Tại hội thảo "Đột phá kinh tế từ du lịch" vừa diễn ra sáng nay (28-10) do báo Thanh Niên tổ chức, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng cần định hình rõ ràng thế nào là kinh tế mũi nhọn, nếu không thì doanh nghiệp đi tiên phong có thể vấp phải rủi ro.
Phải đặt lên bàn cân lợi ích
Theo TS Thiên, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng phát triển hạ tầng du lịch đã xâm hại môi trường khiến dư luận bức xúc. Vấn đề đặt ra là cần phải xác định thế nào là du lịch mũi nhọn. Đứng về mặt nguyên lý thì cứ 10% GDP là kinh tế mũi nhọn. Mũi nhọn thì phải ưu tiên nhưng hiện định nghĩa về mũi nhọn vẫn tù mù nên chính sách khó mà rõ ràng.
Thứ hai, phải làm rõ thế nào là mũi nhọn, mũi nhọn có phải là tiên phong hay không? Bài học kinh nghiệm với câu chuyện như ở Tam Đảo vừa rồi, hay trước đó là Tam Chúc, Bà Nà, Sơn Trà... gây ra tâm lý tiêu cực với du lịch. Nhưng khi muốn phê phán gì phải đặt trên bàn cân lợi ích. Đã gọi là phát triển thì bao giờ cũng phải đặt trên nguyên lý đánh đổi, đánh đổi không đủ cũng không phát triển được.
"Ví dụ, đường sắt xuyên Việt nếu không phá đủ cây rừng đến một ngưỡng nào đó thì làm sao có đường sắt?" - ông Thiên dẫn chứng.
Tuy nhiên, TS Thiên cũng đặt vấn đề đánh đổi bao nhiêu cho hợp lý là bài toàn khó. Việc này cần phải đưa ra luật, các tiêu chuẩn và đánh giá cho sự phát triển một cách rõ ràng. Nếu không thì cho dù đất nước ta có nhiều cảnh quan thiên nhiên đáng để làm du lịch đẳng cấp cao cũng chẳng doanh nghiệp nào dám làm và chính quyền cũng không dám duyệt.
Theo ông Thiên, phát triển du lịch phải theo hướng khác biệt và đẳng cấp, không chỉ chạy theo nguyên lý sản lượng, số lượng khách năm nay phải tăng hơn năm trước. Khách có thể đến ít nhưng chi tiêu nhiều và ở lâu.
Tài nguyên du lịch của Việt Nam cơ bản là đẳng cấp cao với những Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc... do đó phải làm du lịch xứng đáng chứ không thể phung phí.
Tháo bỏ các rào cản đó như thế nào để du lịch tăng tốc, đột phá?
"Tranh cãi mà không có tiêu chí chỉ là cuộc chiến cảm xúc"
Trong khi đó, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lich Việt Nam, khẳng định du lịch Việt Nam đủ điều kiện và phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vì chúng ta có nhiều tiềm năng và sức người.
Dẫn chứng cụ thể, theo bảng xếp hạng của Tổ chức Du lịch thế giới, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam xếp thứ 34/140 thế giới, tài nguyên văn hóa đứng thứ 29, đây đều là những thứ hạng rất cao.
"Mọi phân khúc trong lĩnh vực du lịch người Việt đều làm chủ được. Cùng với tiềm năng cực lớn về tài nguyên thì không có lý gì du lịch không trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" - ông Nam khẳng định.
Trong các nút thắt lớn nhất trên con đường phát triển du lịch, quan điểm phát triển bền vững đang là vấn đề "nóng". Thực tế, tất cả bộ, ban, ngành đều đồng thuận với chủ trương phải phát triển bền vững nhưng chưa có tiêu chí, không có cơ sở để đánh giá thế nào là phát triển bền vững.
Vì thế, mọi cuộc tranh cãi đang nổ ra trong xã hội liên quan đến các dự án du lịch đều nằm giữa hai thái cực bảo tồn tuyệt đối hay phát triển không quan tâm đến môi trường.
Đồng thời, TS Nam cũng nhấn mạnh Chính phủ cần sớm ban hành các bộ tiêu chí về phát triển bền vững, chi tiết đến mức có thể dùng để áp vào các dự án đầu tư du lịch một cách dễ dàng. Qua đó, đánh giá dự án có phù hợp hay không, ủng hộ được hay không.
"Tranh cãi mà không có tiêu chí thì chỉ là cuộc chiến về cảm xúc, gây chia rẽ, không tạo ra được sự đồng thuận, cản trở phát triển du lịch Việt Nam" - ông Nam nói.