Ở tù, Phạm Công Danh vẫn đòi được gần 100 bất động sản

Chiều 22-11, sau tám ngày xét xử, TAND TP.HCM đã tiến hành tuyên án vụ Hứa Thị Phấn cùng các đồng phạm giai đoạn 2 gây thiệt hại 1.338 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TRUSTBank).
HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phấn (cựu cố vấn cấp cao HĐQT TRUSTBank, cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ) 20 năm tù tổng hợp với các bản án giai đoạn 1 là 30 năm tù. Thời hạn tù kể từ ngày bắt bị cáo thi hành án.
Cấp dưới thân tín của bà Phấn là bị cáo Bùi Thị Kim Loan (cựu kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ, phó giám đốc Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn) bị phạt bảy năm tù. Tổng hợp với bản án giai đoạn 1, bị cáo Loan phải chấp hành chung là 30 năm tù. 

Bà Hứa Thị Phấn nằm viện, vắng mặt tại phiên xử không có lý do. Ảnh: CTV

Các bị cáo Lâm Kim Dũng (cựu giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang, cháu rể bà Phấn); Lâm Hứa Quỳnh Trinh (cựu thủ quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng Chi nhánh Lam Giang, cựu phó phụ trách Phòng ngân quỹ TRUSTBank, con gái bị cáo Dũng); Phạm Hồng Hảo (cựu nhân viên TRUSTBank, con dâu bị cáo Dũng) bị phạt từ hai năm án treo đến năm năm tù...
Về sự vắng mặt không lý do của bị cáo Phấn, HĐXX nêu quan điểm đã tống đạt quyết định xét xử cho bà đúng quy định. Bệnh viện xác định bị cáo Phấn đang điều trị tại bệnh viện với nhiều bệnh khác nhau.
Xét hiện nay, bị cáo lớn tuổi, đang điều trị tại bệnh viện nên HĐXX không áp dụng biện pháp dẫn giải bị cáo tới tòa... Theo tòa, sự vắng mặt bị cáo Phấn không gây trở ngại cho việc xét xử và không ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo (có luật sư bị cáo). Đồng thời, tòa cũng cho biết áp dụng BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 để có lợi cho các bị cáo.
Qua các lời khai nhận tội của các bị cáo cùng các tài liệu chứng cứ khác, HĐXX nhận định đủ cơ sở căn cứ xác định các bị cáo phạm tội như VKS đã truy tố. Hậu quả của vụ án là đặc biệt lớn, vì vậy cần xử nghiêm các bị cáo mới đủ sức răn đe.
HĐXX nhận định bị cáo Phấn là chủ mưu, người đưa ra chủ trương, chỉ đạo nhận thực hiện các hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho TRUSTBank tổng cộng hơn 1.338 tỉ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của bà Phấn, các bị cáo còn lại trong vụ án đã thực hiện, đồng phạm giúp sức. Vì vậy, khi lượng hình HĐXX có xem xét vai trò đối với từng bị cáo cụ thể chỉ là người làm công ăn lương, không có động cơ, không được hưởng lợi.
Trong vụ án này, chỉ có một bị cáo mới bị truy tố, xét xử lần đầu còn các bị cáo khác đã bị xét xử trong giai đoạn 1 của vụ án. Bị cáo Loan có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đang nuôi con nhỏ, chồng bị cáo đang bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc.
Các bị cáo còn lại có mối quan hệ thân thiết với bà Phấn nên khi phạm tội có phần bị phụ thuộc. Từ đó, HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo. 

Các bị cáo đồng phạm giúp sức cho bà Phấn. Ảnh: HY

Về nghĩa vụ dân sự, HĐXX buộc bị cáo Phấn bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho Ngân hàng TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB). Các bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức nhưng không được hưởng lợi nên tòa không buộc các bị cáo bồi thường.
Đáng chú ý trong việc xử lý tài sản trong vụ án, HĐXX quyết định tiếp tục kê biên 97/114 bất động sản được công nhận quyền sử dụng của Tập đoàn Thiên Thanh và bị án Phạm Công Danh (người mua lại TRUSTBank từ bà Phấn và đổi tên thành VNCB nay là CB) để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của ông Danh theo các bản án đã xét xử.
Theo đó, bị cáo Phấn có trách nhiệm bồi thường 437 tỉ đồng cho CB, bị án Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm hoàn trả hai khoản gồm 901 tỉ và 756 tỉ cho CB...
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS cũng đề cập đến việc CQĐT vẫn không thể lấy lời khai của bà. Cụ thể, ngày 25-8-2018, CQĐT lập biên bản xác minh tại BV đa khoa Tân Hưng (nơi bị cáo Phấn đang nằm điều trị), bệnh viện xác định bệnh nhân không tiếp xúc với bác sĩ thăm khám, tình trạng bệnh của bệnh nhân phải thông qua người chăm.
Kết quả thăm khám ngày 25-8-2018, bác sĩ cũng nhận định bệnh nhân vẫn tỉnh táo, cố tình không tiếp xúc với bác sĩ điều trị và với các chỉ số thăm khám thì sức khỏe bệnh nhân vẫn bình thường, da dẻ hồng hào, cho thấy Hứa Thị Phấn bất hợp tác, cố tình né tránh pháp luật.
Đại diện VKS khẳng định cáo trạng VKS Tối cao truy tố là hoàn toàn có căn cứ. Vì lợi ích cá nhân, bà Phấn đã lôi kéo nhiều người thân cùng các thuộc cấp để thực hiện hàng loạt hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản cho mình. Trong vụ án này, VKS xác định bà Phấn có vai trò chủ mưu. Các bị cáo khác chỉ làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo...

Đại gia Hứa Thị Phấn chiếm đoạt hơn 1.338 tỉ đồng

Bà Phấn đã trực tiếp chỉ đạo làm các thủ tục đầu tư trái pháp luật gần 1.040 tỉ đồng vào bốn dự án bất động sản do ba công ty của bà (Công ty CP Phú Mỹ, Công ty CP Địa ốc Lam Giang và Công ty TNHH Phú Mỹ) làm chủ đầu tư. Sau đó, bà Phấn chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên.

Bà Phấn cũng chỉ đạo mua và nâng khống giá trị bốn bất động sản tại TP.HCM và tỉnh Khánh Hòa, chỉ đạo HĐQT và Ban điều hành TRUSTBank mua bốn tài sản với tổng giá trị hơn 661 tỉ đồng, chiếm đoạt hơn 437 tỉ đồng.

Những thiệt hại nêu trên cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng TRUSTbank năm 2011 và 2012 rất xấu và bị Ngân hàng Nhà nước xếp vào ngân hàng loại yếu kém. 

Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của VNCB sau này, khi nhóm cổ đông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến TRUSTBank từ nhóm cổ đông Hứa Thị Phấn, thực hiện tái cơ cấu. Hậu quả, Ngân hàng Nhà nước phải mua lại giá 0 đồng để gánh toàn bộ hậu quả nêu trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm