Trong ngày 2-3 đến sáng nay (3-3), trên trang mạng xã hội lan truyền một clip ghi lại sự việc ồn ào trước cửa phòng bán vé của sân khấu IDECAF, số 7 Trần Cao Vân, quận 1 (TP.HCM).
Khán giả bức xúc vì phải xếp hàng từ sáng sớm nhưng không mua được vé nhưng vé chợ đen thì bao nhiêu cũng có. (Ảnh chụp từ clip)
Trong clip, một số khán giả đã bức xúc cho rằng họ xếp hàng từ lúc 6 giờ sáng để mua vé cho suất diễn kịch Tấm Cám ngày 10 và 19-3 nhưng không được giải quyết. Trong khi họ chứng kiến tận mắt phe vé cầm cả xấp vé bán lại giá cao ở bên ngoài.
Những khán giả này cho biết họ đi từ sớm, đứng giữa trời nắng xếp hàng rất khổ sở, khát nước cũng không dám đi mua uống vì sợ mất chỗ chỉ vì muốn mua được vé vở kịch thiếu nhi này cho con cháu mình nhưng vẫn không được.
Họ đặt câu hỏi tại sao không bán vé theo CMND, tại sao sân khấu 300 chỗ ngồi nhưng bán mới chỉ khoảng 100 vé thì bảo hết vé và không bán cho suất kế tiếp mà bắt khán giả phải quay trở lại vào lần sau. Những khán giả cũng bày tỏ nghi ngờ phòng vé Kịch IDECAF đã tiếp tay với phe vé, tuồn vé ra chợ đen bán giá cao. Họ đòi gặp giám đốc sân khấu Kịch IDECAF để giải quyết vấn đề.
Trưa cùng ngày, Pháp Luật TP.HCMđã có trao đồi nhanh với Giám đốc sân khấu Kịch IDECAF - ông bầu Huỳnh Anh Tuấn.
. Phóng viên: Thưa ông, ông đã xem clip về việc vé chợ đen của vở Tấm Cám chưa, ông nói gì về sự việc này?
+ Ông Huỳnh Anh Tuấn: Tôi đã xem rồi. Trước hết tôi thấy mừng vì khán giả vẫn rất nhiệt tình với sân khấu kịch. Nhưng phải nói rằng đây chỉ là hiện tượng xảy ra riêng với vở kịchTấm Cám mà chúng tôi vừa cho tái diễn lại đang sốt vé chứ những vở kịch khác ở Kịch IDECAF việc bán vé vẫn diễn ra bình thường.
Đó là quy luật cung cầu cũng bình thường khi số người cần mua nhiều hơn số vé cần bán. Với lại, tôi nghĩ vé chợ đen xuất hiện cũng là do quy luật cung cầu, có người mua sẽ có người bán.
Nếu mọi người quan sát kỹ thì người mua vé chợ đen thường là những người không muốn xếp hàng hay người đến trễ mà muốn mua vé có chỗ ngồi tốt. Vé chợ đen họ chỉ tìm mua ở những hàng ghế tốt mà thôi.
. Thưa ông, chuyện vé chợ đen những vở diễn hot ở Kịch IDECAF đã diễn ra suốt khoảng 10 năm nay với rất nhiều lời phàn nàn chứ không chỉ diễn ra ở lần này. Có hay không chuyện chính phòng vé Kịch IDECAF tiếp tay phe vé, tuồn vé ra ngoài?
+ Vé chợ đen như tôi đã nói là quy luật cung cầu. Là quy luật thì khó mà dẹp được và nó có ở khắp mọi chương trình, vở diễn sân khấu sốt vé chứ không chỉ ở Kịch IDECAF.
Vì lợi nhuận, phe vé sẽ tìm mọi cách để có vé như nhờ người xếp hàng mua vé nếu bị quen mặt, mua lại của khán giả, diễn viên với giá cao rồi bán lại giá cao hơn… Chúng tôi cũng không loại trừ khả năng chính người từ nội bộ đưa vé ra ngoài chợ đen với hình thức này hay hình thức khác.
Từ clip ngày 2-3 chúng tôi đã bắt đầu kiểm soát nghiêm ngặt chuyện này. Đến giờ bán vé chúng tôi cho nhân viên đứng ghi hình và loại ngay những người xếp hàng mua vé che mặt là những phe vé. Chúng tôi cũng sẽ kiểm soát những số serie vé chợ đen để xem số vé này xuất phát từ đâu. Chúng tôi sẽ công bố những clip ghi hình này trên trang mạng của Kịch IDECAF. Với biện pháp này, chúng tôi thấy hiệu quả đạt tới 85% và sẽ tiếp tục áp dụng.
. Với vị trí giám đốc Kịch IDECAF, ông đã có biện pháp nào để giải quyết bức xúc của khán giả ở clip ngày 2-3?
+ Chúng tôi đã ghi nhận số điện thoại của 42 khán giả xếp hàng mà không mua vé được trong ngày 2-3 để ghi nợ và liên hệ giải quyết vé cho họ trong suất sớm nhất.
Sân khấu kịch tuy đông khách trong dịp tết nhưng vẫn đang khó khăn. Chúng tôi không đưa vở Tấm Cám ra nhà hát lớn như Bến Thành là vì muốn ổn định lượng khán giả cho các suất diễn hằng tuần của mình và cũng vì không kham nổi giá thuê rạp quá cao, trên dưới 50 triệu đồng mỗi suất diễn ở Nhà hát Bến Thành.
Cho tôi xin gửi lời cùng khán giả rằng vở kịch thiếu nhi Tấm Cám đã được xếp lịch diễn quanh năm như một vở kịch dài bình thường ở sân khấu Trần Cao Vân chứ không phải chỉ diễn đợt tết này rồi ngưng. Khán giả nếu không xem được ở suất diễn này vẫn có thể mua vé xem ở nhiều suất diễn sau đó.
. Xin cám ơn ông.
Tấm Cám là vở kịch thiếu nhi nằm trong chương trình “Ngày xửa ngày xưa” của Kịch IDECAF ra đời vào năm hai. Vở diễn rất ăn khách, gây ấn tượng bởi diễn xuất vui nhộn, đặc sắc đóng đinh vào lòng người xem của hai nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu khi giả gái vào vai hai mẹ con nhà Cám. Tuy nhiên, vở diễn cũng gây tranh cãi ồn ào từ mặt báo cho đến trong giới nghệ sĩ lẫn khán giả về việc giả gái của các nam nghệ sĩ có cần thiết và có phản thẩm mỹ, phản giáo dục khiến trẻ con bắt chước hay không. |