Ông Trump, bà Harris tăng tốc ‘giành giật’ cử tri 7 bang chiến trường

(PLO)- Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khẩn trương tranh thủ sự ủng hộ từ cử tri các bang chiến trường khi ngày bầu cử tổng thống Mỹ không còn xa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống. Nhìn lại từ năm 2000 đến năm 2016 có thể thấy 38 trong số 50 bang của Mỹ đã bỏ phiếu cho cùng một đảng chính trị, nên người chiến thắng gần như luôn được xác định bởi một số ít bang chiến trường.

7 bang chiến trường trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin, với tổng cộng 93 phiếu đại cử tri, theo tờ Newsweek.

Cục diện 7 bang chiến trường

Trong số các bang chiến trường, Pennsylvania - nơi vừa diễn ra phiên tranh luận giữa ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa và ứng viên Kamala Harris của đảng Dân chủ - là bang có nhiều phiếu đại cử tri nhất với 19 phiếu.

bang-chien-truong-1.jpg
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong phiên tranh luận ngày 10-9 ở bang Pennsylvania (Mỹ). Ảnh: ABC NEWS

Trong cuộc bầu cử năm 2020, Tổng thống Joe Biden đã giành chiến thắng ở tiểu bang quan trọng này và đây cũng là quê hương của ông. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng cử tri Pennsylvania sẽ tiếp tục ủng hộ đảng Dân chủ vì ông Biden khi đó chỉ giành chiến thắng chênh lệch sít sao 1,2% so với ứng viên Cộng hòa khi đó là ông Trump. Ngoài ra, trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Trump đã thắng ở đối thủ Dân chủ là bà Hillary Clinton tại bang này.

Một bang chiến trường quan trọng khác là Arizona với 11 phiếu đại cử tri. Dù là thành trì kiên cố của đảng Cộng hòa trong nhiều thập niên, Arizona bất ngờ mang lại chiến thắng cho ông Biden vào năm 2020.

Theo các chuyên gia, bản sắc chính trị của Arizona gắn chặt với cấu trúc địa lý và nhân khẩu học của tiểu bang này. Với vị trí gần biên giới Mỹ-Mexico, nhập cư từ lâu đã là vấn đề trung tâm đối với cử tri Arizona.

Tương tự như hai bang trên, Georgia đã củng cố vị thế là một tiểu bang dao động quan trọng, đặc biệt sau cuộc bầu cử năm 2020 khi bang này lần đầu chuyển từ Cộng hòa sang Dân chủ sau 28 năm.

Với 16 phiếu đại cử tri, Georgia nằm trong top 10 bang có nhiều phiếu đại cử tri nhất ở Mỹ. Dù ít được xem là một bang có tính quyết định so với các bang chiến trường khác, nhưng 8/12 người chiến thắng ở Georgia trong các kỳ bầu cử gần đây đã thắng chung cuộc và trở thành tổng thống Mỹ.

Cũng có 16 phiếu đại cử tri, North Carolina đang là chiến trường khó đoán giữa ông Trump và bà Harris. Theo phân tích của trang Cook Political Report, bà Harris đã xóa bỏ cách biệt 8% của ông Trump ở North Carolina, chuyển bang từ này từ “nghiêng về Cộng hòa” sang “không chắc chắn” vào giữa tháng 8.

Thị trưởng TP Asheville (North Carolina) Esther Manheimer nói với đài CNN rằng “có một cơ hội đáng kinh ngạc để bà Harris giành chiến thắng” ở North Carolina vì cử tri bang này “sẽ cân nhắc kỹ lưỡng từng ứng viên, theo dõi từng cái tên trên lá phiếu”.

Kế đến là Michigan, một bang đóng vai trò quyết định trong các cuộc bầu cử tổng thống gần đây với 15 phiếu đại cử tri. Vốn là một phần của “vành đai Dân chủ” từ năm 1992 đến năm 2012. Ông Trump đã lật ngược tình thế ở Michigan vào năm 2016 khi giành chiến thắng trước bà Clinton. Đến năm 2020, ông Biden đã đưa tiểu bang này trở lại với phe Dân chủ.

Kết quả bầu cử ở Michigan năm nay được cho là sẽ khó đoán khi đây là một bang có đông Mỹ gốc Ả Rập. Quyết định của cử tri sẽ chịu tác động từ xung đột Israel - Hamas.

Trong số 7 bang chiến trường, Nevada là bang có số phiếu đại cử tri thấp nhất (6 phiếu) nhưng không có nghĩa bang này kém quan trọng. Nevada bỏ phiếu cho đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử tổng thống gần đây, nhưng đã cho thấy những dao động trong cuộc bầu cử năm nay.

Trước khi ông Biden rút lui, ông Trump đã dẫn đầu mạnh mẽ tại Nevada trong các cuộc khảo sát. Sự tham gia của bà Harris đã thay đổi động lực cuộc đua ở bang này.

Sau cùng là Wisconsin, bang có 10 phiếu đại cử tri. Với dân số chủ yếu là cử tri da trắng, tầng lớp lao động, Wisconsin cũng nằm trong “bức tường xanh” của Dân chủ khi đưa ông Barack Obama lên làm tổng thống. Tuy nhiên, Wisconsin cũng là nơi đảng Dân chủ thất bại trong cuộc đua năm 2016.

Chiến lược của hai ứng viên tại các bang chiến trường

Cả bà Harris và ông Trump đều cho thấy có những bước tăng tốc tại các bang chiến trường.

Ngay trước Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ, bà Harris và phó tướng của bà - ông Tim Walz đã vận động tại nhiều bang chiến trường như Wisconsin, Michigan, Arizona và Nevada. Ủy ban Quốc gia Dân chủ hồi tháng 8 bắt đầu phát động chiến dịch quảng cáo trả phí lớn phủ sóng khắp bảy bang chiến trường.

Sau phiên tranh luận với ông Trump, đội ngũ của bà Harris cho biết sẽ bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử mang tên “New Way Forward” tại nhiều bang quan trọng.

Ông Trump, bà Harris tăng tốc ‘giành giật’ cử tri 7 bang chiến trường
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phiên tranh luận ngày 10-9 ở bang Pennsylvania (Mỹ). Ảnh: ABC NEWS

Theo lịch, bà Harris đến North Carolina và Pennsylvania trong hai ngày 12 và 13-9. Cùng lúc đó, ông Walz đến Michigan và Wisconsin. Chồng bà Harris - ông Doug Emhoff đến Nevada, Arizona và Florida trong khi phu nhân của ông Walz - bà Gwen Walz đến Georgia, New Hampshire và Maine.

Về phía ông Trump, cựu tổng thống cũng như người đồng hành tranh cử của ông - ông JD Vance đã vận động khắp bảy bang chiến trường trong suốt mùa hè này. Đáng chú ý, ông Trump đã đến North Carolina - bang chiến trường duy nhất mà ông giành chiến thắng vào năm 2020 - đến bốn lần trong thời gian qua.

Bên cạnh việc tăng cường vận động, hai ứng viên cũng tập trung làm nổi bật chính sách của mình so với đối phương. “Khi gặp gỡ người dân Mỹ tại các bang chiến trường trên khắp cả nước, ông Trump và ông Vance sẽ nhắc nhở cử tri rằng dưới sự lãnh đạo của họ, Mỹ có thể chấm dứt lạm phát, bảo vệ cộng đồng khỏi tội phạm bạo lực, bảo vệ biên giới và ‘Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại’” - theo tuyên bố chung của ông Chris LaCivita và bà Susie Wiles, hai cố vấn hàng đầu trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Ngoài ra, để tìm kiếm sự ủng hộ từ các bang chiến trường, trong các bài phát biểu, hai ứng viên đều tập trung vào các vấn đề mà cử tri từng bang quan tâm.

Chẳng hạn với bang biên giới Arizona, ông Trump cam kết khởi xướng “hoạt động trục xuất lớn nhất” trong lịch sử Mỹ nếu tái đắc cử.

Đối với bang có 1/3 dân số là người da màu như Georgia, bà Harris chú ý vào việc tiếp thêm năng lượng cho cử tri da màu trong khi ông Trump tập trung vào các vấn đề như kinh tế, lạm phát và nhập cư nhằm giành được những cử tri ôn hòa không hài lòng với chính quyền hiện tại.

Tương tự, tại Michigan, bang có đông cử tri Ả Rập, ông Trump kêu gọi giải quyết nhanh chóng cuộc xung đột ở Trung Đông. Trong khi đó, bà Harris đã có giọng điệu có phần cân nhắc hơn về vấn đề này, hy vọng giành lại sự ủng hộ của cử tri người Mỹ gốc Ả Rập, vốn đang cảm thấy không hài lòng với chính sách của đảng Dân chủ.

Kết quả thăm dò bầu cử Mỹ tại các bang chiến trường

Cuộc thăm dò toàn quốc của tờ The New York Times công bố ngày 8-9 cho thấy ông Trump dẫn trước bà Harris 1%.

Theo đó, 48% người được hỏi ủng hộ ông Trump trong khi 47% cho biết sẽ bỏ phiếu cho bà Harris.

Tại 7 bang chiến trường, kết quả vẫn khá sít sao, dự báo một cuộc đua kịch tính.

bang-chien-truong-0.png

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm