Ôm nợ ​vì tin cò xuất khẩu lao động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là nhu cầu chính đáng của người dân, được Nhà nước khuyến khích nhằm góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập để cải thiện đời sống đối với người dân còn nhiều khó khăn.

Trên thực tế, đã có không ít gia đình đổi đời vì nhờ có người thân, con cái đi XKLĐ nước ngoài. Nhưng cũng có không ít người phải ôm nợ vì giấc mơ XKLĐ.

Gánh nợ vì tin người cùng làng

Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình cho biết vì quá tin tưởng người cùng làng mà đến giờ chị vẫn đang mang món nợ hơn 300 triệu đồng và không biết đến bao giờ mới trả được.

Theo chị Hoa, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn kiếm tiền nuôi hai con nhỏ ăn học nên chị Hoa có ý định sang Đức tìm việc làm. Qua lời giới thiệu của người thân, chị Hoa tìm gặp ông NVK, ông HQM là người thân quen ở cùng xã. Vì tin tưởng ông K là người cùng xã và ông M đang làm việc tại Đức nên chị Hoa đã vay tiền ngân hàng và đã bốn lần chuyển tiền cho hai người này với tổng số tiền là 12.500 euro (tương đương hơn 300 triệu đồng - PV).

Qua bốn lần giao tiền cho ông K  ông M, đến nay chị Hoa vẫn không được đi XKLĐ, đòi lại tiền cũng không xong. Ảnh: ĐH

Theo thỏa thuận giữa hai bên, sau khi chuyển đầy đủ tiền làm thủ tục, chị Hoa sẽ sang Đức làm việc, có thu nhập để trang trải cuộc sống, trả nợ vay ngân hàng. Thế nhưng, hơn ba năm trôi qua, giấc mơ xuất ngoại của chị Hoa vẫn dang dở. Áp lực gồng gánh trả lãi cho số nợ ngân hàng hơn 300 triệu đồng khiến chị suy sụp. Nhiều lần chị Hoa đã tìm gặp ông K, liên hệ với ông M để đòi lại tiền nhưng không được.

“Sau bốn lần đưa tiền cho đến nay, họ cứ nói do dịch COVID-19 nên không đi được. Đến giờ tôi cũng không biết cái visa là gì hết. Tôi đã làm đơn gửi UBND xã và công an huyện về vụ việc trên” - chị Hoa nói.

“Sập bẫy” môi giới lừa đảo

Anh Lê Hữu Nghị ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình cũng đang làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng, đề nghị hỗ trợ sau khi anh bị “sập bẫy” môi giới lao động của một số đối tượng. Anh Nghị bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền môi giới hơn 313 triệu đồng.

Anh Nghị cho biết anh được người quen giới thiệu cho bà H ở TP Đồng Hới để hỏi thủ tục đi Úc làm việc. Bà H sau đó giới thiệu anh Nghị cho anh Hiền ở Quy Nhơn. Người này giới thiệu là chuyên gia môi giới cho du học sinh ở cả phía Bắc và phía Nam. Sau đó người này giới thiệu anh đến Trung tâm tư vấn du học C tại quận 3, TP.HCM để làm thủ tục đi XKLĐ.

Ngày 9-3-2020, Trung tâm C yêu cầu anh Nghị nộp 313 triệu đồng để thanh toán học phí làm việc ở Úc, có biên bản nhận tiền và họ hứa nếu trượt visa thì sẽ hoàn trả tiền và hồ sơ giấy tờ. Do chờ lâu quá không thấy ai gọi, anh Nghị gọi đến Trung tâm C để hỏi thông tin thì họ trả lời thủ tục chưa xong. Sau đó anh Nghị nhiều lần gọi đến để hỏi lý do chưa xong thủ tục thì phía Trung tâm C không bắt máy. “Quá lo lắng nên tôi có tìm hiểu thì được biết Trung tâm C không còn ở địa chỉ cũ và tôi cũng không biết cách nào liên hệ để đòi lại tiền đã nộp” - anh Nghị nói.

Cũng theo anh Nghị, không chỉ anh mà còn rất nhiều người khác ở xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch và thị xã Ba Đồn cũng là nạn nhân của các cò môi giới XKLĐ. Nhiều người cũng phải ôm món nợ ngân hàng trăm triệu đồng như anh.

Trao đổi với PV về vấn đề trên, Thượng tá Trương Quốc Cường, Trưởng Công an huyện Bố Trạch, cho biết hiện nay công an huyện đã tiếp nhận và xem xét xử lý đơn trình báo của một số nạn nhân bị lừa đi XKLĐ trên địa bàn theo đúng quy định.

Không nên tìm việc làm qua cò, môi giới việc làm

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thường xuyên tuyên truyền về việc XKLĐ chui, đưa người lao động Việt Nam sang lao động trái phép tại các nước. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều người dân tự liên hệ, làm thủ tục đi nước ngoài làm việc qua cò và môi giới mà không giao dịch trực tiếp với các công ty hay trung tâm giới thiệu việc làm được phép đưa lao động ra nước ngoài làm việc.

Để tránh các rủi ro và hạn chế việc bị các đối tượng môi giới là “chân rết” của các công ty “ma” lừa tiền, người dân phải cẩn thận tìm hiểu kỹ thủ tục về XKLĐ. Khi có nhu cầu XKLĐ, phải lựa chọn đúng địa chỉ, trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép về XKLĐ ở nước ngoài. Không làm việc qua cò hay những người tự xưng là môi giới về XKLĐ.

 ĐINH THỊ NGỌC LAN Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm