nên rất khó phát hiện. Thậm chí người dân còn biết “giương đông kích tây”, tạo giếng giả để ngành chức năng trám lấp, trong khi giếng thật vẫn nằm bí mật ở nơi khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm