Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kiện vĩ đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi ấy đã mang lại những giá trị lịch sử to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước mà đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị trường tồn.
GS-TS Phạm Hồng Tung, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng: “Bài học về Cách mạng Tháng Tám mà chúng ta nói từ xưa tới nay là bài học về sự lãnh đạo của Đảng: Bài học về tập hợp lực lượng, đại đoàn kết dân tộc, bài học về chớp thời cơ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang”.
Ông khẳng định tất cả bài học đó mãi còn nguyên giá trị, tuy nhiên trong thời điểm hiện nay chúng ta lại có điều kiện để nhìn lại mỗi bài học đó và thấy được chiều cạnh cũng như những yếu tố mới.
Bài học về sự lãnh đạo của Đảng
. Phóng viên: Như ông vừa nói, mỗi khi nhìn lại những bài học từ cuộc Cách mạng Tháng Tám sẽ thấy được chiều cạnh và những yếu tố mới. Vậy điều đó được hiểu cụ thể như thế nào?
+ GS-TS Phạm Hồng Tung: Một trong những bài học quan trọng nhất mà Cách mạng tháng Tám để lại cho chúng ta là bài học về sự lãnh đạo của Đảng. Tất cả công trình nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài dù đứng ở lập trường nào cũng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là quan trọng nhất. Trong bối cảnh hiện nay khi mà đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới, nhìn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta sẽ thấy sự lãnh đạo đó quan trọng như thế nào.
Cho nên không phải ngẫu nhiên mà Đại hội XIII của Đảng lại đưa ra chủ trương phải khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc. Đó là nhận thức về thời cơ và bài học về sự lãnh đạo của Đảng mang lại cho ta cái mới.
. Ông vừa nhắc đến nhận thức về thời cơ. Vậy ở giai đoạn hiện nay, nhận thức về thời cơ của chúng ta như thế nào?
+ Tháng 5-1941, Trung ương Đảng dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xác định rằng: Nếu ở thời điểm đó mà không giành cho kỳ được độc lập dân tộc thì không bao giờ còn giải phóng được dân tộc ta khỏi kiếp ngựa trâu. Bây giờ chúng ta đang đứng ở những thập niên đầu của thế kỷ 21, trong bối cảnh toàn nhân loại đang cuốn vào cơn bão táp toàn cầu hóa và lại được đặt trên nền tảng của cách mạng 4.0.
Đây là một cơ hội rất lớn để Việt Nam hiện thực hóa được chiến lược rút ngắn bằng việc tranh thủ thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thoát khỏi vị thế tụt hậu về trình độ phát triển, gia nhập vào hàng ngũ các nước tiên tiến, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Nếu để lỡ thời cơ này thì sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, đồng thời đối mặt với nguy cơ phụ thuộc về trí tuệ, về công nghệ, về khoa học và cả văn hóa vào những nước phát triển khác. Trạng thái tụt hậu sẽ không bao giờ được xóa bỏ vì thời cơ lịch sử không bao giờ lặp lại.
Loại bỏ những “sâu mọt” ra khỏi đội ngũ
. Vậy ở bất cứ thời kỳ nào, phải chăng đoàn kết dân tộc luôn là yếu tố đóng vai trò quan trọng?
+ Đúng vậy. Đoàn kết toàn dân là một bài học quan trọng của Cách mạng Tháng Tám. Và bối cảnh hiện nay, việc Đảng ta phải giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Thông qua đó để tất cả tầng lớp, các nhóm xã hội trong cộng đồng dân tộc Việt Nam cùng chung tay, tạo ra xung lực lớn đủ để tiếp sức cho những nỗ lực nhằm vượt qua trạng thái tụt hậu.
Như thế thì mới có thể chiếm lĩnh được những đỉnh cao về khoa học công nghệ, phát triển thị trường văn hóa quốc nội. Hội nhập không được hòa tan mà hội nhập để tỏa sáng. Đã đoàn kết rồi phải đoàn kết hơn nữa. Bài học chiến thắng đại dịch COVID-19 cho chúng ta thấy như vậy.
. Theo ông, chúng ta hiện đang phải đối mặt với những trở lực nào gây ảnh hưởng đến đại đoàn kết dân tộc?
+ Đó chính là những thế lực nào mà chúng ta quen gọi là thế lực thù địch. Thế lực thù địch đó không chỉ là những người chống phá lại đường lối lãnh đạo của Đảng, vi phạm chủ quyền quốc gia dân tộc mà trước hết là giặc nội xâm, là tham nhũng, tiêu cực.
Đấy là những “sâu mọt” ở trong đội ngũ của chúng ta, là những cán bộ có chức, có quyền… và một khi họ đặt mục đích của họ lên trên lợi ích của quốc gia, dân tộc, vi phạm pháp luật thì phải thẳng tay trừng trị, loại bỏ ra khỏi đội ngũ. Lúc đó mới củng cố được đại đoàn kết dân tộc và bảo vệ được xung lực phát triển của quốc gia, dân tộc.
Uy tín lãnh tụ ở trong nhân dân
. Vai trò của người lãnh đạo trong mỗi thời kỳ lịch sử của đất nước đều rất quan trọng. Điều này cũng phải được tạo ra bởi uy tín của người đứng đầu. Ông đánh giá sao về nhận định này?
+ Trong môi trường văn hóa chính trị Á Đông, mà cụ thể là môi trường văn hóa chính trị Việt Nam thì vai trò của người lãnh đạo - khi đã giữ cương vị cao nhất ở cấp của mình đều cần phải có uy tín.
Phạm trù uy tín trong đời sống văn hóa chính trị Việt Nam vô cùng quan trọng, làm thế nào giữ gìn và phát triển được uy tín của mình và được nhân dân thừa nhận thì đó mới là nhà lãnh đạo thành công.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dặn “không phải cán bộ cứ dán lên trán hai chữ đảng viên thì quần chúng người ta tin theo, nhân dân biết hết”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói như vậy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là những học trò xuất sắc đã thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên tắc anh phải dĩ công vi thượng.
. Vậy chúng ta cần hiểu nguyên tắc dĩ công vi thượng đó như thế nào cho đúng?
+ Khi đã giữ cương vị lãnh đạo thì anh phải đặt lợi ích của anh dưới lợi ích chung, lấy lợi ích chung là tối thượng. Nguyên tắc dĩ công vi thượng phải được bộc lộ ra, được thực thi trong hoạt động thực tiễn hằng ngày thì mới thu phục được quần chúng nhân dân. Phải coi quyền lực mà anh có trong tay đều là quyền lực công, quyền lực ấy chỉ đem phục vụ việc công, phụng sự đất nước và nhân dân.
Nếu anh lạm dụng quyền lực đấy để vơ vét cho mình, bao che cho phe cánh, con cháu anh thì dù chưa bị phát hiện, chưa bị “vào lò” hoặc hạ cánh an toàn, người ta cũng không coi anh là gì cả. Uy tín lãnh tụ ở trong nhân dân, chứ không chỉ ở trong tài năng xuất chúng nào đó của lãnh tụ, người giỏi nhất là người được quần chúng nhân dân tin cậy.
Đường lối ngoại giao bản lĩnh, khôn khéo
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà ngoại giao tài ba của dân tộc Việt Nam. Việc vận dụng tư tưởng, các bài học ngoại giao của Người trong bối cảnh tình hình mới của đất nước và thế giới hiện nay có ý nghĩa rất lớn trong phát triển cũng như hội nhập đất nước.
Trong một thời gian không quá dài nhưng Việt Nam đã thực hiện được đường lối ngoại giao cây tre, qua đó đã ký kết được quan hệ hợp tác ở mức đối tác chiến lược và toàn diện với tất cả các nước của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Việc Tổng thống Mỹ mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Nhà Trắng, tiếp tại Phòng Bầu dục và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội là một sự thừa nhận, sự tôn trọng khác biệt trong lựa chọn chính trị nhưng vẫn có thể cùng nhau hợp tác, phát triển.
Bài học đó sẽ tiếp tục đồng hành với dân tộc Việt Nam, nhất là dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chúng ta vẫn có thể thực thi được đường lối ngoại giao bản lĩnh, khôn khéo, thông minh. Lấy đại nghĩa và lợi ích dân tộc đặt lên trên hết và trước hết, trong quan hệ hài hòa với các nước trong khu vực và các cường quốc trên thế giới.
Chúng ta vẫn có thể thực thi được đường lối ngoại giao bản lĩnh, khôn khéo, thông minh. Lấy đại nghĩa và lợi ích dân tộc đặt lên trên hết và trước hết, trong quan hệ hài hoà với các nước trong khu vực và các cường quốc trên thế giới.
GS-TS PHẠM HỒNG TUNG