Ngày 25-4, tại trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã diễn ra hội thảo khoa học quốc tế UEL-SEB 2024 “Đổi mới sáng tạo và tính bền vững: Tác động đến kinh tế và kinh doanh”.
Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng như GS Wing-Keung Wong, Khoa Tài chính, Đại học Á Châu, Đài Loan; GS Hooy Chee Wooi, Trường Kinh doanh, Đại học Sains Malaysia; TS Lê Đức Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ ngân hàng, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, nhìn nhận với sự phát triển tích cực, quan trọng về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo trong 30 năm qua, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia mới nổi năng động nhất trong khu vực.
Hiện, Việt Nam đã đạt được tiến bộ to lớn trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề bất ổn từ nền kinh tế các nước và thế giới.
Theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, để tạo điều kiện phát triển bền vững cho Việt Nam, điều quan trọng là phải tăng cường hợp tác và trao đổi nguồn nhân lực, chuyên môn và kiến thức với cộng đồng quốc tế.
Hội nghị này quy tụ hơn 270 tác giả đến từ New Zealand, Australia, Canada, Ý, Pháp, Ba Lan, Đài Loan, Malaysia và Việt Nam để chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về chiến lược, chính sách, kinh nghiệm thực tế của các quốc gia trong đổi mới và bền vững.
Các bài viết gửi đến hội thảo đưa ra nhiều góc nhìn về phát triển bền vững, bao quát nhiều chủ đề đa dạng như chuyển đổi số, công nghệ tài chính, đổi mới xanh, quản trị doanh nghiệp, du lịch bền vững, trách nhiệm xã hội.
“Chúng tôi hy vọng những bài viết này sẽ cung cấp cơ sở vững chắc cho các nhà hoạch định chính sách trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam” - ông nói thêm.
Theo Ban Tổ chức, Hội thảo khoa học quốc tế UEL-SEB là diễn đàn để các nhà khoa học trong nước và quốc tế bàn luận về những vấn đề như thách thức, cơ hội và tác động của đổi mới, tính bền vững đối với kinh tế trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng; công nghệ tài chính; xu hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực kinh tế, tài chính của các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Các kết quả nghiên cứu được đăng tải trong bài viết tại UEL-SEB 2024 cho thấy Việt Nam đã qua giai đoạn “hy sinh” môi trường để đổi lấy tăng trưởng và đã vượt qua ngưỡng muốn có tăng trưởng kinh tế cần theo hướng bền vững dựa trên năng lượng sạch, nguồn nguyên liệu sạch và chuyển đổi công nghệ sạch.
Để làm được điều đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách cho hoạt động đổi mới sáng tạo.
Về phía các tổ chức tài chính, cần xây dựng và đặt hành động thực thi các chỉ số về trách nhiệm xã hội, phát triển mạnh mẽ các sản phẩm ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) thay thế nhằm giảm bớt tiêu thụ sản phẩm gây tàn phá môi trường.
Ở góc độ vĩ mô cần thúc đẩy mạnh mẽ và có chính sách để ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào mọi lĩnh vực của đời sống (số hóa các hoạt động từ an sinh xã hội cho đến kinh tế), có chính sách cho tài chính xanh phát triển.
Từ đó, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ và chuyển đổi công nghệ lạc hậu sang dùng công nghệ xanh, sạch.