Đến chiều tối 26-8, Trung Quốc dường như không chịu nổi những cú ra đòn liên tiếp của ông Trump khi đồng nhân dân tệ (CNY) phá giá ở mức kỷ lục.
Theo đó, CNY rớt xuống chỉ còn 7,1425 đổi được 1 USD. Trong tháng 8 này, CNY liên tiếp phá các mốc kỷ lục rớt giá nhưng đây là mức thấp kỷ lục nhất sau 11 năm, sau khi đã lượt lằn ranh đỏ 7 vào đầu tháng 8.
Việc Trung Quốc phá giá đồng tiền lên mức 7,1 là chuyện chẳng đừng vì họ vừa bị ông Trump áp đặt thêm thuế và đưa ra lời kêu gọi các công ty Mỹ rời bỏ Trung Quốc.
Ông Mitul Kotecha, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Dominion (Canada), nói với Bloomberg rằng rõ ràng lần phá giá này là nhằm tạo ra bước đệm chống lại thuế quan của Mỹ.
Sự bình luận này ám chỉ đến việc sau khi Trung Quốc đã phá mốc 7 thì Mỹ đã chính thức xem Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
"Kể cả Trung Quốc vẫn cố kiểm soát sự yếu đi của CNY, nghĩa là không cung cấp thêm yếu tố để dòng vốn chảy ra nước ngoài nhưng tôi vẫn nhìn thấy khả năng mất giá tiếp theo của CNY trong thời gian đến" - ông Mitul Kotecha nói.
Việc phá giá đồng CNY cho phép hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn nhằm bù đắp gánh nặng thuế quan do Mỹ áp đặt. Tuy vậy nó cũng gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế Trung Quốc.
TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo nhanh về tình hình căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời đưa ra những đánh giá tác động đối với nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng.
Đối với tỉ giá, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tác động mạnh đến tỉ giá của hầu hết các nước. Từ đầu năm 2019 đến nay, xu hướng giảm giá của hầu hết các đồng tiền so với USD vẫn tiếp tục diễn ra (ngoại trừ một số đồng tiền như JPY, THB, RUB…); đặc biệt là đồng tiền các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và được đánh giá là sẽ bị tác động tiêu cực bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Trong bối cảnh đó, VND được đánh giá là tương đối ổn định, biến động rất ít từ đầu năm đến nay.
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị Việt Nam cần chú trọng tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, bằng cách quan tâm đẩy nhanh tái cơ cấu, phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa, đẩy nhanh xử lý nợ xấu, giảm mạnh nợ nước ngoài và thâm hụt ngân sách, tăng dự trữ ngoại hối và kiểm soát dòng vốn đầu tư…