Cuối cùng thì thể thao Nga đã chính thức thoát án phạt cấm thi đấu toàn bộ các môn ở Olympic Rio. Điều này làm cho nhiều tổ chức thể thao của phong trào Olympic chia rẽ. Có những “phái” muốn Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cấm toàn bộ thể thao Nga tại Olympic Rio song không được.
Tổng thống V. Putin đã có những cuộc gặp với quan chức IOC.
IOC có cái lý lẽ của riêng mình. Thể thao không dính đến chính trị nhưng thể thao có vai trò hàn gắn và “lấp đi” những hố sâu ngăn cách và khác biệt về chính trị, giúp mọi người trên thế giới xích lại gần nhau hơn.
IOC có lý luận của mình. Giữa lúc Nga và phương Tây đang hồi căng thẳng chính trị, nếu như áp án phạt cấm thể thao Nga tham dự Olympic Rio thì có nguy cơ đối đầu Đông-Tây như thời Chiến tranh lạnh. Lúc đó hầu như các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa tẩy chay những cuộc tranh tài Olympic tại Mỹ và ngược lại, thể thao khối tư bản cũng tẩy chay Olympic Moscow.
IOC không muốn đẩy "gia đình thể thao" thế giới đến bờ vực của sự khủng hoảng đó. Chính vì vậy IOC đã ra quyết định cuối cùng là không trừng phạt toàn bộ thể thao Nga tại Olympic Rio này.
Bộ trưởng Thể thao Nga V. Mutko vui mừng vì Nga được tham dự Olympic Rio.
Các môn thể thao cá nhân của Nga vẫn được tranh tài tại Olympic Rio này. Đi đầu trong việc buộc IOC cấm toàn bộ thể thao Nga là Mỹ, Canada, Đức…
Tuy nhiên sau gần một tháng tranh luận và nghiên cứu nhiều góc độ thì IOC cũng không cấm toàn bộ. Một số nước châu Âu, trong đó có Ý, không muốn trừng phạt toàn bộ thể thao Nga, trong khi đó Ủy ban Olympic châu Âu cho biết trong những ngày sắp đến Olympic phía Nga phải đưa ra những lời hứa cùng nỗ lực để cho thấy Nga tự thân khắc phục những vấn đề tồn tại trước đây. Ủy ban Olympic châu Âu cũng lên tiếng rằng việc trừng phạt toàn bộ thể thao Nga là bất công, chỉ nên cấm những VĐV dính doping.
Bên cạnh đó, Ủy ban Olympic châu Á, Liên đoàn Các ủy ban Olympic Quốc gia cũng lên tiếng rằng nếu trừng phạt toàn bộ thể thao Nga thì là một quyết định không đẹp và kém cao thượng. Các tổ chức trên yêu cầu IOC trừng phạt thích đáng những cá nhân dính doping nhưng không đồng tình trừng phạt toàn bộ thể thao Nga.
Việc nêu quan điểm của riêng mình các tổ chức thể thao khác nhau qua việc trừng phạt cấm thể thao Nga tham dự Olympic Rio làm cho các tổ chức thể thao và phong trào Olympic đang có dấu hiệu chia rẽ.
Dù phán quyết là vậy song IOC cũng đang đứng trước áp lực cực lớn với Cơ quan chống doping thế giới (WADA) rằng IOC đã không làm ngay từ đầu để “ung nhọt doping” của thể thao Nga phát triển đến mức quá lớn.
Điều mà các nước buộc IOC cấm toàn bộ thể thao Nga tham dự Olympic Rio là họ giận dữ vì các phòng thí nghiệm doping Nga hoạt động không đúng quy chuẩn. Tức các phòng thí nghiệm doping của Nga do nhà nước can thiệp. Các nhân viên phòng thí nghiệm đều là những nhân viên mật vụ của cơ quan an ninh Nga (FSB) giả danh.
Phía Mỹ, Canada đòi hỏi khi nào các phòng thí nghiệm doping Nga hoạt động độc lập không bị nhà nước và chính quyền can thiệp thì khi ấy mới cho phép Nga hòa nhập trở lại với thể thao thế giới.
Tuy nhiên, IOC đã có quyết định của mình phù hợp với vai trò lớn hơn. Và họ cũng đang quan sát từng bước thay đổi của thể thao Nga.