Ông già nghèo nhặt rác ở Hội An

(PLO)- Hình ảnh này đã quá quen thuộc với người dân TP Hội An (Quảng Nam).

Dáng người gầy gò, làn da đen sạm. Mặc bộ đồ xanh sờn màu, ông đẩy xe dọc các tuyến đường ven biển nhặt từng mảnh rác nhỏ. Hình ảnh này đã quá quen thuộc với người dân TP Hội An (Quảng Nam).

Đã bốn năm, ông Nguyễn Thương (60 tuổi, phường Cửa Đại, TP Hội An) vẫn miệt mài đẩy xe, xách bao làm việc như thế. Với ông, đấy là chữ “nghĩa” mà trọn một đời ông nguyện “còn sức còn cống hiến”.

Giữa tiết trời mưa phùn mùa xuân, tự mình đẩy xe dọc con đường Cửa Đại (TP Hội An) quá đỗi quen thuộc đối với ông. Lạch cạch vừa đẩy xe, vừa nhặt từng mảnh rác nhỏ. Vài chục mét lại dừng, hết lề trái rồi qua lề phải, thậm chí là giữa lòng đường. Ông miệt mài nhặt từng chút cho đến khi con đường không còn một mảnh rác.

Không giày dép, quần áo bảo hộ như những người công nhân vệ sinh khác. Đôi dép lê, bộ đồ công nhân sờn cũ cùng chiếc mũ lưỡi trai ngả màu thời gian đồng hành với ông trên khắp các tuyến đường suốt 4 năm trời. Hình ảnh người đàn ông gầy gò, giơ tay xin đường băng qua dòng người tấp nập mỗi ngày là điều không còn lạ.

“Công ty TNHH nhặt rác Nguyễn Thương” là cách các thanh niên ví von gọi tên ông khi nhắc tới. Tại sao mấy thanh niên trong xóm lại gọi ông như vậy?- tôi hỏi. Ông vui vẻ giải thích : “Tôi cứ nhặt rác hằng ngày, chỉ một mình nên tụi nhỏ chọc tôi như vậy”. Ông cười hiền khi tôi nhắc đến điều đó.

Đối với người dân TP Hội An, họ biết ông làm công việc nhặt rác là tự nguyện, không có lương. Ông vác tù và hàng tổng mà vui. Những cống hiến âm thầm của ông làm cho Hội An sạch đẹp hơn. Con đường sạch làm vui lòng du khách thập phương khi đến với di sản thế giới này.

Với du khách, hình ảnh của ông Thương lom khom nhặt rác đối với họ là một điều thú vị. Ông tâm sự rằng, nhiều lần trong 4 năm qua, thông qua những bạn thông dịch viên mà các du khách biết được việc ông làm. Nhiều du khách đã chụp ảnh lưu niệm cùng ông Thương lượm rác.

Theo chân ông một lúc, chúng tôi thắc mắc tại sao ông lại làm việc này. Rất nhanh, ông đáp : “Đây là chữ nghĩa mà tôi đã tự hứa với bản thân còn sức còn cống hiến, để Hội An của tôi đẹp hơn”.

Bốn năm về trước, ông đang phụ bếp tại một nhà hàng thì trong người mệt mỏi, lên cơn sốt. Ông cố gắng làm việc đến lúc tan ca. Xong công việc, ông về nhà cũng thuốc men như những lần sốt bình thường. Bệnh tình không hề thuyên giảm, hai tai bắt đầu ù, đầu óc quay cuồng, chân tay tê liệt. Những dấu hiệu cảnh báo một cơn tai biến đang đến với ông. Từ đó, ông “gắn bó” với bệnh viện.

Gần nửa năm trời lấy bệnh viện là nhà, bác sĩ là người thân, bệnh tình vẫn không khá lên. Niềm hi vọng nhỏ nhoi cho một sức khỏe bình thường gần như vỡ vụn. Đau lòng, gia đình chấp nhận đưa ông về nhà chăm sóc. Trong lúc tuyệt vọng nhất, ông nhớ lời của bác sĩ trong lúc nằm viện: “Nếu nằm một chỗ, chân tay sẽ bị liệt hoàn toàn”, ông nhớ lại.

Không đầu hàng số phận, ông gắng gượng, miệt mài tập luyện. Ban đầu, chẳng có gì là dễ dàng. Ông phải tập đứng, tập đi, tập cầm nắm những thứ nhỏ nhất như một đứa trẻ lên 2. Công sức của ông cũng được đền đáp. Chuyện thần kỳ cũng đến, sức khỏe dần khá lên. Hai chân chập chững những bước đi, tay bắt đầu cầm nắm được trở lại.

Từ lúc sức khỏe khá lên, niềm tin về cuộc sống với ông lại như một mầm xanh đội đất cát phù sa của sông mẹ Thu Bồn vươn lên. Ông tăng tần suất, thời gian tập luyện và đánh dấu sự “trở lại” của những chức năng cơ bản nhất của con người.

Ông Thương kể, ông đi bộ tập thể dục mỗi sáng để duy trì sức khỏe. Trong những lần như thế, cứ thấy rác ông nhặt ngay bỏ vào thùng. Nhiều lần rồi biến thành thói quen, ông tự nghĩ: “Tại sao mình không nhặt rác, vừa đi nhiều có sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường?”. Từ suy nghĩ đó, ông Thương nhặt rác không lương xuất hiện như một thông điệp sống về bảo vệ môi trường tại phố cổ.

Công việc lúc mới bắt đầu, ông không dám tâm sự cùng ai. Ông ra khỏi nhà vào lúc gà còn chưa gáy sáng, chỉ mới vài tiểu thương gánh đồ ra chợ sớm. Ông Thương không muốn nhiều người biết về sự cống hiến âm thầm của mình. Có những hôm, nửa đêm ông lặng lẽ xách bao đi dọc các con đường nhặt rác. Cứ thế miệt mài làm cho phố cổ sạch hơn.

Những ngày đầu tiên, ông phải thức dậy từ 2 giờ sáng đi nhặt từng mảnh rác nhỏ đến tận tờ mờ sáng vì sợ người thân phát hiện lại can ngăn vì bệnh tình. Không kể trời mưa, sương gió, miễn trong người thấy khỏe là ông trốn vợ con đi nhặt rác.

Âm thầm cống hiến rồi bà con xóm giềng biết chuyện. Họ nghi ngờ trận bệnh kéo dài trước đó khiến ông bị khùng. Với họ, hành động của ông thật lạ lùng. Chuyện ông nhặt rác làm sạch Hội An cuối cùng cũng đến tai người thân. Vợ cùng ba cô con gái ra sức can ngăn. Ông cười : “Ba không sao cả hãy để ba làm chút việc nhỏ có ích cho Hội An” rồi lại xách bao đi nhặt rác.

Nhớ lại khoảng thời gian khi cha mình bị đồn đoán là khùng điên nên nửa đêm đi nhặt rác, chị Nguyễn Xuân Phương (23 tuổi, con gái út của ông Thương) cho hay, chị đang học ở Đà Nẵng nhiều người nhắn tin, gọi điện bảo là ba chị bị khùng, tự nhiên lại đi nhặt rác. Có hôm, nhiều người ở quê, bạn bè gọi điện mách chuyện “mày coi chứ ba mày có khi bị khùng rồi”. Hai chị em tức tốc chạy xe máy về trong đêm, nước mắt đầm đìa hỏi chuyện.

“Ba nói ba không khùng và chứng minh cho tụi em thấy. Ba kể vanh vách nhiều chuyện từ xa xưa mà bọn em, thậm chí là mẹ cũng không nhớ nổi. Ba nói rằng việc mình làm để bảo vệ môi trường”, chị Phương xúc động nói.

Từ đó, ông trấn an tư tưởng của vợ và các con gái. Nhưng việc ông làm vẫn bị mọi người phản đối. Mọi người trong gia đình vẫn khuyên ông đừng đi nhặt rác nữa. Nhưng ông nghĩ, ông trời có mắt đã giữ ông ở lại với trần thế. Ông tự hứa với lòng rằng, còn sức còn cống hiến để hoàn thành chữ “NGHĨA” mà ông đã nguyện.

Bất chấp miệng lưỡi người đời, ông bỏ ngoài tai mọi thứ. Để thực hiện được tâm nguyện của mình, ông Thương thuyết phục vợ và các con đồng ý để ông gắn bó với điều mình đã chọn.

Sự quyết tâm của ông cuối cùng cũng được chấp nhận. Hiểu được tâm nguyện, các con đã đồng ý và yêu cầu ông cam kết thay đổi giờ “làm việc”. Rồi từ đó, tầm 7 giờ đến 10 giờ mỗi ngày, ông xách bao rong ruổi khắp các nẻo đường nhặt từng mảnh rác vụn.

Khác với những ngày đầu, ông đi nhặt rác công khai, không còn cảm giác e dè, sợ sệt. Ông càng cảm thấy thoải mái và yêu hơn việc mình đang làm. Cứ thế, công việc của ông vẫn cứ diễn ra đều đặn mỗi ngày.

Tháo đôi găng tay, châm điếu thuốc giữa giờ “giải lao”. Giọng Quảng Nam đặc sệt, ông Thương kể: “Lúc đầu họ nói tôi khùng. Tui cứ mặc kệ, ai nói gì nói, tui cứ làm việc của tui”.

Lặng lẽ, âm thầm, làm việc. Cách ông đối diện với sóng gió dư luận thật đáng khâm phục. Và cái cách ông tự gắn trách nhiệm bản thân đối với xã hội càng đáng khâm phục hơn.

Ở tuổi 60, nhiều người sẽ chọn việc tận hưởng tuổi già cùng con cháu. Nhưng suy nghĩ của ông rất khác, ông muốn làm một việc gì có ích cho quê hương mình.

Một kỉ niệm trong lúc làm việc khiến ông nhớ mãi. Trong một lần nhặt rác, ông Thương lượm được 600.000 đồng. Bản thân ông tự nhủ rằng không thể lấy không của ai bất cứ thứ gì. Nhưng cũng không biết ai để trả lại. Thế là ông để dành.

Nhiều ngày rong ruỗi dọc đường nhặt rác. Có khi vào tận những ngôi nhà vắng chủ, hoặc những nhà của các cụ già neo đơn, mất sức thay họ dọn dẹp như để trả công mình đã nhặt được 600.000 đồng vô chủ.

Cũng có lúc, nhiều người thấy thương việc ông làm cho dăm ba chục uống nước còn có sức làm sạch Hội An. Không tiêu xài, cứ để dành mãi đến khi đủ, ông “đầu tư” hẳn hai chiếc xe. Một chiếc xe đẩy, một chiếc xe đạp. Từ đó, hai chiếc xe trở thành bạn đồng hành với ông trên mỗi chuyến đi nhặt rác không lương làm sạch phố cổ.

“Hôm nào khỏe thì đi xe đẩy, hôm nào mệt thì đi xe đạp. Chỉ có ngày nào trở trời, nhức đầu sợ lại tai biến tui mới ở nhà. Một ngày không đi nhặt rác chán lắm. Cảm giác thiếu thiếu gì đó, ngứa ngáy chân tay và vô vị”, ông Thương tâm sự.

Không chỉ đơn thuần là hai chiếc xe để chở rác. Hai chiếc xe của ông còn có một thông điệp rõ ràng “Hãy bảo vệ môi trường không sử dụng túi nilon, không vứt túi nilon ra nơi công cộng”, “Vì tương lai con em chúng ta, hãy chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường xanh – sạch – đẹp”, “Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn” là những thông điệp mà hai chiếc xe của ông truyền tải.

Những lo âu, trăn trở về môi trường xanh – sạch – đẹp luôn thường trực trong suy nghĩ của ông Thương. Ông muốn mình góp một phần nhỏ cùng xã hội bảo vệ môi trường. Những thông điệp ấy như đang kêu gọi, nhắc nhở mọi người cùng chung tay cùng bảo vệ môi trường.  

Vẫn nhớ như in những ngày đầu ông nhặt rác, bà Lê Thị Bảy (53 tuổi, vợ ông Thương) rưng rưng nước mắt kể về những giông bão cả gia đình phải đối mặt.

Bà kể, 4 năm trước, mỗi lần thức dậy là thấy người ông ướt nhem. Tưởng ông đi tập thể dục chứ không nghĩ là đi nhặt rác. Sau này mới nghe nhiều người nói ông đi nhặt rác như người khùng.

“Lúc đó cô dị lắm, không dám đi ra ngoài. Mỗi lần đi làm họ nói cô về bảo ông đừng đi nhặt rác nữa. Cô khuyên ổng miết mà không được. Thấy ổng đi làm rồi khỏe dần, cô cũng mừng”, bà Bảy xúc động.

Khi làm việc, sức khỏe của ông khá lên là động lực để vợ và các con chấp nhận sự dè bỉu. Định kiến từ mọi người cũng dần tan biến. Niềm hạnh phúc xen lẫn sự tự hào đã xua tan đi những mặc cảm. Ông đã thực hiện đúng lời hứa của bản thân với gia đình, đúng nguyện vọng và cả những điều người thân mong muốn.

Chị Phương tâm sự, khi đón nhận những dè bỉu về ba, chị và gia đình cảm thấy bị tổn thương tinh thần rất nhiều. “Nhưng ba đã quyết chọn như thế rồi, chị em em không còn cách nào khác phải chấp nhận. Mặc kệ, họ nói kệ họ! Bây giờ ba càng làm càng có sức khỏe, em cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Ba đang làm việc giúp ích cho xã hội, chúng em cảm thấy tự hào và ủng hộ công việc ba đang làm”, chị Phương nói.

Sau 4 năm thầm lặng làm việc, những định kiến từ xã hội, sự dè bỉu của mọi người dần tan biến. Suy nghĩ, cái nhìn của người dân phố cổ về ông đã khác. Từ chỗ coi ông như một người khùng đi nhặt rác, mọi người đã hiểu được việc ông làm và ý thức bảo vệ môi trường thay đổi.

Bà Huỳnh Thị Hai (63 tuổi, khối phố Phước Trạch) cho hay, ban đầu họ nói ông khùng nhưng khi biết được việc làm của ông ai cũng thay đổi suy nghĩ. Từ chỗ chê ông khùng, điên, mọi người đã trở nên quý trọng, động viên ông làm việc. Nhiều lúc làm việc mệt nhọc, mọi người gửi chút tiền ông uống nước nhưng ông từ chối khiến mọi người càng thương, quý trọng ông nhiều hơn.

“Từ ngày mọi người biết được việc làm của ông Thương, mọi người thấy thương, nể và quý trọng ông chứ không còn nói ông khùng, điên như trước”, bà Hai nói.

Dư chấn của trận bệnh vẫn còn đó. Một tai bị điếc, một tai chỉ có thể nghe được khi mang máy trợ thính. Suốt cả buổi trò chuyện, tôi với ông đàm thoại thông qua cái máy trợ thính ấy, cũng có lúc phải nói 2-3 lần ông mới nghe. Chiếc máy trợ thính cũng đã cũ mèm và sụt sùi như chính sức khoẻ của ông. Để duy trì sức khỏe, mỗi tháng gia đình phải chi hơn một triệu đồng tiền thuốc men. Vợ ông là người lo toan.

Thời gian đầu ông nhặt rác, công việc rửa chén của vợ ông ở nhà hàng thu nhập không cao nên gia đình phải chi tiêu tằn tiện. Nhưng khi nhận được đề nghị hỗ trợ từ UBND phường ông thẳng thừng… từ chối. Giờ vợ ông Thương không còn phải đi rửa chén nữa, bà ở nhà phụ giúp con gái chạy bàn trong quán cà phê phục vụ du khách.

Ông Thương nói, đã xác định đây là việc nghĩa, ông phải lao động vì nghĩa chứ không nhận hỗ trợ của bất cứ ai. Ông quá đặc biệt. Khi xã hội cần, ông luôn tự nguyện cho đi thứ mình có và không mong mong được trả ơn.

Ông Lê Công Sỹ, Chủ tịch UBND phường Cửa Đại, TP Hội An, cho biết ông Thương là hội viên hội viên cựu chiến binh của phường. Ông từng là người lính đóng quân ở đảo Cù Lao Chàm. Ngoài công việc thu gom rác, ông Thương còn tham gia công tác tại khối phố.

Mặc dù bị bệnh nhưng ông Thương luôn nhiệt tình trong công tác bảo vệ môi trường. Xét hoàn cảnh gia đình, địa phương đã đề nghị hỗ trợ kinh phí nhưng ông đã từ chối. Ông Thương xứng đáng là tấm gương để mọi người noi theo.

“Địa phương thấy bản thân ông Thương và gia đình thuộc diện khó khăn. Địa phương có đề nghị hỗ trợ một phần kinh phí nhưng ông từ chối. Ông nói việc ông làm là hoàn toàn tự nguyện và muốn cống hiến cho Hội An chứ không mong muốn nhận lại điều gì”, ông Sỹ nói.

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới