“Theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, vợ chồng được quyền nhờ người mang thai hộ khi có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 30-12, bà Trần Việt Thái (ảnh), Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp TP.HCM), cho biết như trên. Ngoài ra, bà cũng thông tin thêm một số nội dung mới được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2015 (sau đây gọi tắt là Luật HN&GĐ).
Mang thai hộ: Phải thân thích, cùng hàng
. Phóng viên: Lần đầu tiên việc mang thai hộ được cho phép tại Việt Nam từ 1-1-2015. Vậy về phía người được nhờ mang thai hộ phải đáp ứng những điều kiện gì, thưa bà?
. Nếu người mang thai hộ không đồng ý giao con hoặc người nhờ không chịu nhận con thì sao?
+ Luật quy định người nhờ mang thai hộ không được từ chối việc nhận con. Nếu không, người mang thai hộ có quyền yêu cầu tòa án buộc người nhờ mang thai hộ phải nhận con. Ngược lại, bên mang thai hộ cũng không được phép giữ con vì luật quy định việc mang thai hộ không làm phát sinh mối quan hệ mẹ con. Khi xảy ra tình huống này, người nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu tòa án buộc người mang thai hộ phải giao con.
. Người độc thân có quyền nhờ mang thai hộ hay không, thưa bà?
+ Theo Luật HN&GĐ, việc cho phép mang thai hộ là nhằm mục đích nhân đạo, chỉ áp dụng cho vợ chồng khó khăn trong việc sinh con. Đối tượng độc thân không được nhờ mang thai hộ. Luật không cho phép việc mang thai hộ là một nghề, những quy định chặt chẽ trong việc mang thai hộ cũng nhằm chống mua bán người.
Từ 1-1-2015, các cặp vợ chồng được quyền nhờ mang thai hộ. Ảnh minh họa
Được thỏa thuận tài sản trước hôn nhân
. Một trong những nội dung mới tại Luật HN&GĐ là có quy định về “tài sản theo thỏa thuận” của vợ và chồng tại Điều 47 đến Điều 50. Bà có thể giới thiệu cụ thể hơn?
+ Trước đây luật chỉ quy định một chế độ tài sản duy nhất của vợ chồng là tài sản chung trừ trường hợp là có xác nhận tài sản riêng. Cách quy định như vậy chưa thực sự đảm bảo cho vợ chồng được quyền tự thỏa thuận, tự định đoạt đối với tài sản của mình trước khi kết hôn cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi bên. Lần này Luật HN&GĐ bổ sung thêm chế độ “tài sản theo thỏa thuận”.
Có nghĩa là luật cho phép hai bên thỏa thuận về tài sản trước khi kết hôn. Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì phải lập trước khi kết hôn, bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản này có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn. Nội dung thỏa thuận là do vợ chồng quyết định nhưng cơ bản gồm: Tài sản chung, riêng của vợ chồng; quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, riêng và giao dịch có liên quan; tài sản đảm bảo nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản. Các thỏa thuận này các bên có thể thay đổi trong quá trình hôn nhân.
. Có ý kiến lo ngại quy định này không phù hợp phong tục tập quán và văn hóa xem trọng tình cảm của ta. Bà nghĩ sao?
+ Trong quá trình làm luật cũng có những góp ý như vậy. Tuy nhiên, không ít ý kiến phân tích rằng đối với vấn đề tài sản thì càng rành mạch càng tốt, nhất là khi có sự cố trong hôn nhân thì việc có một thỏa thuận trước đó sẽ tránh được nhiều rắc rối, thiệt hại cho các bên. Việc thỏa thuận tài sản trước khi kết hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi cho cả hai bên vợ chồng về vấn đề tài sản trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng giữa họ. Hơn nữa luật cho phép các bên có thể lựa chọn hình thức này chứ không quy định duy nhất chỉ có chế độ tài sản theo thỏa thuận. Do đó tôi cho rằng quy định này phù hợp với cuộc sống thời đại và thuận lợi khi hội nhập quốc tế. Vấn đề là cả hai bên cần áp dụng phù hợp và hướng đến một lối sống đẹp, văn minh.
. Xin cám ơn bà.
Nữ từ đủ 18 tuổi mới được kết hôn Theo quy định cũ, nữ chỉ cần sinh nhật thứ 17 xong là ngày hôm sau, khi vừa chạm mốc tuổi 18 là được kết hôn. Đối với nam, chỉ cần sau ngày sinh nhật thứ 19 là đủ tuổi kết hôn. Tuy nhiên, theo Luật HN&GĐ 2014, nữ phải từ ngày sinh nhật thứ 18 trở đi, nam từ ngày sinh nhật thứ 20 trở đi mới được kết hôn. Tức là nữ phải từ đủ 18 tuổi, nam từ đủ 20 tuổi trở lên. Việc kết hôn sớm hơn ngày này sẽ là hành vi tảo hôn, một trong những quy định cấm của Luật HN&GĐ 2014. Sở dĩ có việc thay đổi này là vì nếu quy định tuổi kết hôn của nữ là vừa bước qua tuổi 18 thì quy định này là không thống nhất với Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự. Đó là theo Bộ luật Dân sự năm 2005, người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên, khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý… Còn theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên mới có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Như vậy nếu cho phép người chưa đủ 18 tuổi kết hôn là không hợp lý, thiếu đồng bộ và làm hạn chế một số quyền của người nữ khi xác lập các giao dịch như quyền yêu cầu ly hôn thì phải có người đại diện… Không công nhận hôn nhân đồng giới Luật HN&GĐ 2014 (tại Điều 8) quy định “không cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân của họ”. Như vậy, khi pháp luật không cấm thì việc kết hôn của những người cùng giới không xem là vi phạm, không bị xử lý. Tuy nhiên, hôn nhân của họ không được công nhận, nghĩa là họ không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật HN&GĐ nên quyền lợi của họ không được bảo hộ theo luật này. Có người hỏi trước đây một số đám cưới của những người cùng giới khi tổ chức thì bị địa phương can thiệp, không cho phép; giờ thì sao? Luật HN&GĐ 2014 không cấm những người cùng giới kết hôn, tổ chức đám cưới. Pháp luật chỉ không công nhận hôn nhân của họ mà thôi. |