LTS: Tại cuộc họp báo chiều 18-6, trả lời của lãnh đạo Bộ GD&ĐT vẫn chưa làm dư luận hết băn khoăn về thực chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 khi mà tỉ lệ đỗ quá cao, như vậy có cần thiết tổ chức một kỳ thi quá tốn kém, hướng đổi mới sắp tới như thế nào… Nhằm góp phần thúc đẩy việc đánh giá, thi cử đi vào nề nếp, nghiêm túc, đáng tin cậy, bớt nặng nề, báo Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một số ý kiến của các chuyên gia giáo dục dưới đây.
Tuy nhiên, tôi vẫn rất băn khoăn, con em chúng ta chỉ được nghỉ ít ngày nữa thôi lại phải bước vào kỳ thi ĐH, CĐ. Hai kỳ thi rất gần nhau nhưng cùng có một mục đích lớn là để khẳng định rằng các em đã vượt qua 12 năm học để bước vào cấp học cao hơn hoặc vào đời. Như thế thì quá vất vả cho các em, tốn kém tiền bạc, công sức cho gia đình, xã hội và Nhà nước. Hơn nữa kết quả thi tốt nghiệp năm nay cao quá! Hầu hết địa phương đều có tỉ lệ đạt ở mức 98%-99%. Chúng ta tổ chức một kỳ thi công phu, tốn kém, cách thi và hướng ra đề tích cực nhưng để đạt được kết quả mà ai cũng biết như vậy thì thật vô nghĩa! Ai cũng vui vì kết quả cao nhưng không thật sự thỏa mãn.
Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhưng dư luận băn khoăn về chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Trong ảnh: Các thí sinh Hội đồng thi Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) vui mừng sau buổi thi môn toán. Ảnh: H.HÀ
Đã đến lúc chúng ta phải thay thế phương án thi khác, làm sao vẫn đánh giá được học trò suốt 12 năm học nhưng vẫn có cơ sở sàng lọc để các em chuẩn bị bước vào một cấp học cao hơn hoặc có những lựa chọn khác phù hợp hơn.
Theo tôi thì có nhiều phương án. Chẳng hạn, đánh giá việc học, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT nên để cho địa phương; còn kỳ thi ĐH, CĐ thì là chuyện vĩ mô của ngành, của Nhà nước. Kết quả học tập 12 năm, năm nào cũng có học bạ, năm nào cũng có kiểm tra học kỳ 1, học kỳ 2 và có kết quả từng năm. Cộng lại 12 năm để đánh giá học sinh thì các sở GD&ĐT từng địa phương phát huy vai trò của mình để chỉ đạo và đánh giá xếp loại học sinh. Lúc đó Bộ sẽ làm vai trò cao hơn, có thể đánh giá hoặc kiểm tra lại từ kết quả của các địa phương. Từ đó tránh bệnh thành tích để cho xã hội thấy được một kết quả nghiêm túc, đúng chất lượng quá trình dạy và học từ các trường.
Chúng ta cũng có thể gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thành một - kỳ thi “hai trong một”. Về phương án này có nhiều cách tổ chức. Cụ thể như tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc hơn, kỹ hơn, có sự hỗ trợ của các trường ĐH nữa để dựa vào kết quả kỳ thi này có cơ sở xét vào ĐH hoặc CĐ. Hoặc là như trên đã nói, chúng ta giao việc tổ chức thi tốt nghiệp cho địa phương mà tập trung cho ĐH, CĐ.
Như vậy, chúng ta có nhiều cách để làm nhưng cách như hiện nay không ổn nữa. Chúng ta nhất định phải đổi mới, phải tiếp tục đổi mới một cách cơ bản, cả hình thức lẫn nội dung. Nếu không chúng ta sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng mất sức quá, tốn tiền quá để rồi đạt được một kết quả mà ai cũng thấy, ai cũng vui đấy nhưng còn rất băn khoăn. Chúng ta phải làm thật nghiêm túc, kỹ lưỡng, đầu tư có thể tốn kém nhưng phải chất lượng thực sự.
Cách nào thì cách nhưng Bộ phải sớm có một dự thảo để trưng cầu ý kiến trong toàn dân nhằm có những đóng góp, xây dựng. Đây là vấn đề cấp bách, liên quan đến quyền lợi của con em nhân dân. Đây là khâu đột phá, phải tranh thủ ý kiến của đông đảo nhân dân, mọi đối tượng. Phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có kết quả thật chứ không ảo, hữu ích chứ không hình thức.
PGS-TS Trần Hữu Tá, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM
Cần chuẩn hóa cao kỳ thi tốt nghiệp THPT Trên thế giới rất nhiều nước tập trung chuẩn hóa rất cao kỳ thi tốt nghiệp THPT bằng nhiều biện pháp. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đề thi, quá trình coi thi, chấm thi nghiêm ngặt. Ngoài ra họ cũng làm rất tốt việc kiểm tra, đánh giá học sinh trong quá trình học phổ thông. Tuy nghiêm ngặt về chất lượng như vậy nhưng tỉ lệ kết quả của kỳ thi này chỉ dao động 70%-75% chứ không phải gần 100% như nước ta. Còn kỳ thi ĐH diễn ra nhẹ nhàng hơn bởi kỳ thi này chỉ dành cho các trường công lập, đào tạo chính khách, nhân tài, nghề nghiệp đặc thù… Còn tại Việt Nam thì hiện đang đi ngược quy trình các nước! Để đổi mới phương pháp thi cử hiện nay nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành bốn khối A, B, C, D với các môn mà kỳ thi ĐH, CĐ đang áp dụng. Trong các khối này đều lồng ghép môn ngoại ngữ, qua đó phân luồng trực tiếp để người muốn theo đuổi khối mình có thế mạnh có thể học lên cao hơn. Còn những người không có nguyện vọng học lên cao thì có thể rẽ ngang học nghề, tiết kiệm thời gian và công sức, thay vì dồn sức cho kỳ thi ĐH. PGS-TS Nguyễn Đình Phư (ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) |