Sớm đánh tiếng vào năm 2017, OCB đã có kế hoạch niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhưng chưa triển khai được. Đến Đại hội đồng cổ đông năm 2018, HĐQT tiếp tục trình cổ đông xem xét và thông qua.
Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT, khả năng cao là OCB sẽ niêm yết trên HOSE trong năm 2018 và chậm nhất là khoảng thời gian cuối quý III, đầu quý IV sẽ lên sàn. Tuy nhiên, đó chỉ là khẳng định của Chủ tịch cho đến kỳ đại hội năm nay, ông Tuấn một lần nữa khẳng định sẽ cố gắng hoàn thành cũng vào quý III, chậm nhất quý IV-2019!
Ảnh minh họa.
Giải thích cụ thể nguyên nhân liên tục “hứa suông” với cổ đông, ông Tuấn không phủ nhận ngân hàng đã đưa ra Nghị quyết niêm yết suốt hai năm qua, tuy nhiên ông cũng khẳng định rằng OCB hoàn toàn không có ý định không muốn niêm yết. Chỉ là, HĐQT đang cân nhắc niêm yết lúc nào, niêm yết như thế nào để tốt nhất cho ngân hàng cũng như cổ đông!
Trong đó, OCB muốn tìm được nhà đầu tư nước ngoài rồi mới niêm yết. Cũng trong năm qua, thị trường thay đổi chóng vánh vào tầm tháng 4, tháng 5 đã tạo cú sốc cho nhà đầu tư ngoại phải chấp nhận lỗ sau khi đầu tư vào một số ngân hàng tại Việt Nam. Điều này gây bất lợi cho hành trình niêm yết của OCB, do đó HĐQT đã quyết định lùi niêm yết để tiếp tục tìm kiếm đối tác.
Liên quan đến việc niêm yết, trước áp lực từ Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13-11-2015 của Bộ Tài chính, đến hết năm 2016, các công ty đại chúng phải đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tập trung. Trong đó, việc niêm yết trên sàn của ngân hàng đòi hỏi mỗi đơn vị phải minh bạch về thông tin, công khai báo cáo tài chính; chưa kể phải đối mặt với áp lực tăng hiệu quả hoạt động nhằm thu hút nhà đầu tư. Đây cũng chính là khó khăn của một số ngân hàng hiện nay nước ta, một số ý kiến cho hay.