Hơn 30 năm nay, cứ mỗi độ trung thu, hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa lại cặm cụi ghép từng mảnh giấy nhỏ, tô vẽ từng nét sơn màu cho những gương mặt dân gian để đưa tuổi thơ các em nhỏ về với những kỷ niệm êm đềm.
Mỗi độ gần đến rằm tháng 8, trên căn gác nhỏ bé ở phố Hàng Than lúc nào người ta cũng bắt gặp cảnh hai vợ chồng già tóc đã bạc và thưa dần đang lúi húi làm những chiếc mặt nạ giấy như Chí Phèo, Thị Nở, ông địa, Tôn Ngộ Không, đầu trâu, đầu thỏ…để chuẩn bị cho dịp trung thu sắp tới.
Vợ ông Hòa luôn là người đồng hành cùng ông trong mọi công đoạn sản xuất mặt nạ giấy
Bắt đầu khởi nghiệp từ những năm 80, khi chiếc mặt nạ giấy còn thịnh hành, là sở thích của bất kỳ trẻ nhỏ nào mỗi khi đi chơi Hàng Mã dịp Trung thu; tới nay vợ chồng bác Hòa, Lan đã theo nghề được hơn 30 năm.
Tất cả các công đoạn từ khâu cắt giấy, bôi hồ, ghép vào khuôn hình mặt bằng xi măng, khoét mắt, đem phơi, pha sơn, vẽ mặt… để cho ra đời chiếc mặt nạ giấy đều từ đôi bàn tay hào hoa của hai vợ chồng.
Hàng nghìn chiếc mặt nạ giấy được vẽ trong mùa trung thu chẳng cái nào giống cái nào, mỗi chiếc có một sắc thái khác nhau theo từng nét vẽ của bàn tay người thợ.
Mỗi gương mặt mặt nạ mang một cái hồn thật đặc biệt mà chỉ có những bàn tay khéo léo mới làm được chứ không thể làm bằng máy móc.
Làm mặt nạ giấy tốn rất nhiều thời gian, hôm nào nắng ráo cũng chỉ làm được 20 chiếc mặt nạ là cùng, nhiều ngày thời tiết xấu, trời đổ mưa hai vợ chồng tất tả thu gom mặt nạ không nước vào là hỏng hết, đi toi cả ngày lao động như chơi.
Mặt nạ Chí Phèo, Thị Nở là "đặc sản" nổi tiếng của hai vợ chồng ông Hòa
Sản phẩm khi đã hoàn thiện được rao bán cho các cửa hàng ở phố cổ Hà Nội
Những chiếc mặt nạ mang đầm nét quê hương Việt Nam
Những chiếc mặt nạ Tôn Ngộ Không dành cho các em nhỏ vui Tết Trung Thu
Theo Song Hà - Lê Tú