|
Mái đầu trắng xóa, bà Nghiện đơn độc ra tòa - Ảnh K.M. |
Đó là bà Trương Thị Nghiện, sinh năm 1911, ở Tam Phú (Tam Kỳ, Quảng Nam). Bà xót xa vì sự sống quá thọ của mình. “Phải chi trời cho tôi chết sớm hồi sáu, bảy mươi tuổi để khỏi phải chứng kiến gia đạo xào xáo, mẹ con, bà cháu dắt nhau ra tòa khổ nhục thế này”. Vụ kiện bà đang theo đuổi kéo dài sáu năm trời, hai lần tòa xử mà vẫn chưa kết thúc, bởi lẽ phiên xét xử phúc thẩm sau cùng hôm 26-8, tòa tuyên hoãn!
Đất và cháu đích tôn
Trước đó hai tháng Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đã mở phiên xét xử sơ thẩm bác đơn khởi kiện của bà đòi lại miếng đất rộng 729m2. Miếng đất này bà khai hoang năm 1975 để trồng trọt sinh sống. Những bụi tre, cây bạc hà, đào lộn hột bà trồng thời đó bây giờ vẫn còn nhưng năm 2003 bà tình cờ phát hiện cháu đích tôn của bà đứng tên trong sổ đỏ.
Được mời đến tòa, cán bộ trong tổ chia đất của xã xác nhận là đất đó do bà khai hoang và đăng ký chủ quyền tên bà, còn tại sao sổ đỏ đứng tên cháu bà thì họ không biết. Theo lời khai trích luật tại tòa của cán bộ địa chính xã (cũng là cháu nội của bà), sở dĩ cho ghi anh trai mình quyền sử dụng miếng đất vì “mặc dù đất này do bà tôi khai hoang nhưng bà đã cho anh tôi (cho bằng miệng), và anh tôi đã làm nhà trên đó. Khi kê khai đất (1995) chỉ có anh tôi đến kê khai chứ không có bà tôi”.
Thực tế thì năm 1992, người cháu đích tôn có dựng trên đất một tiệm may quần áo. Bà đến phản ứng, anh ta đã dỡ xuống. Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, luật sư trợ giúp pháp lý cho bà đã cung cấp chứng cứ xác định nguồn gốc lô đất do bà khai hoang và sử dụng lâu dài trên đó. Cháu nội đích tôn không đưa ra bằng chứng gì thể hiện bà nội đã cho mình lô đất và cũng không chứng minh được anh ta chính là người đã đăng ký quyền sử dụng lô đất đó. Xét thấy vụ án có những chứng cứ chưa được làm rõ, tòa tuyên hoãn.
Bạc bẽo người trồng cây
Năm ngoái, bà bị con gái kiện ra tòa. Miếng đất 370m2, được chính quyền cấp cho bà năm 1975. Bà dựng một ngôi nhà nhỏ sinh sống từ đó đến giờ (chồng bà mất đã lâu). Năm 1990, thấy con gái lận đận, bà kêu về cho cất nhà bên cạnh. Mấy năm sau, con gái xin và bà đồng ý cho cô 200m2, phần mà cô con gái đã làm nhà trên đó. Do bà không biết chữ nên nhờ con gái viết giấy nhượng đất, bà lăn tay.
Thế nhưng không hiểu sao sổ đỏ của cô con gái sau này lại lên đến 370m2, bà không còn thẻo nào. Có giấy tờ hợp pháp trong tay, cô con gái kiện mẹ ở “bất hợp pháp”. Bà ra tòa, chứng cứ chẳng có gì ngoài những dòng nước mắt. Cũng may đến phút cuối cùng, cô con gái rút lại đơn kiện.
Chuyện buồn của bà không chỉ có chừng đó. Bà sống lay lắt dựa vào 120.000 đồng/tháng tiền chế độ cho người có công và lòng hảo tâm của một đứa cháu ngoại cũng rất nghèo, nên còn miếng đất, có sổ đỏ hẳn hòi, bà muốn bán để lấy tiền sinh sống, chữa bệnh. Thế mà mấy năm nay có một đứa con cương quyết không cho. Anh ngăn cản vì muốn bà để lại miếng đất đó cho anh. Về pháp lý anh không có quyền, nhưng lời hăm dọa của anh: “Đứa mô mà mua miếng đất đó là chết với tao!” làm nản lòng người muốn mua.
Có vườn không canh tác được, có đất không chuyển nhượng được, có nhà không ở được là tình trạng của bà Nghiện nhiều năm nay. “Tôi già rồi, sống nay chết mai, còn ham hố chi mà giành đất với cát. Uất hận quá tôi mới phải đi tới cửa tòa” - bà nói trong nước mắt.
Tại cả hai phiên tòa, hội đồng xét xử đều hỏi vợ chồng người cháu nội: Nếu được tòa xử cho quyền sử dụng miếng đất đó thì anh chị có chịu mỗi tháng trích một phần hoa lợi để phụng dưỡng bà nội không, cả hai trả lời dứt khoát: “Bà đã kiện chúng tôi ra tòa nên chẳng còn tình nghĩa bà cháu chi nữa, chúng tôi không việc gì phải phụng dưỡng bà”.
Những người hàng xóm của bà Nghiện dự phiên tòa đã thở dài. Họ kể rằng trong thời buổi khó khăn, bà từng thương đứa cháu nội đích tôn nhất, có cái chi bà cũng đem cho. Thậm chí có gói mì gói bà cũng chỉ ăn một nửa, một nửa gói lại lụi cụi chống gậy đem xuống cho cháu...
Theo KHẢI MINH (TTO)