Phân biệt hành vi tự thú, đầu thú?

Theo tôi hiểu thì hành vi đầu thú là sau khi phạm tội đi trốn rồi bị công an tìm mới ra trình diện. Còn tự thú là tự mình đi thú tội với công an có đúng vậy không?

Ha cuong pham (phcuong_dk2016@gmail.com)

Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Căn cứ hướng dẫn tại Công văn số 81 ngày 10-6-2002 của TAND Tối cao về phân biệt việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp "tự thú" và trong trường hợp "đầu thú".

Theo đó, "Tự thú" là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể nhưng trong quá trình điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện.  

Còn "Đầu thú" là có người đã biết mình phạm tội nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng theo hướng dẫn của TAND Tối cao thì có hai trường hợp để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội:

- Nếu người phạm tội tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội thì áp dụng tình tiết giảm nhẹ "tự thú" quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

- Nếu có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội nhưng biết không thể trốn tránh được nên người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền trình diện thì áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.

Cũng cần chú ý là, trong trường hợp này, nếu người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải hoặc có những việc làm khác thuộc trường hợp được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999.  

Như vậy, bạn có thể tham khảo quy định nêu trên để hiểu rõ thêm về hành vi đầu thú, tự thú. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm