Tòa án nhân dân “thực hiện quyền tư pháp”; có nhiệm vụ “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người”… Những cụm từ trên lần đầu tiên được ghi nhận, khẳng định trong Hiến pháp năm 2013, nhờ đóng góp không nhỏ của ông Trương Vĩnh Trọng, người vừa về cõi vĩnh hằng.
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tiếp đoàn đại biểu gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng của hai tỉnh Gia Lai và Kiên Giang ngày 23-5-2007 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Đóng góp to lớn vào cải cách tư pháp
Khi tham gia Ban bí thư (năm 2001), ở cương vị trưởng Ban Nội chính Trung ương, ông có những đóng góp đầu tiên vào sự nghiệp cải cách tư pháp.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, TS Hoàng Thế Liên thời ấy là viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp kể: “Sau gần 10 năm triển khai Hiến pháp 1992, nhận thức về nhà nước pháp quyền có những phát triển mới. Các vị lãnh đạo bắt đầu thấy sự tụt hậu của tư pháp so với kinh tế - xã hội đang trên đà đổi mới mạnh mẽ”.
Sự tụt hậu ấy biểu hiện qua tất cả giai đoạn, lĩnh vực liên quan đến tư pháp, từ điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án. “Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp, ban hành đầu năm 2002 ra đời trong hoàn cảnh ấy. Tôi là một trong tám thành viên tổ thư ký, đến từ các bộ, ngành, giúp việc, chấp bút dự thảo nghị quyết” - ông Liên kể.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng ban Nội chính Trung ương Trương Vĩnh Trọng, nghị quyết đầu tiên của Đảng về tư pháp dần thành hình. Nhận rõ tính chất cấp bách, Nghị quyết 08 đã nêu thẳng nhiều yếu kém. Đó là “chất lượng công tác tư pháp nói chung chưa ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân; còn nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp...”.
Nguyên nhân cũng được nêu và đã đưa ra nhiều giải pháp như hạn chế áp dụng biện pháp tạm giam; hoạt động công tố của VKS các cấp phải thực hiện ngay từ khi khởi tố vụ án và suốt quá trình tố tụng, xử lý kịp thời sai phạm của người tiến hành tố tụng; phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp oan, sai trong bắt, giữ.
Nhiều chủ trương lớn từ Nghị quyết 08 đã được triển khai ngay sau đó, đáng chú ý là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 388 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự - tiền đề cho Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sau này.
Tin tưởng, lắng nghe, học hỏi cấp dưới
Cũng từ Nghị quyết 08, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp được thành lập, Chủ tịch nước Trần Đức Lương lúc ấy làm trưởng ban, thành viên gồm đủ đại diện Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Ban Nội chính Trung ương có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị, ban chỉ đạo để thúc đẩy việc khởi động công cuộc cải cách.
Nhớ lại giai đoạn ấy, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ nhận xét: “Tư pháp, oan sai lúc ấy là vấn đề còn khá tế nhị, nhạy cảm. Nhưng làm việc với bác Hai Nghĩa thấy rất tình cảm. Bác không phải là dân luật nhưng rất tin tưởng, tôn trọng và rất lắng nghe ý kiến anh em có chuyên môn”.
Theo ông Trần Văn Độ, thời điểm ấy, ông đang luân chuyển làm Chánh án Tòa án Quân sự Quân khu IV. Xa xôi vậy nhưng "bác Hai Nghĩa" vẫn chọn, gọi về tham gia nhóm chuyên gia liên ngành, trực tiếp dự thảo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp.
“Bác Hai Nghĩa gọi tôi lên, bảo chú thuộc diện quản lý của Quân ủy Trung ương nên không chịu nhiều sự ràng buộc của Ban cán sự đảng TAND Tối cao. Vậy giao chú viết về phần tòa án” - ông Độ kể lại.
Theo cách ấy, nhiều cán bộ trẻ có năng lực như Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát, TS Lê Hữu Thể học luật ở Đức; Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an, TS Trần Đình Nhã học luật ở Liên Xô cũng được ông Hai Nghĩa “triệu tập”. Để đảm bảo khách quan, ông Thể được giao viết về cải cách tư pháp với hệ thống cơ quan điều tra, còn ông Nhã chấp bút về cải cách tư pháp cho VKSND các cấp.
TS Hoàng Thế Liên nói: “Tôi dân luật, học ở Đức về được tham gia từ đầu chí cuối quá trình ấy. Sau lần làm thư ký xây dựng Nghị quyết 08 thì được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Tư pháp, tiếp tục tham gia vừa triển khai Nghị quyết 08 vừa xây dựng Nghị quyết 49”.
Trong trí nhớ của ông Liên, Bí thư Trung ương Đảng Trương Vĩnh Trọng rất chịu khó lắng nghe, ham học hỏi, kể cả học cấp dưới.
“Đấy là con người của hành động, tâm huyết với công việc. Không có bác quyết liệt đứng mũi chịu sào thì không có nền móng cải cách tư pháp” - ông Liên nhận xét.
Quan tâm, bồi dưỡng cán bộ tư pháp, cả nhân tố trẻ
Tôi công tác ở Ban Nội chính Trung ương từ năm 1982, làm chánh văn phòng từ năm 1998.
Những cảm nhận đầu tiên của tôi về bác Hai Nghĩa - Trương Vĩnh Trọng là từ họp giao ban do Thường trực Ban bí thư chủ trì, lãnh đạo các cơ quan trung ương như bác Hai, Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ, là thành phần chính. Bọn tôi lớp giúp việc ngồi sau nhưng bác Hai Nghĩa vẫn gọi ngồi lên cho vui, mời phát biểu. Cảm nhận đầu tiên về bác là người nhẹ nhàng, tình cảm.
Sau này bác về làm trưởng Ban Nội chính Trung ương, là bí thư Trung ương Đảng, chúng tôi tiếp xúc thường xuyên, càng hiểu rõ, phải khẳng định đó là con người đức độ, thương người.
Một điều tôi ấn tượng về bác là sự quan tâm tới công tác cán bộ, giai đoạn bác làm trưởng ban hơn năm năm mà phát triển được bốn người trong Ban Nội chính Trung ương lên phó ban hoặc giới thiệu sang phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Ở Ban Nội chính Trung ương giai đoạn ấy đã bổ nhiệm cả cán bộ trẻ, đào tạo bài bản, 30 tuổi làm vụ phó. Trong đó có người hiện là phó chánh Văn phòng Trung ương.
Ông LÊ MẠNH LUÂN, nguyên Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương (2006-2007), Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (2007-2011), Đại sứ Việt Nam tại Uzbekistan (2011-2014)