Ổn định giá, kiểm soát lạm thu

(PLO)- Các chuyên gia đưa ra nhận định và hiến kế để phục hồi, phát triển bền vững
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TS CẤN VĂN LỰC, chuyên gia kinh tế:

Sẵn sàng ứng phó với biến động tài chính toàn cầu

Có nhiều thách thức với kinh tế giai đoạn nửa cuối năm 2022. Đó là căng thẳng Nga - Ukraine vẫn hiện hữu; chính sách zero COVID của Trung Quốc và việc gián đoạn, đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu sẽ khiến mặt bằng giá cả khó giảm.

Chưa kể việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát có thể gây suy thoái kinh tế toàn cầu. Các nhân tố này sẽ khiến hoạt động thương mại của Việt Nam tăng chậm lại khi đà phục hồi kinh tế toàn cầu giảm.

Ở góc độ nền kinh tế Việt Nam, tác động của dịch COVID-19 đối với các ngành khác nhau nên mức độ phục hồi khác nhau, sức cầu còn yếu, dịch vụ phục hồi chậm. Giải ngân đầu tư công vẫn là thách thức, lạm phát có nguy cơ hiện hữu.

Để nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng trong giai đoạn nửa cuối năm 2022 và tạo sức bật trong năm 2023 thì cần tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phục hồi 2022-2023. Xây dựng kịch bản nếu Fed tăng nhanh lãi suất dẫn tới những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.

Đồng thời, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý.

Ông PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA):

Hạ nhiệt bão giá

Hiện nay, sức mua bắt đầu giảm, trong khi đầu vào chi phí tăng cao, DN không thể tăng giá bán. Khó nữa là DN không thể, không dám ký hợp đồng dài hạn, hợp đồng giá trị lớn vì không tính toán được chi phí đầu vào biến động theo hướng ngày càng tăng cao. Đây là thách thức lớn của cộng đồng DN.

Có thể nhìn thấy nguồn ngân sách trong nửa đầu năm 2022 chủ yếu từ các khoản thu về thuế, phí liên quan đến đất đai trong khi các khoản thu từ sản xuất, kinh doanh rất ít.

Từ nay đến hết năm 2022, DN chỉ mong ổn định giá hàng hóa. Giá xăng dầu giảm sẽ kéo theo các mặt hàng tiêu dùng khác giữ ổn định, kéo đà tăng của giá hàng hóa giảm xuống. DN kiến nghị Chính phủ cần có ngay những giải pháp ổn định mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường.

Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM:

Hỗ trợ tiền nhà trọ sớm đến tay công nhân

Người lao động gặp khó khăn vì bão giá, chi tiêu cho cuộc sống tăng cao, nhất là những người ở đô thị lớn. Vì vậy, DN sẽ đối mặt với nỗi lo người lao động nghỉ việc, thiếu công nhân để ổn định sản xuất, kinh doanh trong nửa cuối năm nay.

Thực tế, các DN trả lương cho người lao động cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu mà Nhà nước quy định. Nhưng với giá hàng hóa, chi phí sinh hoạt hiện tại, cuộc sống của công nhân vẫn rất chật vật.

Chính sách cần tập trung hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp, triển khai phải đơn giản, sớm đến tay từng công nhân. Như hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân bằng ngân sách nhà nước bắt đầu được triển khai từ tháng 4 nhưng đến nay số người lao động nhận được không nhiều, có địa phương làm nhanh, có nơi còn chậm.

TS LÊ BÁ CHÍ NHÂN, chuyên gia kinh tế:

Giảm gánh nặng chi phí học hành

Nhà nước cần coi sách giáo khoa (SGK) là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh như xăng dầu, điện, nước... Nên lập hội đồng nghiên cứu và thẩm định để xây dựng bộ SGK chuẩn, giữ bản quyền bộ sách đó. Sau đó, cho các nhà xuất bản hoặc nhà in đấu thầu để có giá bán hợp lý nhất.

Hàng triệu học sinh trên cả nước phải sử dụng SGK, trong đó có nhiều gia đình nghèo, vùng sâu vùng xa, nếu giá SGK quá cao thì sẽ trở thành gánh nặng đối với người dân. Nhà nước cần xem xét đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá hoặc bình ổn giá chứ không nên để các nhà xuất bản tự ý kê khai giá.

Hiện học phí được đề xuất chưa tăng nhưng trong năm học mới tiếp theo có thể tăng. Nhà nước cần kiểm soát tình trạng thu vượt, thu sai quy định, lạm thu ở các trường đại học. Các trường cũng phải thực hiện chế độ quản lý tài chính về kế toán, kiểm toán, công khai, minh bạch thông tin.

..............................................

SỔ TAY:

Biến nguy thành cơ

Cùng với đà phục hồi, kinh tế Việt Nam (VN) và toàn cầu đang đứng trước những thách thức lớn.

Gói kích thích kinh tế của các quốc gia sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch là một tác nhân dẫn tới lạm phát. Một nguyên nhân nữa là thế giới bị đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn giao thương do Trung Quốc thực hiện zero COVID ở nhiều TP; xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Riêng VN chịu ảnh hưởng bởi tác nhân thứ hai nhiều hơn, vì các biện pháp kích thích kinh tế phải tới sang năm mới ảnh hưởng rõ rệt đến đời sống.

Như thế, kinh tế VN vẫn đứng trước những diễn biến khó lường. Nhiều nước đang phải đối diện với lạm phát tới 200%-300%. Nền kinh tế có độ mở khá lớn như VN sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc.

Ở thái cực khác, một số nước đang có sự đảo chiều về chính sách. Thay vì nới lỏng tiền tệ, tài khóa thì tiến hành thắt chặt chính sách này bằng cách tăng lãi suất, giảm quy mô nợ công. Đây là một thách thức khi nước ta vẫn xem xuất khẩu là trụ cột kinh tế, vẫn chú trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Khi triển khai gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, nếu không có biện pháp phù hợp, lĩnh vực chứng khoán, bất động sản có thể sa vào cảnh dòng tiền không được kiểm soát tốt. Từ đó dẫn tới tình trạng thổi to và vỡ bong bóng bất động sản, bong bóng chứng khoán với hậu quả khôn lường.

Những lo ngại về tình hình kinh tế thế giới, thậm chí dự báo kinh tế thế giới sẽ bước vào suy thoái trong năm 2023 đã xuất hiện trên nhiều diễn đàn. Thế nhưng trong nguy có cơ vẫn là quy luật tự nhiên, cần tìm ra và tận dụng những “cơ” trong nhiều “nguy” ấy.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã đưa ra năm nhóm giải pháp lớn: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết việc làm;hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Một trong những giải pháp quan trọng vẫn là cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vì giải pháp này xuất phát từ con người, ít phụ thuộc vào điều kiện khách quan.

Điều đó càng thể hiện rõ với đầu tàu kinh tế TP.HCM. Quỹ đất để thu hút đầu tư của TP đã gần cạn, chi phí thuê mặt bằng cao. Trong năm năm tới, TP cần tới hàng triệu tỉ đồng cho đầu tư công mà vốn ngân sách dành cho đầu tư công chỉ hơn 30.000 tỉ đồng. Lời giải cho bài toán này là đẩy mạnh thu hút đầu tư của khu vực tư nhân và nước ngoài với những lĩnh vực ít sử dụng mặt bằng, ít thâm dụng lao động. Chưa kể những mô hình kinh tế hiện đại như trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại mới tạo ra hấp lực mạnh để thu hút nguồn vốn toàn cầu. Bao trùm những vấn đề này là cơ chế phân cấp, ủy quyền, tự chủ tương thích với nội lực và nhu cầu phát triển.

Với xu hướng phát triển công nghệ cao, lợi thế đang thuộc về những gì vô hình và động lực cho lợi thế ấy cũng là những gì tưởng như vô hình. Đó là cơ chế, chính sách. Bài học của một số quốc gia thịnh vượng cho thấy muốn biến nguy thành cơ thì phải bớt lệ thuộc vào hoàn cảnh khách quan, mà phải tìm cách thay đổi những công cụ chúng ta đang có trong tay.

PHẠM CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm