Ông Biden đổi chiến thuật, cũng đến Kenosha như ông Trump

Ngày 3-9, ứng viên tổng thống Mỹ đại diện đảng Dân chủ - ông Joe Biden đã có chuyến đi đến TP Kenosha, bang Winconsin – điểm nóng của đợt biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc hiện tại của Mỹ, theo hãng tin Reuters. Chuyến đi của ông Biden diễn ra hai ngày sau khi ứng viên tổng thống đại diện đảng Cộng hòa – đương kim Tổng thống Donald Trump đến Kenosha.

Trump-Biden cùng đến Kenosha nhưng sắc thái hoàn toàn khác

Hai chuyến đi của ông Biden và ông Trump mang sắc thái hoàn toàn khác nhau.

Tại Kenosha, ngoài gặp gỡ cư dân TP tại một nhà thờ, ông Biden đã gặp riêng gia đình thanh niên da màu 29 tuổi Jacob Blake tại sân bay Milwaukee. Anh Blake là người đã bị một cảnh sát da trắng bắn nhiều lần vào lưng ngày 23-8, nguồn cơn làm dấy lên làn sóng biểu tình. Ông Biden cũng đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại kéo dài 15 phút với thanh niên da màu Blake vốn còn điều trị trong bệnh viện.

Ông Joe Biden phát biểu trước người dân Kenosha ở nhà thờ Grece Lutheran ở TP Kenosha, bang Winconsin (Mỹ) ngày 3-9. Ảnh: AP Photo/Carolyn Kaster

Trong khi đó, đối tượng ủy lạo chính của ông Trump trong chuyến thăm Kenosha ngày 1-9 là lực lượng cảnh sát đang phải đối phó biểu tình ở đây. Ông Trump có gặp một số chủ doanh nghiệp có cơ sở làm ăn bị bộ phận người biểu tình cực đoan phá phách, nhưng ông không gặp thanh niên da màu Blake hay gia đình người này.

Ông Donald Trump gặp một số chủ doanh nghiệp có cơ sở làm ăn bị bộ phận người biểu tình cực đoan phá phách khi thăm Kenosha, bang Winconsin (Mỹ) ngày 1-9. Ảnh: GETTY IMAGES

Gặp cư dân TP ông Biden lên án bạo lực biểu tình nhưng cũng hoan nghênh phong trào biểu tình Black Lives Matter (tạm dịch: Mạng sống người da đen cũng đáng giá). Ông Biden chê trách ông Trump đã kích động người dân phản đối phong trào biểu tình chống phân biệt sắc tộc này.

Trong khi đó, hai ngày trước tại Kenosha ông Trump lại cảnh báo những nhân vật Dân chủ như ông Biden dung dưỡng bạo lực và bị các thành phần cánh tả gây ảnh hưởng.

Ông Biden đổi chiến thuật tranh cử

Theo Reuters, chuyến thăm Kenosha cho thấy một sự thay đổi rõ ràng trong chiến thuật tranh cử của ông Biden, vốn mấy tháng nay luôn chủ trương tránh di chuyển xa khỏi nhà mình ở bang Delaware, với lý do để phòng tránh COVID-19.

Việc gặp gỡ người dân ở nhà thờ tại Kenosha là sự kiện tập trung đông người nhất mà ông Biden trực tiếp tham gia trong nhiều tháng qua.

Người dân Kenosha tập trung chờ gặp ông Joe Biden tại nhà thờ Grace Lutheran ở TP Kenosha, bang Winconsin (Mỹ) ngày 3-9. Ảnh: Alex Wong/Getty Images/AFP

Winconsin là một bang chiến địa cốt tử trong cuộc đua vào Nhà Trắng với cả hai đảng. Ông Trump thắng bà Hillary Clinton tại bang này bốn năm trước. Hiện các cuộc thăm dò cho thấy ông Biden đang dẫn trước ông Trump ở bang này. Tuy nhiên diễn biến tranh cử cũng cho thấy ông Trump đang dần thu hẹp khoảng cách.

Sau Winconsin, tối 3-9 (giờ Mỹ tức sáng 4-9 theo giờ Việt Nam) ông Trump thăm một bang chiến địa dao động quan trọng nữa, là bang Pennsylvania.

Ông Donald Trump phát biểu tại TP Lareobe, bang Pennsylvania (Mỹ) tối 3-9. Ảnh: KDKA

Sự kiện tranh cử của ông Trump được tổ chức ngay tại sân bay Arnold Palmer ở TP Lareobe với khoảng 1.000 người tham gia. Trong một tiếng rưỡi phát biểu ông Trump đề cập hàng loạt vấn đề: việc làm, kinh tế, đại dịch COVID-19, Hiến pháp,…

Bang Pennsylvania cũng là nơi ông Trump thắng trong năm 2016. Tuy nhiên các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông đang đi sau ông Biden ở bang này.

Phong trào biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc Black Lives Matter bùng phát ở Mỹ từ tháng 5, bắt đầu từ TP Minneapolis (bang Minnesota) sau khi người đàn ông da màu George Floyd bị một cảnh sát da trắng dùng gối ghè cổ trong chín phút khiến ông chết vì ngạt thở.

Theo Reuters, thời điểm đó làn sóng biểu tình này đã khiến đảng Dân chủ gặp khó khăn trong thể hiện quan điểm chính trị. Bộ đôi liên danh tranh cử Joe Biden và Kamala Harris hoan nghênh phong trào Black Lives Matter, nhưng không hứa hẹn gì về chuyện tước bỏ bớt quyền hành hay sức mạnh của lực lượng cảnh sát.

Tuy nhiên một kết quả thăm dò của Reuters/Ipsos công bố ngày 2-9 cho thấy lợi thế có phần nghiêng về ông Biden. Hầu hết người Mỹ không nghĩ tội phạm là một vấn đề chính mà nước Mỹ phải đối mặt, và phần lớn thông cảm với làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc. Trong khi đó đa số người Mỹ nói họ “rất” hoặc nếu không thì cũng “một mức độ nào đó” lo ngại về đại dịch COVID-19.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm