OPEC+ họp chốt giữ sản lượng dầu, sau khi phương Tây áp giá trần Nga

(PLO)- OPEC+ quyết định giữ nguyên sản lượng dầu như hiện tại, chỉ hai ngày sau khi phương Tây đạt thỏa thuận áp trần giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng.

Ngày 4-12, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) họp và quyết định giữ nguyên mục tiêu sản lượng dầu như hiện tại, trong bối cảnh thị trường dầu mỏ thế giới gặp khó khăn trước việc phương Tây đạt thỏa thuận áp giá trần dầu Nga, theo hãng tin Reuters.

OPEC+ họp và chốt giữ nguyên chính sách sản lượng dầu. Ảnh: Dado Ruvic/REUTERS

Trước đó, vào tháng 10, OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng sâu ở mức khoảng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11 đến hết năm 2023, tương đương 2% nguồn cung toàn cầu.

Sau động thái trên, Mỹ đã cáo buộc OPEC+ và một trong những quốc gia lãnh đạo nhóm là Saudi Arabia đứng về phía Nga bất chấp chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.

Tuy nhiên OPEC+ lập luận rằng họ quyết định cắt giảm sản lượng dầu xuất phát từ triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu. Quốc vương Saudi Arabia - ông Salman bin Abdulaziz cho biết nước ông đang nỗ lực để đảm bảo sự ổn định và cân bằng trên thị trường dầu mỏ, bao gồm việc thiết lập và duy trì thỏa thuận của liên minh OPEC+.

Giá dầu đã giảm kể từ tháng 10 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc và toàn cầu chậm lại và lãi suất ngày càng cao hơn. Tình hình này đã khiến thị trường đồn đoán OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng một lần nữa.

Tuy nhiên trong cuộc họp mới đây, OPEC+ đã quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng dầu.

Quyết định trên được đưa ra sau khi nhóm G7 (nhóm 7 nền nước công nghiệp phát triển bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada, Nhật) và Úc cũng ký thỏa thuận thông qua mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của nước này trong khi vẫn đảm bảo dòng chảy dầu Nga trên thị trường.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng đạt được thỏa thuận giữa các nước thành viên về mức giá trần 60 USD/thùng cho dầu Nga sau nhiều lần đàm phán căng thẳng.

Nga cho biết nước này sẽ không chấp nhận việc phương Tây áp giá trần với dầu Nga, và đang tính toán phản ứng thích hợp. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Moscow thà cắt giảm sản lượng hơn là bán dầu dưới mức giá trần, đồng thời cảnh báo mức giá trần này có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất khác.

Nhiều nhà phân tích và các bộ trưởng OPEC nói rằng việc áp giá trần là khó hiểu và không hiệu quả vì phần lớn Moscow bán dầu cho các nước như Ấn Độ và Trung Quốc. Một số thành viên OPEC+ cho rằng việc áp giá trần là một biện pháp chống lại thị trường.

Tuy nhiên Mỹ nói rằng động thái trên không nhắm vào các nước OPEC+.

Ngân hàng JP Morgan (Mỹ) cho hay OPEC + có thể xem xét việc sản xuất trong năm tới dựa trên dữ liệu mới về nhu cầu dầu của Trung Quốc và sự tuân thủ của các nước đối với mức giá trần 60 USD/thùng mà phương Tây áp đặt lên dầu Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới