Đọc Pháp Luật TP.HCM, nghe nói Công ty Formosa tự ban hành “luật lệ” và tự tổ chức thực hiện việc xử phạt theo “luật lệ” riêng của mình, tôi cứ tưởng như chuyện đùa. Càng bất ngờ hơn khi các cán bộ hữu quan lại cho rằng việc này là… bình thường, không thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của địa phương.
Việc xử phạt là vô giá trị
Đầu tiên phải khẳng định mục đích kiểm soát an toàn và hạn chế tai nạn lao động của Formosa là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, các quy định hoặc giải pháp mà họ đề ra đều phải dựa trên cơ sở của pháp luật và không được xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức được pháp luật thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ.
Formosa có thể ban hành nội quy lao động nhưng không được quyền ban hành những quy định có tính quy phạm pháp luật như quy định xử phạt giao thông (và họ cũng không có thẩm quyền để xử phạt). Văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật chỉ có thể được ban hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Không có cá nhân, tổ chức nào được tự ban hành “luật lệ” riêng dù đó là “luật” ở trong nhà mình.
Cứ cho là việc đi lại trên đường giao thông nội bộ của khu công nghiệp có liên quan đến an toàn lao động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong lao động đi nữa thì việc ban hành nội quy, quy chế nội bộ phải được thực hiện theo đúng trình tự do pháp luật quy định. Trước khi ban hành nội quy, quy chế nội bộ, Formosa phải tham vấn với tổ chức công đoàn cơ sở, rồi phải gửi hồ sơ xin ban hành nội quy, quy chế đó cho BQL Khu công nghiệp Vũng Áng để đăng ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện vi phạm thì biên bản vi phạm phải được lập đúng quy định pháp luật và phải được xem xét theo trình tự luật định (phải chứng minh lỗi của người vi phạm, phải có sự tham gia của đại diện tập thể lao động tại cơ sở…). Nhưng ngay cả khi có vi phạm xảy ra, Formosa cũng không được phạt tiền, trừ lương vì Điều 128 Bộ luật Lao động quy định cấm “hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động…”.
Từ những phân tích trên, có thể thấy việc tự ban hành quy định xử phạt đối với người vi phạm trong đường đi nội bộ của Formosa là sai. Việc giao cho bảo vệ thực thi xử phạt đối với người bị coi là “vi phạm” cũng sai nốt. Quy định nói trên của Formosa hoàn toàn vô giá trị. Người “bị xử phạt” có quyền không nộp “phạt”. Người đã bị bắt nộp “phạt” hay cắt lương có quyền đòi lại tiền “phạt”. Nếu Formosa không hoàn trả, họ có quyền kiện ra tòa.
“Quy định nội bộ” của Formosa không có giá trị với cá nhân, tổ chức khác đến làm việc, giao dịch với họ. Ảnh: Đ.LAM
Vi phạm pháp luật nghiêm trọng
“Quy định nội bộ” của Formosa cũng không có giá trị với cá nhân, tổ chức khác đến làm việc, giao dịch với họ vì đó không phải là quy định pháp luật do cơ quan nhà nước thẩm quyền ban hành. Quan hệ giữa cá nhân, tổ chức khác với Formosa là quan hệ dân sự thuần túy. Nếu giữa họ với Formosa có hợp đồng thì việc thực hiện nghĩa vụ sẽ dựa trên cơ sở hợp đồng. Trường hợp không có hợp đồng thì khi xảy ra tranh chấp, nếu hai bên không thỏa thuận được thì sẽ giải quyết theo các quy định của pháp luật.
Formosa không phải là cơ quan tài phán nên không có thẩm quyền gì trong việc giải quyết tranh chấp này. Nếu Formosa tự mình hành xử việc bảo vệ quyền lợi dân sự mà không thông qua tòa án và cơ quan có thẩm quyền thi hành án thì đây là một hành vi “tự xử”, xem thường pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng và thô bạo đối với quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.
Khi Formosa “tự mình hành xử công lý”, xử phạt người khác bằng cách tước đoạt quyền sở hữu, cưỡng bức giao nộp tiền, thu giữ xe ô tô… của người khác thì hành vi đó đã vượt ra ngoài giới hạn của quan hệ dân sự. Đó là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng và nếu đủ các dấu hiệu cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản thì những người liên quan còn có thể bị truy tố trước pháp luật.
Tóm lại, việc làm của Formosa rõ ràng trái pháp luật. Có vẻ công ty này muốn lập “một lãnh thổ riêng”, một “nhà nước” riêng và ban hành “pháp luật” riêng mà ngay cả chính quyền sở tại cũng không thể can thiệp! Điều này cần phải được chấm dứt ngay, không thể để tái diễn và trở thành tiền lệ nguy hiểm cho nền pháp chế và hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Cơ quan chức năng Hà Tĩnh nói gì? Nếu Công ty Formosa Hà Tĩnh không cho xe chạy quá tốc độ vào khuôn viên công trường, nhà máy của họ thì nhà xe phải chấp nhận, nhưng việc họ xử phạt là không được phép. Họ sang đây thì phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam, họ không có thẩm quyền xử phạt này. Ông VĂN ĐÌNH MINH, Phó Giám đốc kiêm người phát ngôn Vừa rồi Formosa có văn bản đề nghị được quản lý an toàn giao thông. Vần đề họ tự xử phạt chúng tôi kiểm tra lại và sẽ trả lời sau. Ông NGUYỄN VĂN KHOA, Phó Trưởng ban Quản lý Nếu họ bắn tốc độ và xử phạt ngoài cổng công ty thì sai phạm hoàn toàn. Nhưng đây là đường nội bộ của họ, mình không nhắc nhở được. Ông BÙI ĐỨC ĐẠI, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh ĐẮC LAM ghi |
Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp): Các cơ quan chức năng cần vào cuộc Đầu tiên, đây là khuôn viên của công ty đã được xây tường rào cách biệt với bên ngoài. Công ty có quyền và có trách nhiệm đặt ra các quy chuẩn nội bộ để bảo vệ tài sản, tính mạng, trật tự, an toàn bên trong, bao gồm cả quy chuẩn về giao thông nội bộ. Nhân viên của công ty buộc phải tuân thủ. Các phương tiện giao thông bên ngoài khi vào phía trong khuôn viên cũng không được làm khác. Bên cạnh đó, ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam mọi người đều phải tuân theo Luật Giao thông đường bộ, tuân theo quy định của Chính phủ về trật tự an toàn giao thông. Như vậy, công ty có thể đặt ra quy chuẩn nội bộ nhưng không được trái với pháp luật và trật tự an toàn giao thông của Nhà nước. Về nội dung quy chế nội bộ, công ty có thể đặt ra những quy chuẩn phía trong tường rào, như loại xe nào được phép vào; tuyến đường nào bị cấm; đường nào hạn chế tốc độ… và một số quy chuẩn khác về giao thông để bảo đảm trật tự an toàn cho mọi người bên trong khuôn viên công ty. Những quy định này của Công ty Formosa phải được phổ biến đến toàn bộ công nhân, nhân viên, đặc biệt là những nhân viên điều khiển phương tiện giao thông. Việc cho phép loại xe nào vào trong khuôn viên phải được phổ biến cho những người điều khiển phương tiện giao thông trước khi qua barie, bảo vệ của công ty. Hơn nữa, tại các tuyến đường công ty hoàn toàn có thể đặt ra các ký hiệu, biển báo trên các tuyến đường nội bộ, kể cả tuyến cấm, hạn chế tốc độ, loại xe..., thậm chí cả gờ giảm tốc nếu cần. Nếu công nhân, nhân viên của Công ty Formosa vi phạm, công ty có thể xử lý theo quy chế nội bộ. Đối với những tài xế từ bên ngoài vào, công ty có thể yêu cầu không được tiếp tục lưu thông trong khuôn viên của công ty. Nếu vi phạm nghiêm trọng có thể tính đến việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ, vận chuyển đối với người điều khiển phương tiện đó. Tuy nhiên, dù vi phạm có xảy ra bên trong khuôn viên Công ty, Formosa cũng không được đưa ra các quy định phạt tiền đối với người điều khiển phương tiện vi phạm. Bảo vệ công ty không có quyền xử phạt giống như CSGT hoặc các lực lượng có thẩm quyền khác. Như vậy, theo tôi, Công ty Formosa cần phải căn chuẩn lại quy chế nội bộ để định ra nguyên tắc bảo đảm trật tự an toàn giao thông bên trong khuôn viên sao cho bảo đảm đúng thẩm quyền. Dự thảo quy chế cần được tham khảo ý kiến của các sở, ngành của tỉnh Hà Tĩnh như Sở GTVT, Công an, Sở Tư pháp trước khi ban hành. Trường hợp công ty vẫn giữ nội dung của quy chế mà công luận đã phản ánh, theo tôi, các cơ quan có thẩm quyền cần phải vào cuộc kiểm tra, yêu cầu hủy bỏ những nội dung sai trái trên. VIẾT LONG ghi |