Ông Tập Cận Bình sắp điện đàm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel vào ngày 15-10, tờ South China Morning Post dẫn lời một quan chức Liên minh châu Âu (EU) nắm rõ kế hoạch này cho biết.

Nếu diễn ra theo kế hoạch, đây sẽ là lần đầu tiên ông Tập và ông Michel điện đàm trực tiếp kể từ cuối năm ngoái.

27 nhà lãnh đạo EU hồi tuần trước đã có cuộc gặp thảo luận về nhu cầu "tái cân bằng" quan hệ với Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình sắp điện đàm Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel. Ảnh: AFP / REUTERS

Cuộc điện đàm vào ngày 15-10, được sắp xếp vào lúc 10 giờ 30 sáng (theo giờ Brussels), có thể được coi là cách để thử và ổn định tình hình, trong bối cảnh 1/4 số thành viên EU được cho là rất lo lắng về việc mọi thứ đã diễn biến nhanh chóng trong nửa đầu năm nay.

Phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU hồi tuần trước tại Slovenia, một quan chức cấp cao cho biết: “Sau một năm, chúng tôi cảm thấy rằng đã đến lúc EU, trong thế giới toàn cầu này, nơi chúng ta đã chứng kiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, cần làm rõ lập trường của mình”.

Các nhà lãnh đạo EU cũng thảo luận về cách tốt nhất để đối thoại với Trung Quốc.

Một số quốc gia thành viên đã thúc đẩy các cuộc đàm phán rộng rãi với sự tham gia của 27 quốc gia thành viên và Trung Quốc, trong khi những quốc gia khác thiên về một nhóm nhỏ hơn gồm các thành viên chủ chốt.

Tuy đã nhiều lần nói chuyện với các lãnh đạo của từng quốc gia thành viên EU, gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel sắp mãn nhiệm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, song ông Tập ít có các cuộc đối thoại cấp cao nhất với khối EU.

Hồi tháng 9, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell đã nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Trước đó một ngày, các cuộc đàm phán về khí hậu đã diễn ra với sự tham gia của Đặc phái viên khí hậu của EU Frans Timmermans và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính.

Theo South China Morning Post, kể từ lần thảo luận cuối cùng, quan hệ giữa EU và Trung Quốc đã trải qua chặng đường gồ ghề nhất trong nhiều thập niên.

Hồi tháng 3, EU Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào nhau, dẫn đến tiến trình phê chuẩn Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) giữa EU và Trung Quốc – vốn đã hoàn thành đàm phán hồi tháng 12-2020 – buộc phải tạm dừng lại vào tháng 5.

Lithuania, một trong những thành viên nhỏ nhất của khối, đã bị kéo vào cuộc tranh cãi ngoại giao với Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan và đang cố gắng thúc đẩy một đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc tại EU.

South China Morning Post dẫn các nguồn tin cho biết Trung Quốc đã miễn cưỡng tham gia các cuộc đàm phán sau các lệnh trừng phạt, ngoài ra đã có một nỗ lực phối hợp ở Brussels để đưa các trao đổi ngoại giao trở lại đúng hướng.

Trong một bài đăng trên trang blog hôm 10-10, ông Borrell nói rằng tại các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo EU về Trung Quốc tuần trước, họ đã “đồng ý rằng chúng ta phải duy trì sự mạnh mẽ trong cách tiếp cận của mình, dựa trên thử nghiệm ‘đối tác, cạnh tranh, đối thủ’”.

“Về mặt chính sách thực tiễn, thách thức thường là làm thế nào để kết hợp ba yếu tố này thành một tổng thể thống nhất. Đối với tôi, rõ ràng rằng cách tốt nhất để kêu gọi sự tham gia của Trung Quốc là từ một vị thế đoàn kết và sức mạnh” – ông Borrell viết.

“Chúng ta phải khuyến khích đối thoại và hợp tác trong một số lĩnh vực như chính sách khí hậu. Nhưng chúng ta cũng nên sẵn sàng đẩy lùi khi các quyết định của Trung Quốc đi ngược lại quan điểm của chúng ta, đặc biệt là về vấn đề nhân quyền và các lựa chọn địa chính trị” – ông Borrell nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm