Ông Trump liên tiếp ‘ghi điểm’ cuối năm

Tòa án Tối cao Mỹ ngày 4-12 đã trao một chiến thắng quan trọng cho Tổng thống Donald Trump khi cho phép sắc lệnh hạn chế nhập cảnh mới nhất của ông.

Đại thắng cuối năm

Sắc lệnh cấm nhập cư do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành nhắm đến sáu quốc gia với đại đa số người dân theo Hồi giáo bao gồm Chad, Somalia, Iran, Libya, Syria và Yemen, cùng sự hạn chế đối với hai nước Venezuela và Triều Tiên.

Theo báo The Guardian, phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ được đưa ra với bảy phiếu thuận và hai phiếu chống. Sắc lệnh này được ông Trump khẳng định là một biện pháp cần thiết để bảo vệ nước Mỹ khỏi chủ nghĩa khủng bố của các phần tử phiến quân Hồi giáo. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Jeff Sessions sau đó ca ngợi phán quyết của tòa án là “một chiến thắng quan trọng vì sự an toàn và an ninh của người Mỹ”. Tuy nhiên, đây được xem một cú sốc lớn đối với những nhóm vận động chính trị chống phân biệt đối xử với người Hồi giáo nhập cư.

Trước đó không lâu, Tổng thống Trump cũng đạt được chiến thắng vang dội khi Thượng viện Mỹ ngày 2-12 thông qua dự luật cải cách thuế có phạm vi lớn nhất trong vòng ba thập niên qua do ông đề xuất. Hai tuần trước đó, Hạ viện cũng đã thông qua dự luật này. Với tỉ lệ thông qua sít sao 51 phiếu thuận và 49 phiếu chống, nội dung của dự luật mà ông Trump đề xuất là giảm thuế cho các doanh nghiệp và người có thu nhập cao trong khi giảm ở mức tương đối cho người có thu nhập thấp. Ông Trump tuyên bố chính sách mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tầng lớp trung lưu, hỗ trợ người lao động và kiến tạo việc làm.

Dự luật này sẽ được xem xét và điều chỉnh lần cuối trước khi được trình tổng thống ký, dự kiến vào cuối năm nay. Hãng tin Reuters nhận định việc cải tổ thuế là một nội dung quan trọng mà ông Trump và đảng Cộng hòa nhìn nhận có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử lưỡng viện giữa nhiệm kỳ sẽ được tiến hành vào tháng 11-2018.

Ông Trump có chiến thắng về chính sách quan trọng khi Tòa án Tối cao Mỹ ngày 4-12 thông qua sắc lệnh hạn chế nhập cảnh đối với sáu nước có đa số công dân theo Hồi giáo. Ảnh: REUTERS

Định hình nước Mỹ

Giữa những tranh cãi liên quan đến vấn đề Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn đang tạo ra những dấu ấn lớn về lập pháp, tư pháp và hành pháp, theo tờ The Daily Beast. Trong năm đầu tiên nắm quyền, ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra đề cử của mình cho các vị trí thẩm phán tối cao và liên bang, ban hành các lệnh hành pháp tác động đến Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare), hay thông qua dự luật thay đổi và chỉnh sửa đối với Đạo luật Cải cách tài chính phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng Dodd-Frank.

Giới phân tích cho rằng ông Trump đang từng bước thực hiện cam kết của mình với các cử tri trong chiến dịch tranh cử. Những chính sách của ông, nếu thuận lợi được thông qua trong năm tiếp theo, được cho là không chỉ định hình lại nền tảng kinh tế của Mỹ mà còn có tác động lớn trong lĩnh vực năng lượng và chăm sóc sức khỏe. “Nếu năm ngoái tôi nói rằng cuối năm 2017 ông Trump sẽ kiểm soát được Cục Bảo vệ tài chính người tiêu dùng thông qua cải cách thuế và hủy bỏ Obamacare, bạn sẽ nghĩ rằng đó là tự tin thái quá” - Barry Bennett, cựu cố vấn cấp cao trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump, nói về những chính sách của ông Trump với tờ The Daily Beast. “Tuy nhiên, chắc chắn bạn sẽ phải ấn tượng với những gì mà chúng tôi đã đạt được trong năm nay. Thật tuyệt vời khi mọi thứ đã thành công!”.

Theo các chuyên gia, ông Trump vẫn có thể né được tác động của cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ nếu “biết cách” chuyển hướng sự tập trung của công chúng vào việc thực hiện những chính sách còn dang dở như dự luật chăm sóc sức khỏe cho toàn bộ người dân Mỹ, chương trình xóa nợ cho sinh viên…

Bóng ma bầu cử vẫn đeo đuổi

Cùng thời điểm đón nhận những tin vui liên tiếp, ông Trump vẫn đang phải “đau đầu” xử lý bóng ma hậu bầu cử Mỹ năm 2016. Công tố viên đặc biệt Robert Mueller hồi đầu tháng này đã quyết định truy tố cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn vì “cố ý” đưa ra những lời khai “sai lệch, hư cấu và gian lận” với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về nội dung những lần liên lạc với đại sứ Nga tại Mỹ.

Đáng nói là ngay sau đó Tổng thống Trump đã lên tiếng bênh vực người từng được xem là “cánh tay phải” của mình trên Twitter. “Tôi phải sa thải tướng Flynn vì ông ấy đã nói dối phó tổng thống và FBI. Ông ấy đã nhận tội với những lời nói dối đó” - Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Twitter ngày 2-12. “Đó là một điều đáng tiếc, vì những hành động của ông ấy trong quá trình chuyển giao là hợp pháp. Không có gì phải che giấu”.

Những dòng tuyên bố này của ông chủ Nhà Trắng ngay lập tức hứng phải nhiều tranh cãi. Các nghị sĩ chỉ trích ông Trump đang gián tiếp thừa nhận đã biết việc ông Flynn nói dối FBI từ hồi tháng 2 và đây cũng là nguyên nhân mà sau đó ông gặp cựu Giám đốc FBI James Comey để yêu cầu ngừng cuộc điều tra về các cáo buộc này.

_______________________________

“Chúng tôi không bất ngờ với quyết định của tòa án khi cho phép thực thi ngay lập tức sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump nhằm vào các nước có nguy cơ khủng bố cao. Sắc lệnh này là hợp pháp và cần thiết để bảo vệ nước Mỹ” - phát ngôn viên Nhà Trắng Hogan Gidley khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm