Ngày 9-9, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Tòa đã tuyên phạt Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) 18 năm tù về tội cố ý làm trái…, 20 năm tù về tội vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt chung mà bị cáo phải chấp hành là 30 năm tù (mức cao nhất của tù có thời hạn).
Cùng hai tội này, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) bị phạt 22 năm tù. Các bị cáo khác tùy theo mức độ, tính chất hành vi phạm tội mà bị phạt từ ba năm án treo cho đến 20 năm tù...
Không đủ tài chính mua ngân hàng
Theo tòa, VKS truy tố các bị cáo về hai tội danh trên vì gây hậu quả nghiêm trọng cho VNCB là có cơ sở. Do cần tiền chi chăm sóc khách hàng, lãi ngoài… nên Danh đã bàn bạc với Mai và Mai Hữu Khương tìm cách rút tiền của VNCB bằng cách lập các hợp đồng khống nâng cấp CoreBanking, thuê trụ sở khống… để rút tiền. Từ chủ trương sai trái trên, cả ba chỉ đạo phân công cho cấp dưới - các bị cáo trong vụ án này thực hiện các hành vi sai trái gây thiệt hại.
Tại tòa, các bị cáo khai do các nguyên nhân khác nhau, mục đích khác nhau hoặc do không biết, làm theo sự chỉ đạo của cấp trên, thậm chí kêu oan. Luật sư cho rằng cần xem lại bối cảnh phạm tội là ngân hàng có nợ xấu và bị cáo Danh không nhận được tài sản như thỏa thuận ban đầu… Nhưng theo tòa, hồ sơ và kết quả thẩm vấn cho thấy đến thời điểm khởi tố vụ án, nhóm cổ đông của bị cáo Danh đã trả một phần gốc và lãi cho bà Hứa Thị Phấn tổng số tiền hơn 3.600 tỉ đồng. Số tiền này được lấy trong các khoản vay từ VNCB của nhóm khách hàng Trần Ngọc Bích cầm cố sổ tiết kiệm, vay qua các công ty vật liệu xây dựng, 12 công ty của Tập đoàn Thiên Thanh, khoản ủy thác cho Lộc Việt… Đồng thời khoản 4.700 tỉ đồng tăng vốn điều lệ cũng được xác định là từ vốn vay Ngân hàng BIDV. Vì thế cổ đông đã làm trái với cam kết trong đề án tái cơ cấu là dùng vốn tự có của mình.
Theo tòa, tổng tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh tại thời điểm tái cơ cấu chỉ hơn 1.000 tỉ đồng, không đủ năng lực tài chính để tái cơ cấu ngân hàng. Khi không có đủ năng lực tài chính thì mọi thứ đều nằm ngoài tầm với chứ chưa nói đến thực tế ngân hàng khi bị cáo Danh tiếp cận. Bối cảnh mà các bị cáo nêu đều là do bị cáo đặt ra cho mình, do đó HĐXX không chấp nhận quan điểm của luật sư và bị cáo.
Phạm Công Danh tươi cười sau khi nghe tuyên án. Ảnh: HOÀNG YẾN
Kiện dân sự đòi hơn 5.000 tỉ
Theo tòa, các bị cáo cho rằng cần thu hồi khoản tiền 851 tỉ đồng từ nhóm Phú Mỹ để khắc phục hậu quả nhằm giảm nhẹ tội là không có cơ sở, vì từ khi hành vi xảy ra thì đã cấu thành tội. Ngoài ra, khoản tiền này cho đến nay chưa có cơ sở để thu hồi.
Về hành vi rút tiền từ tài khoản nhóm bà Bích, tòa nhận định không có cơ sở cho rằng Mai không biết việc rút tiền khi không có chữ ký của nhóm bà Bích. Việc nợ chữ ký như các bị cáo khai tại tòa là diễn ra nhiều tháng, nhiều năm. Vì thế, tòa không chấp nhận lời bào chữa của luật sư và bị cáo về việc không biết khoản tiền lớn bị chuyển khỏi tài khoản của khách hàng lâu như vậy mà không biết gì.
Mối quan hệ giữa ông Danh và nhóm bà Bích, HĐXX xác định các khoản vay cầm cố sổ là hợp lệ còn khoản tiền bị rút ra là không hợp lệ do không có chữ ký của chủ tài khoản. Ngân hàng phải có nghĩa vụ trả tiền cho bà Bích. Tòa cho rằng có đủ cơ sở để xác định có mối quan hệ vay mượn giữa ông Danh và nhóm ông Trần Quí Thanh. Riêng các khoản tiền chuyển không có chữ ký thì là hành vi trái pháp luật. “bản chất khoản tiền bị cáo Danh chuyển cho ông Thanh là tiền trái pháp luật vì thế khoản tiền ông Thanh dùng chuyển sang các tài khoản của các cá nhân nhóm khác để tất toán nợ cũ là vật chứng của vụ án, cần thu hồi lại. Như vậy, ông Danh vẫn nợ nhóm ông Thanh, bà Bích số tiền 5.190 tỉ đồng và đây là quan hệ vay mượn dân sự, được tách ra thành một vụ án khác”- HĐXX phân tích.
Về yêu cầu của các bị cáo xung quanh việc thu hồi khoản tiền liên quan đến BIDV, tòa cho rằng đây là vụ án được tách riêng trong vụ án khác nên không có cơ sở xem xét trong vụ án này.
Tiền ở đâu trả về lại nơi đó Cáo trạng cáo buộc Danh và các đồng phạm đã thực hiện bảy phi vụ rút tiền tổng cộng 12.057 tỉ đồng ra khỏi VNCB, gây thiệt hại 9.133 tỉ đồng. Cụ thể, các bị cáo làm khống hồ sơ nâng cấp hệ thống CoreBanking; lập hồ sơ khống thuê hai trụ sở, rút tiền không có chữ ký của chủ tài khoản nhóm Trần Ngọc Bích 5.490 tỉ đồng, rút 900 tỉ đồng dưới hình thức ủy thác đầu tư trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh, nâng khống giá trị các tài sản đảm bảo để vay trực tiếp tại VNCB 5.000 tỉ đồng… Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Danh bồi hoàn 63,2 tỉ đồng cho VNCB trong sự việc CoreBanking. VNCB trả 5.190 tỉ đồng cho bà Bích, buộc ông Thanh trả 5.190 tỉ đồng cho bị cáo Danh và bị cáo Danh trả khoản tiền do sai phạm mà có này cho VNCB… Bà Bích phải nộp lại hơn 72 tỉ đồng được xác định là tiền vi phạm trong vụ án cho ngân hàng. Bà Phấn trả khoản tiền 97 tỉ đồng được xác định là tiền vi phạm từ vụ án. Bị cáo Danh, bà Quách Kim Chi phải chịu trách nhiệm bằng tài sản cá nhân mình theo tỉ lệ góp vốn tại Tập đoàn Thiên Thanh... |