Ngày 17-12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xử phúc thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại 6.126 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB (nay gọi là CB Bank) với phần phát biểu quan điểm của đại diện VKS.
VKS cho rằng án sơ thẩm quy kết các bị cáo phạm tội là có cơ sở.
Cho hưởng án treo là sai
Đối với kháng cáo cho rằng nguyên nhân xảy ra vụ án do hành vi vi phạm pháp luật của bà Hứa Thị Phấn và các cá nhân điều hành tại Ngân hàng Đại Tín, VKS cho rằng nguyên nhân một phần có sự yếu kém của Ngân hàng Đại Tín nhưng đây không phải là nguyên nhân cơ bản dẫn đến vụ án. Cấp sơ thẩm cũng đã xem xét đến nguyên nhân, bối cảnh phạm tội của các bị cáo.
Về ý kiến cho rằng việc tách vụ án ra thành hai giai đoạn làm hình phạt đối với các bị cáo nặng hơn, VKS cho rằng vụ án trong hai giai đoạn cùng gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng. Tuy nhiên, vụ án giai đoạn 1 xử lý hành vi cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay để rút tiền trực tiếp của CB Bank ra sử dụng, còn vụ án này xử lý hành vi cố ý làm trái trong việc sử dụng tiền gửi của CB Bank để bảo lãnh trái pháp luật. Đây là các vụ án độc lập xử lý các hành vi độc lập, không phải cùng một quyết định khởi tố vụ án rồi tách ra thành hai vụ án khác nhau nên không làm tăng nặng trách nhiệm hình sự của các bị cáo.
Về các kháng cáo của một số bị cáo xin hưởng án treo, giảm nhẹ hình phạt hay áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, VKS cho rằng hậu quả từ hành vi phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng, mức án ở cấp sơ thẩm là tương xứng với hành vi phạm tội nên không có cơ sở xem xét. Tuy nhiên, đối với bị cáo Trần Hiệp cung cấp hồ sơ đang bị bệnh ung thư giai đoạn 4 nên đề nghị HĐXX xem xét.
Về kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM về hình phạt của bốn bị cáo được cấp sơ thẩm cho hưởng án treo gồm Nguyễn Thị Kim Vân, Hồ Thị Đi, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh, VKS cho rằng trong đại án VNCB giai đoạn 1 (xét xử năm 2016), bốn bị cáo này đều được tuyên hưởng án treo, nay tiếp tục bị xét xử về một tội khác nhưng vẫn được áp dụng án treo là vi phạm Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng Thẩm phán. Do đó, VKS đề nghị không cho bốn bị cáo này hưởng án treo.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: MINH CHUNG
Phạm Công Danh nói đã “vật lộn” cứu ngân hàng
Tự bào chữa trước khi các luật sư (LS) của mình bào chữa, bị cáo Phạm Công Danh cho rằng thiệt hại xảy ra do hậu quả từ Ngân hàng Đại Tín để lại. Bởi khi đó không ai muốn nhận ngân hàng yếu kém này với 95% là nợ xấu; các hội sở, chi nhánh trên toàn quốc đều rơi vào tình trạng mất thanh khoản, có khách hàng xin rút tiền mà đến ba ngày sau mới rút được. Ông Danh cho rằng nếu không có sự nỗ lực, cố gắng của mình trong suốt ba năm liền thì Ngân hàng Đại Tín đã không còn tồn tại và gây ra hậu quả lớn đối với an ninh tiền tệ quốc gia.
Về số tiền 4.500 tỉ đồng, bị cáo Danh nói mình đã dùng để trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước, trả lãi và tất toán các khoản vay đúng quy định. Ông Danh cho rằng đã toàn lực giúp sức cho Ngân hàng Đại Tín, tập trung giải quyết các khoản nợ trước đó của ngân hàng này (các khoản đã có khi ông còn chưa tiếp nhận Đại Tín), chỉ mong phương án tái cơ cấu ngân hàng được thực hiện thành công, không bị đổ vỡ.
Các LS của bị cáo Danh cho rằng ở phiên tòa sơ thẩm VKS không có ý kiến gì về số tiền 4.500 tỉ đồng mà Danh sử dụng tăng vốn điều lệ, nhưng sau đó VKS lại có kháng nghị đối với số tiền này là mâu thuẫn.
Thực tế cho thấy số tiền 4.500 tỉ đồng là có thật, là tiền “tươi”. Trong giấy phép đăng ký kinh doanh của Sở KH&ĐT tỉnh Long An (thay đổi lần thứ 27) thì vốn của VNCB tăng từ 3.000 tỉ lên 7.500 tỉ đồng. Điều đó cho thấy ông Danh đã chuyển số tiền này vào tài khoản của VNCB và được sử dụng cho VNCB… Nếu CB Bank cho rằng ông Danh đã lấy số tiền 4.500 tỉ đồng thì đề nghị CB Bank chỉ ra ông Danh dùng số tiền này vào mục đích cá nhân nào. Có bằng chứng gì không...
Về số tiền 4.500 tỉ đồng VKS cho rằng không trả cho bị cáo Danh vì CB Bank xác nhận lỗ, vốn âm. Tuy nhiên, theo bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB), tại thời điểm các bị cáo tiếp nhận đã lỗ và như đã nói, phần lớn lỗ và trách nhiệm là từ bà Phấn,… nên bị cáo Mai đề nghị trả 4.500 tỉ đồng cho Phạm Công Danh.
Điều có ý nghĩa đối với Phạm Công Danh LS của bị cáo Phạm Công Danh cho rằng phạm vi xét xử phúc thẩm có thể xem xét cả những nội dung nằm ngoài kháng cáo. HĐXX cho rằng bị cáo Danh có thêm tình tiết giảm nhẹ nào cũng không còn ý nghĩa gì (khi mức án giai đoạn 1 đã 30 năm tù) nhưng với bị cáo Danh nó lại rất ý nghĩa vì làm rõ bản chất sự thật khách quan của vụ án. Bị cáo Danh không kháng cáo giảm nhẹ hình phạt nhưng bị cáo là một chủ doanh nghiệp, là một doanh nhân thành đạt, nếu sự thật không được làm rõ sẽ khiến dư luận hiểu sai. LS đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm g khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra. Bởi lẽ bị cáo Danh tiếp nhận ngân hàng trong hoàn cảnh âm vốn nặng, hứng chịu hậu quả do bà Phấn chứ không phải do mình. Bị cáo Danh đã phải “vật lộn” để cứu ngân hàng, đây là tình tiết đáng để xem xét, nó còn đáng giá hơn cả tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo… Tuy nhiên, HĐXX đã ngắt lời và cho rằng vấn đề này bị cáo Danh không kháng cáo. |