“Quá trình thu hồi đất phải bảo đảm hài hòa lợi ích chính đáng của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước. Giải quyết những bất cập, không để xảy ra thu hồi đất của dân rồi chuyển mục đích sử dụng để hưởng chênh lệch địa tô” - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác sáu tháng đầu năm, bàn một số nhiệm vụ trọng tâm sắp tới của ngành thanh tra sáng 27-7.
Chuyển công an 42 vụ sau thanh tra
Trong sáu tháng, toàn ngành thực hiện hơn 3.800 cuộc thanh tra hành chính, gần 93.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm gần 10.000 tỉ đồng hơn 32.600 ha đất. Thanh tra đã kiến nghị thu hồi gần 8.000 tỉ đồng và gần 360 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 42 vụ với 46 người.
Ngành thanh tra đã tập trung triển khai kế hoạch thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra phức tạp như MobiFone mua AVG; cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam… Qua đó phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong ban hành chính sách, pháp luật.
Trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo Thanh tra Chính phủ, so với cùng kỳ năm 2017, đã có chiều hướng giảm về số lượt đoàn đông người, đơn thư khiếu nại và số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước.
Qua kiểm tra nội bộ và hoạt động thanh tra đã phát hiện 22 vụ, 18 đối tượng tham nhũng, liên quan đến tham nhũng ở An Giang, Long An, Phú Yên, Bình Định, Đồng Nai, Lào Cai, Hà Giang, Kiên Giang…
Thanh tra Chính phủ thừa nhận một số cuộc thanh tra ban hành kết luận còn chậm; kết quả phát hiện, xử lý vi phạm về kinh tế, số các vụ việc chuyển cơ quan điều tra thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017. Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra có nhiều cố gắng nhưng kết quả xử lý sai phạm về đất đai chưa đạt yêu cầu đề ra.
Chủ tịch UBND nhiều địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm tiếp công dân định kỳ theo quy định, chưa làm tốt việc đối thoại với dân, tránh né, đùn đẩy, không mạnh dạn sửa sai.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: plo.vn
Mạnh dạn sửa sai, không đùn đẩy
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, kết quả mà toàn ngành thanh tra đạt được sáu tháng đầu năm, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, tồn tại.
Đó là việc kết luận một số cuộc thanh tra còn chậm (có vụ việc kết luận nhiều lần), có vụ việc thanh tra chỉ ra khuyết điểm nhưng xử lý thế nào lại không nêu, quản lý đoàn chưa chặt chẽ, có nhiều trường hợp tiêu cực trong tiến hành thanh tra… cần khắc phục.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai công tác xây dựng pháp luật, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng. Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để khắc phục sơ hở, bất cập trong quản lý nhà nước, chỉ ra những nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài, đặc biệt là các quy định về thu hồi đất, giá đất, bồi thường, tái định cư. “Các kết luận thanh tra phải bảo đảm chính xác, khách quan, các trường hợp có dấu hiệu tội phạm phải chuyển sang cơ quan điều tra, đồng thời gửi cho viện kiểm sát biết để theo dõi, phối hợp” - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành thanh tra chủ động theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện kết luận thanh tra, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh, bảo đảm kết luận thanh tra phải được thực hiện hiệu quả, kiểm tra sau thanh tra, ai gây ra phải cũng phải xử lý, không có chuyện “hạ cánh an toàn”.
Trong công tác tiếp công dân, ngành thanh tra phải thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác này, rà soát và giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Vận dụng chính sách có tình, có lý nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Theo báo cáo, sáu tháng đầu năm tình hình khiếu nại của công dân trong phạm vi cả nước cũng như tại trụ sở tiếp công dân trung ương có nhiều diễn biến phức tạp; số lượng công dân tập trung tại khu vực trung tâm thành phố, nhà riêng các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tòa nhà Quốc hội, trụ sở các cơ quan trung ương và có nhiều hành vi manh động; một số đoàn đông người của các tỉnh, thành căng băng rôn, khẩu hiệu nhằm gây áp lực đối với các cơ quan trung ương yêu cầu được giải quyết, gây mất an ninh trật tự... Phía trước trụ sở tại Hà Nội, tình hình an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp; một số công dân khiếu kiện đơn lẻ, đeo bám khiếu kiện, dựng lều lán khu vực vỉa hè hai bên cổng để ở và đun nấu, ăn uống, gây mất mỹ quan... |