Phải dẹp ngay kiểu câu view bẩn trên mạng xã hội

(PLO)-  Những clip câu view bẩn cần được kiểm soát và xử lý nghiêm để tránh mang lại hậu quả xấu cho xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, những dòng thông tin về vụ việc một cô gái bị người khác cắt ghép trong một clip trả lời phỏng vấn với nội dung “con trai mà chạy xe số thì hơi dơ dơ, không tử tế…” đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc.

Nhiều bạn đọc cho rằng hành vi làm clip có nội dung cắt ghép để câu view bất chấp là không thể chấp nhận và cần phải xử phạt nghiêm.

Đăng clip nhảm, sai sự thật, nhiều người đã bị phạt

Việc đăng tải nội dung gây phản cảm, sai sự thật lên mạng xã hội để câu view đã có nhiều trường hợp bị xử phạt.

Ngày 16-3-2021, Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bình Dương làm việc với YouTuber Thơ Nguyễn, xác định việc đăng tải clip “xin vía học giỏi” lên mạng xã hội đã vi phạm về cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy mê tín dị đoan. Sau đó, sở này đã ra quyết định xử phạt chủ kênh với số tiền 7,5 triệu đồng.

Người dùng mạng xã hội hiện nay có sự hiểu biết, clip có nội dung vi phạm sẽ bị phản ứng ngay. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Người dùng mạng xã hội hiện nay có sự hiểu biết, clip có nội dung vi phạm
sẽ bị phản ứng ngay.
Ảnh: HỮU ĐĂNG

Tháng 8-2021, NVG là người tạo lập, quản trị một kênh YouTube cũng đã từng bị cơ quan chức năng huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình mời đến làm việc vì đăng tải clip gây phản cảm cho người xem.

Mục đích của G là nhằm tăng lượng người theo dõi để kiếm thêm thu nhập từ YouTube và cảnh tỉnh mọi người không sa vào nghiện rượu. Tuy nhiên, những clip trên của G có nội dung gây phản cảm cho người xem.

Sau đó, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính 5 triệu đồng và yêu cầu G gỡ bỏ các nội dung vi phạm trên.

Ngày 5-4-2022, Công an huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “cung cấp thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân” đối với YouTuber PNT với số tiền 10 triệu đồng.

Trước đó, ngày 4-2-2022, T sử dụng tài khoản YouTube của mình đăng tải một video clip sử dụng hình ảnh của một người mặc áo phạm nhân. Qua xác minh của cơ quan công an, người bị đưa hình ảnh lên chưa hề bị đi tù hoặc cải tạo. Do đó, T đã có hành vi vi phạm hành chính theo quyết định trên.

Từ những câu chuyện một người dùng mạng xã hội đăng những nội dung không đúng sự thật, không được kiểm chứng dù với mục đích câu view thì vẫn bị xem là vi phạm pháp luật và bị xử phạt.

Muốn kiếm tiền, người làm nghề phải có tâm

Bạn đọc Trần Thu ý kiến: “Thời buổi công nghệ thông tin phát triển, trên mạng xã hội tràn lan thông tin với đủ thể loại khiến người xem không biết đâu là thật, đâu là giả. Như bản thân tôi, hằng ngày lướt Facebook, TikTok thấy có hàng trăm clip được đăng tải lên. Bên cạnh những nội dung hay mang tính giải trí thì cũng có không ít clip chứa nội dung nhảm nhí, làm quá vấn đề. Nếu người lớn xem còn có thể phân biệt nhưng nếu trẻ em xem và học theo thì rất nguy hiểm. Thế nên, tôi đề nghị nếu người dùng mạng xã hội nào đăng tải những nội dung vi phạm thì phải phạt thật nặng”.

“Chúng ta không thể chấp nhận kiểu câu view bất chấp, sẵn sàng vì tiền mà bôi nhọ nhân phẩm người khác. Vì thế, các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp xử lý thật nghiêm. Nếu việc đăng tải hình ảnh người khác gây ra hậu quả thì cần phải xử lý hình sự chứ không thể phạt tiền là xong” - bạn đọc Ngọc Hân nêu.

Chia sẻ về công việc sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, anh NNH, chủ một kênh YouTube có nhiều người theo dõi ở TP.HCM, cho biết đúng là để một clip khi đăng tải trên một số nền tảng mạng xã hội được nhiều người xem thì ngoài nội dung hay, cách khai thác phải mới, độc, lạ. Tuy nhiên, cái độc, lạ ở đây không có nghĩa là ngồi đó mà bịa ra tình huống giật gân, sai sự thật.

Người xem bây giờ họ có sự hiểu biết, nếu bạn đưa ra một, hai clip với thông tin không chuẩn xác thì sẽ bị phản ứng lại ngay và có thể họ sẽ không xem clip của bạn nữa.

“Các YouTuber, TikToker kiếm tiền được hay không là nhờ lượt xem nhiều hay ít. Vì thế, tôi cho đây là một cái nghề và đã làm nghề thì cần phải có cái tâm. Nếu chỉ vì mục đích câu view mà bất chấp vi phạm đạo đức, ảnh hưởng đến người khác thì ngoài chuyện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, người làm nghề cũng khó tồn tại với công việc này được” - bạn đọc H nêu ý kiến.

Câu view bẩn bị phạt hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự

Điều 101 Nghị định 15/2020 (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định 14/2022) quy định phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt tiền nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Ngoài ra, khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của BLHS 2015, Nghị định 15/2020, Nghị định 14/2022 để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.

Theo đó, các tội phạm cụ thể như: Tội vu khống (Điều 156); tội làm nhục người khác (Điều 155); tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331).

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm