Ông Hai Tân và những trăn trở về phát triển

Lễ viếng nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương Trần Trọng Tân sáng 5-8 có một điều gì đó khác lạ, ở những bàn dành cho khách đến viếng và ở dãy bàn ghi sổ tang đều có những xấp báo để ngay ngắn, từ báo trung ương đến báo TP. Rất nhiều người đến đọc và cùng nhau bàn về cốt cách của ông Hai Tân.

Phát huy dân chủ

PGS-TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Tổng Biên tập website Thành ủy TP.HCM, cho hay: Ông Trần Trọng Tân là người gắn bó lâu nhất, tâm huyết nhất với ngành tuyên giáo cho đến ngày ra đi. “Năm 1996, lúc anh về hưu Thành ủy cũng quyết định giao cho Ban Tư tưởng-Văn hóa Thành ủy tạo mọi điều kiện cần thiết để anh Hai Tân tiếp tục đóng góp về công tác chính trị tư tưởng của Đảng bộ TP. Từ đó anh Hai Tân làm việc rất nghiêm túc và cần mẫn. Cái hay ở anh Hai Tân là không dùng quyền lực để áp đặt. Anh như một chuyên gia sẵn sàng có ý kiến giúp đỡ những người chưa hiểu, anh luôn luôn lắng nghe chứ không áp đặt ý kiến của mình như là lãnh đạo, như một lão thành áp đặt tuổi trẻ” - ông Biên nói.

Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, dẫn đầu đoàn Ban Bí thư Trung ương Đảng chia buồn cùng gia đình ông Trần Trọng Tân.  Ảnh: TÁ LÂM

Theo PGS-TS Biên, suốt cuộc đời của mình ông Trần Trọng Tân là người luôn kiên trì bảo vệ đường lối của Đảng. “Với anh Hai Tân thì đổi mới để phát triển chứ không phải đổi mới với bất cứ giá nào. Anh kiên định và rất thẳng thắn” - PGS-TS Biên nhìn nhận. Ông Biên kể lại: Trong Đại hội Đảng lần thứ VII, khi bàn về mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, lúc đó anh Hai Tân đã mạnh dạn đề nghị phải đưa “dân chủ” lên trước “công bằng”, vì có dân chủ thì mới công bằng. Nhưng khi đó ta còn ngần ngại nhiều thứ nên quan điểm ấy chưa được chấp nhận. Cuối cùng mãi đến Đại hội Đảng lần thứ XI, chữ “dân chủ” mới đưa lên trên chữ “công bằng”. “Đó cũng có một phần công lao của anh Hai Tân vì đấu tranh để bảo vệ lý luận không phải là đơn giản, chúng ta có chính kiến nhưng chúng ta phải biết chờ đợi và lắng nghe” - ông Biên nói.

Nhớ về ông Hai Tân, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cũng chia sẻ: Một trong những vấn đề mà chú Hai Tân theo đuổi về sự đổi mới của Đảng và phát triển đất nước là làm thế nào để phát huy dân chủ, phát huy được sức mạnh của nhân dân. Theo bà Thảo, ông Trần Trọng Tân luôn quan tâm vấn đề làm sao phát huy sự lắng nghe nhiều chiều, vì phải lắng nghe mới hiểu rõ những suy nghĩ, những tình cảm và phát triển ý tưởng. “Không chỉ lắng nghe đơn thuần, chú Hai Tân còn khuyến khích sự đối thoại, sự tranh luận để làm rõ vấn đề còn ý kiến khác nhau” - bà Thảo nói.

Phải nhìn thẳng vào sự thật

Đương thời, ông Trần Trọng Tân có những phát biểu mạnh dạn như Đảng phải nhìn thẳng vào sự thật, nhìn trực diện vào những khuyết điểm và hạn chế để phát triển. Ông cũng từng mạnh mẽ nêu quan điểm Đảng phải giữ vai trò lãnh đạo chứ không cho phép Đảng lãnh đạo trở thành Đảng trị.

Đánh giá về những quan điểm này của ông Trần Trọng Tân, PGS-TS Phan Xuân Biên cho rằng đó là những quan điểm đúng. “Quan điểm phải nhìn thẳng vào sự thật và nhìn vào để nắm được các quy luật phát triển của thực tiễn thì chúng ta mới có đường lối, chủ trương, giải pháp đúng đắn và phù hợp, tránh được duy ý chí, tránh được tình trạng tô hồng và đồng thời cũng tránh được tình trạng bôi đen. Nhìn thẳng vào sự thật thì không phải ai cũng nhìn được đâu” - ông Biên lý giải.

Đối với vấn đề không cho phép Đảng lãnh đạo trở thành Đảng trị, theo ông Biên, đó là điều hiện nay vẫn còn bàn rất nhiều. “Đảng trị là dùng tất cả quyền lợi của mình để thống trị. Đảng không bao giờ cho phép là Đảng trị cả. Muốn Đảng lãnh đạo thì phải có đường lối đúng, phải lấy lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc lên trên” - ông Biên nói.

TÁ LÂM

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng ông Trần Trọng Tân

Ngày 5-8, tại Nhà tang lễ TP, nhiều đoàn lãnh đạo trung ương và TP.HCM đã đến viếng ông Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng nhiều vị nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã gửi vòng hoa đến viếng.

Dẫn đầu đoàn Ban Bí thư Trung ương Đảng, ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đến thắp hương tưởng nhớ ông Trần Trọng Tân. Thay mặt Ban Bí thư, ông Huynh ghi vào sổ tang: “Ban Bí thư Trung ương Đảng vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Trọng Tân, một đảng viên trung kiên, một cán bộ xuất sắc của Đảng, có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng, cho công tác tư tưởng-lý luận của Đảng ta, Nhà nước và nhân dân ta. Ban Bí thư Trung ương Đảng xin bày tỏ lời chia buồn sâu sắc đến toàn thể gia quyến”.

Dẫn đầu đoàn Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, Ủy viên Bộ Chính trị-Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải thành kính dâng hương tưởng nhớ. Viết trong sổ tang, ông Lê Thanh Hải bày tỏ sự xúc động: “Sự phát triển của TP.HCM đã có sự đóng góp rất quan trọng, những dấu ấn rất sâu sắc của chú Hai, đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa... Là đảng viên Cộng sản kiên cường, dũng cảm đấu tranh giữ vững khí tiết cách mạng; là đảng viên mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, tù đày; gắn bó máu thịt với nhân dân để chiến đấu trong lòng địch;… có tinh thần làm việc hết lòng vì dân, vì Tổ quốc, có cuộc sống thanh bạch, trong sáng, mẫu mực… Chú Hai Tân là tấm gương để cho các thế hệ đảng viên học tập và noi theo”.

Đến viếng và chia buồn gia đình ông Trần Trọng Tân còn có các đoàn của Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, HĐND TP.HCM, Công an TP cùng nhiều cá nhân và đoàn thể khác.

Lễ viếng ông Trần Trọng Tân tiếp tục đến hết ngày hôm nay tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM). Lễ truy điệu được tiến hành vào lúc 6 giờ ngày 7-8 và an táng cùng ngày tại nghĩa trang TP.HCM, quận Thủ Đức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm