Chiều 2-4, UBND TP.HCM đã họp tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý I; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý II-2024.
Với kết quả tăng trưởng GRDP quý I-2024 tăng 6,54% so với cùng kỳ đã tạo không khí phấn khởi, thể hiện kinh tế TP đang có những tín hiệu phục hồi tích cực.
TP.HCM có thể phục hồi như giai đoạn năm 2019 trở về trước
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, kinh tế quý I của TP.HCM ước tính tăng 6,54% so với cùng kỳ đã vượt qua hết các kịch bản được dự báo. “Đây là con số cao nhất từ năm 2020 đến nay” - ông Ngân nói và cho rằng có ba nguyên nhân chính giúp TP đạt mức tăng trưởng này.
Ngoài thể chế với các nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao thì còn có sự đóng góp chính từ kết quả giải ngân đầu tư công.
Ông Trần Hoàng Ngân cho biết bình quân 10 năm 2011-2021 chỉ giải ngân 22.000 tỉ đồng/năm nhưng đến năm 2022, TP giải ngân 31.000 tỉ đồng và năm 2023 giải ngân 48.000 tỉ đồng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế TP.
Trong quý I, các sở, ngành, địa phương đã cùng Kho bạc Nhà nước TP thực hiện giải ngân cả vào thứ Bảy, Chủ nhật. Từ đó mới đạt được khối lượng giải ngân như hiện nay.
Ông Trần Hoàng Ngân cho biết ngày 27-3, khi diễn ra Hội nghị Thành ủy lần thứ 28, TP chỉ giải ngân khoảng 3,7% kế hoạch vốn nhưng chỉ sau mấy ngày cuối tháng 3, TP đã giải ngân đạt được 6,8%.
“Đây là con số nỗ lực rất đáng trân trọng” - ông nhấn mạnh và khẳng định TP.HCM có thể phục hồi như giai đoạn năm 2019 trở về trước nhưng cần có thời gian. TP cần ưu tiên đầu tư công, vận dụng Nghị quyết 98 để huy động nguồn lực xã hội, áp dụng các cơ chế TOD, BOT, PPP… để đem lại nguồn lực cho TP.
Đẩy nhanh tiến độ hàng loạt dự án quan trọng
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định nếu tiếp tục đà tăng trưởng như quý I thì TP.HCM có thể hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2024 là 7,5%-8%.
Chủ tịch Phan Văn Mãi biểu dương các chủ đầu tư đã có kết quả giải ngân tốt trong quý I-2024 và đánh giá cao vai trò thường trực của các sở, ngành. Tuy nhiên, ông Mãi yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì kết quả tốt ở quý II và các quý còn lại.
“Nhiệm vụ còn lại của quý II và cả năm rất lớn. Chúng ta cần tập trung nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn thì mới hoàn thành chỉ tiêu của năm” - ông Mãi nói.
Ông Mãi cũng cho biết quý I, TP.HCM đã giải ngân đầu tư công đạt trên 9.000 tỉ đồng, nhiệm vụ từ đây đến cuối năm là 73.000 tỉ đồng. Như vậy mỗi quý TP.HCM phải giải ngân trên 24.000 tỉ đồng, mỗi tháng trên 8.000 tỉ đồng. “Đây là nhiệm vụ rất nặng nề cần tập trung, có sự phối hợp đồng bộ thì mới đạt được kết quả” - ông nói.
Triển khai công việc cho quý II, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị tập trung phân công, đôn đốc để hoàn thành 76 nhiệm vụ của quý. Trong đó, với các nhiệm vụ từ quý I chuyển sang phải được hoàn thành trong tháng 4.
Cụ thể, là triển khai nhiệm vụ theo chủ đề năm; hoàn thiện và trình các đề án kiểm soát khí thải giao thông, TOD, các chính sách liên quan tới quy hoạch, đất đai, xây dựng...
Riêng về đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành trong giải quyết các vụ việc có liên quan đến thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đầu tư, giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quỹ nền nhà tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật.
Các địa phương đẩy nhanh việc chi bồi thường, giải phóng mặt bằng để đủ điều kiện khởi công các dự án trong quý III. Các chủ đầu tư phải sát sao và có kế hoạch giải ngân vốn cho từng dự án, cạnh đó nhanh chóng điều chuyển vốn nội bộ với những khoản không thể giải ngân được.
“Cán bộ không đủ năng lực quản lý dự án phải có sự sắp xếp, điều chỉnh. Xử lý các nhà thầu yếu kém, chây ì, vi phạm” - Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh và lưu ý đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án chuyển tiếp như đường vành đai 3, nút giao An Phú, Quốc lộ 50, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên...
Chín ngành dịch vụ chiếm phân nửa GRDP
Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết kinh tế - xã hội TP đã chuyển biến và đạt một số kết quả tích cực, thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng, phát triển.
Đáng chú ý, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I-2024 ước tính đạt hơn 406.000 tỉ đồng (theo giá hiện hành), tính theo giá so sánh năm 2010 đạt gần 270.000 tỉ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ.
Tất cả ngành dịch vụ đều có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ, trong đó tăng cao nhất là ngành vận tải kho bãi với 16,2%. Chín ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 59,7% trong GRDP, chiếm 91% trong khu vực dịch vụ.
Cũng trong quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt hơn 270.000 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ...