Tái định cư không chỉ là lo chỗ ở - Bài 2

Phải có chính sách hậu tái định cư khi di dời dân

(PLO)- Có chính sách hậu tái định cư sau khi di dời dân mới đánh giá hết được dân có sống tốt hơn nơi ở cũ hay không.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần hai thập niên qua kể từ khi có Luật Đất đai 2003, vẫn còn rất nhiều người dân sau khi di dời, giải tỏa, cuộc sống vẫn bấp bênh, chật vật hơn nơi ở cũ. Mới đây, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 18, trong đó vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BTHTTĐC) đã được xác định là phải đi trước một bước. Để làm tốt hơn công tác này, nhiều chuyên gia đã có những góp ý xác đáng.

Trong giai đoạn 2021-2025, TP.HCM có kế hoạch thực hiện các dự án trọng điểm với số dân bị thu hồi đất lên đến hàng chục ngàn người, trong đó sẽ di dời nhà ở trên và ven kênh Đôi (khoảng 6.500 căn). Ảnh: HOÀNG GIANG

Trong giai đoạn 2021-2025, TP.HCM có kế hoạch thực hiện các dự án trọng điểm với số dân bị thu hồi đất lên đến hàng chục ngàn người, trong đó sẽ di dời nhà ở trên và ven kênh Đôi (khoảng 6.500 căn). Ảnh: HOÀNG GIANG

Chưa chú trọng đúng mức khâu tái định cư

Nhìn lại quá trình thực hiện chính sách BTHTTĐC các dự án trên địa bàn TP, ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng phòng BTHTTĐC Sở TN&MT, nhìn nhận việc chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư công thì công tác này được làm khá sơ sài, không thuê đơn vị tư vấn mà chủ yếu là thu thập số liệu không được cập nhật, không sát với thực tế của các địa phương.

Mức giá bồi thường cũng chỉ là mức giá dự đoán, mà không thuê tư vấn thẩm định giá đất điều tra, khảo sát và tính toán. Đặc biệt là tâm tư, nguyện vọng của người dân trong vùng bị ảnh hưởng như thế nào hoặc là cách giải quyết giữa thực trạng nhà đất, thực tế là nhà ở nhưng pháp lý không đủ điều kiện bồi thường thì được giải quyết ra sao.

“Điều này dẫn đến nội dung, phương án tổng thể BTHTTĐC trong báo cáo khả thi của dự án chỉ là sự sao chép các bảng chính sách. Dự toán cũng chỉ là những con số chạy sơ sài trên cơ sở dữ liệu đất đai đã lạc hậu, không ghi nhận, xem xét giải quyết những tâm tư, nguyện vọng của người dân” - ông Thơ đánh giá.

Việc xây dựng dự án TĐC cho các dự án thường không đủ vốn để bố trí hoặc không bố trí vốn kịp thời. Vì vậy, khi triển khai công tác BTHTTĐC của những dự án cụ thể, đặc biệt là những dự án trọng điểm, cấp bách có quy mô thu hồi, di chuyển nơi ở của nhiều hộ gia đình, cá nhân thì mới bắt đầu rục rịch TĐC.

Trong khi đó, Luật Đất đai đã quy định rất rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện là phải căn cứ vào quy hoạch để chuẩn bị trước các dự án TĐC, chỉ khi nào đã có nhà ở hoặc đất ở thì mới được tiến hành thu hồi đất.

Theo ông Thơ, cách làm lâu nay thường chỉ tập trung vào thu hồi đất và BTHTTĐC. “Không có khâu chuẩn bị ban đầu và khâu thực hiện chính sách hậu TĐC để đạt mục tiêu người dân có nhà ở, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước” - ông Thơ nói và đề xuất khi sửa đổi Luật Đất đai, cần quy định rõ danh mục dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất.

Bên cạnh đó, trong báo cáo khả thi được duyệt phải nói rõ nội dung về chính sách BTHTTĐC, hậu TĐC và có được dự toán chi phí cho công việc này. Khi thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án cần phải thẩm định tính chính xác, đầy đủ các thông tin, số liệu và tính khả thi các giải pháp, chính sách BTHTTĐC mà báo cáo khả thi dự án có thu hồi đất đề cập.

Mới đây, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 18, trong đó vấn đề BTHTTĐC đã được xác định là phải đi trước một bước.

Cần có chính sách hậu tái định cư

Luật Đất đai hiện nay chỉ nói BTHTTĐC mà không đề cập đến hậu TĐC. “Luật không nói, trong khi chủ trương, quan điểm và thực tế ai cũng thấy rằng để đạt được mục tiêu ổn định cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì phải thực hiện đoạn hậu TĐC nữa. Vì vậy, phải sửa đổi Luật Đất đai theo hướng không phải là chính sách BTHTTĐC mà phải là chính sách BTHTTĐC và hậu TĐC” - ông Trần Minh Thơ phân tích.

Ông Thơ cho rằng khi di dời dân, sẽ có nhiều trường hợp người dân TĐC còn nợ tiền của Nhà nước và thực hiện trả chậm, trả góp. Để họ có thể hoàn tất nghĩa vụ tài chính thì việc làm, thu nhập của họ sẽ là vấn đề quan trọng. Nếu về nơi ở mới mà công ăn việc làm, thu nhập tuột xuống thì gần như họ không có khả năng thanh toán nợ. Thực tế là đã có tình trạng người dân TĐC chuyển nhượng những căn nhà TĐC để dạt ra vùng xa hơn.

Theo ông Thơ, cần khoảng thời gian năm năm kể từ khi giải phóng mặt bằng để đánh giá chính sách BTHTTĐC và hậu TĐC. Vì khoảng thời gian này mới đủ để đánh giá việc thực hiện chính sách đã đạt được mục tiêu là làm cho cuộc sống của những người bị thu hồi đất bằng, tốt hơn hay nó tệ hơn lúc trước.•

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM:

Phải có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ

Chủ trương để người dân TĐC có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ đã có từ gần hai thập niên nay. Cụ thể, Luật Đất đai 2003 đã quy định: Khu TĐC được quy hoạch chung cho nhiều dự án trên cùng một địa bàn và phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Tại khoản 2 Điều 85 Luật Đất đai 2013 cũng quy định: Khu TĐC tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền.

Mới đây, Nghị quyết 18/2022 một lần nữa đã nhắc lại, cần phải có quy định cụ thể về BTHTTĐC để sau khi thu hồi đất, người dân phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nghị quyết yêu cầu việc BTHTTĐC phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.

19 năm trước điều kiện đất nước ta còn nhiều khó khăn nhưng Luật Đất đai 2003 đã quy định khu TĐC phải có điều kiện phát triển bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nay thế và lực của nước ta đã phát triển khác hẳn. Do vậy, cần mạnh dạn xác định mục tiêu giải quyết TĐC cho người có đất ở bị thu hồi phải đảm bảo có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống tốt hơn chứ không phải là bằng nơi ở cũ.

Người dân có đất bị thu hồi, nhất là trường hợp bị thu hồi đất ở rất thiệt thòi do phải di chuyển chỗ ở, thay đổi, xáo trộn môi trường sống, sản xuất, canh tác, làm việc, học hành, chăm sóc y tế… nên cần được giải quyết nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Từ những phân tích trên, tôi đề nghị cần đưa vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nội dung việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.

PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội:

Tái định cư là cả không gian sống chứ không chỉ là chỗ ở

Nơi ở sau tốt hơn nơi ở trước không chỉ về cơ sở, điều kiện vật chất, mà còn là không gian sống có đầy đủ tiện ích, hạ tầng phúc lợi để dân nhanh chóng thích ứng, bởi khi họ thay đổi chỗ ở là phải làm lại tất cả. Khi thiết kế một không gian sống cho người lao động di cư thì phải thiết kế như một cộng đồng dân cư với việc đặt người dân ở vị trí trung tâm.

Việc di dời người dân, không chỉ di dời nơi ở mà là toàn bộ thiết chế văn hóa: Đời sống văn hóa, tín ngưỡng, các mối quan hệ xã hội, nơi sinh kế… cũng phải được xem xét thấu đáo. Một cộng đồng bị phân tán là sự mất mát vô hình của cộng đồng đó, rất khó để hàn gắn về mặt tinh thần. Vì vậy, việc di dời phải tính toán kỹ lưỡng để giảm thiểu tổn thương vô hình đó. Do đó, cần phải hướng tới đô thị vị nhân sinh thì mới phát triển bền vững được.

Thông lệ quốc tế tại các dự án có nguồn tiền tài trợ quốc tế, chương trình di dời, giải tỏa đảm bảo sinh kế cho người dân thường có ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là đánh giá, khảo sát nhu cầu của người dân để khi di dời, giải tỏa phải đảm bảo cuộc sống bền vững sau khi di dời.

Giai đoạn thứ hai là dự án có thể kéo dài nên cần phải có đánh giá giữa kỳ để xem xét bổ sung chính sách cho người bị di dời. Thứ ba là sau khi dự án hoàn thành là đánh giá cuối kỳ để đúc kết ra những kinh nghiệm, bài học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm