Ông Erdogan: Chớ mong Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO

(PLO)- Ông Erdogan nhấn mạnh Thụy Điển không còn có thể mong đợi sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ về việc gia nhập NATO sau khi để xảy ra cuộc biểu tình ở thủ đô Stockholm cuối tuần qua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 23-1 nói rằng Thụy Điển không nên trông mong vào sự ủng hộ của Ankara về việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi một cuộc biểu tình xảy ra gần đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Stockholm vào cuối tuần trước, trong đó người biểu tình đã đốt bản sao cuốn kinh Koran.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Yves Herman/POOL/REUTERS

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Yves Herman/POOL/REUTERS

Trước đó, hãng Reuters đưa tin nhiều cuộc biểu tình xảy ra ở thủ đô Stockholm vào ngày 21-1 nhằm chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và phản đối Thụy Điển gia nhập NATO, bao gồm việc đốt một bản sao kinh Koran, đã làm gia tăng căng thẳng giữa Ankara và Stockholm trong bối cảnh quốc gia Bắc Âu này cần sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập liên minh quân sự.

“Những người cho phép hành vi báng bổ đó xảy ra trước toà đại sứ của chúng ta không còn có thể mong đợi sự ủng hộ từ chúng ta đối với tư cách thành viên NATO của họ” - Tổng thống Erdogan nói trong một bài phát biểu sau cuộc họp nội các.

“Nếu bạn yêu mến và bảo vệ những thành viên thuộc các tổ chức khủng bố và kẻ thù của đạo Hồi thì tôi khuyên các bạn nên tìm kiếm sự ủng hộ của họ cho an ninh quốc gia của các bạn” - ông Erdogan nói tiếp.

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom từ chối bình luận về bài phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, song nhấn mạnh “Thụy Điển sẽ tôn trọng thỏa thuận hiện có giữa Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tư cách thành viên NATO của chúng tôi”.

Trong khi đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price từ chối trả lời bình luận nói rằng liệu phát biểu của ông Erdogan có đồng nghĩa việc cánh cửa gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan đã đóng hẳn, nhưng ông khẳng định hai quốc gia Bắc Âu sẵn sàng gia nhập liên minh.

“Cuối cùng, đây là một quyết định và sự đồng thuận mà Phần Lan và Thụy Điển sẽ phải đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ” - ông Price cho biết.

Liên quan hành động đốt bản sao kinh Koran, ông Price nhận định đó đó là một hành động vô cùng thiếu tôn trọng, đồng thời nói thêm rằng những kẻ đứng đằng sau vụ việc đang cố tình làm suy yếu sự đoàn kết trên khắp Đại Tây Dương và giữa các đồng minh châu Âu của Washington.

Theo Reuters, kẻ thực hiện hành vi đốt bản sao kinh Koran là ông Rasmus Paludan, lãnh đạo đảng chính trị cực hữu Hard Line của Đan Mạch. Ông Paludan, người cũng có quốc tịch Thụy Điển, trước đây đã từng tổ chức một số cuộc biểu tình trong đó ông đã đốt kinh Koran.

Một số quốc gia Ả Rập bao gồm Saudi Arabia, Jordan và Kuwait đã lên án hành động trên. Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập đại sứ Thụy Điển cũng như hủy chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển tới Ankara.

Vào tháng 5-2022, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Để được trở thành thành viên chính thức, hai quốc gia Bắc Âu này cần sự phê duyệt của tất cả 30 nước thành viên NATO. Hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa phê chuẩn các đơn gia nhập NATO trên.

Trong đó, đơn gia nhập của Thụy Điển đặc biệt vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara nhiều lần cáo buộc Stockholm chứa chấp nhóm chiến binh người Kurd mà nước này xem là “phần tử khủng bố”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm