“Phan Châu Trinh hiện đại một cách lạ lùng!”

Nhiều học sinh, trí thức bị bắt bớ, giam cầm đã trở thành lãnh tụ cách mạng sau này.

. Thưa ông, năm 1926, cả nước chưa có một chính đảng nào lãnh đạo nhưng vì sao lễ tang cụ Phan Châu Trinh lại được tổ chức đồng loạt trên cả nước, giới học sinh đồng loạt bãi khóa?

+ Nhà văn Nguyên Ngọc: Đám tang Phan Châu Trinh năm 1926 quả là một sự kiện vĩ đại. Tại Sài Gòn, 100.000 người đã xuống đường đi đưa tang nhà chí sĩ, trong khi dân số ba TP Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn lúc bấy giờ cộng lại chỉ xấp xỉ 300.000 người. Ngoài nhân dân tại chỗ, hầu hết các tỉnh trong cả nước đều cử đại biểu về dự đám tang, sau đó trở về báo cáo lại với đồng bào và tổ chức lễ truy điệu tại địa phương. Thật sự đã có một quốc tang lớn, càng lớn và sâu sắc là gần như hoàn toàn do nhân dân tự đứng lên tổ chức, lại dưới ách kìm kẹp ráo riết của kẻ thù. Hẳn hầu như là độc nhất trong lịch sử nước ta. Đương nhiên cả cuộc đời hy sinh chiến đấu vì dân tộc, ý chí kiên cường, bất khuất của ông đã khiến ông chinh phục được lòng ái mộ của toàn dân. Nhưng không chỉ có thế, sự vĩ đại của Phan Châu Trinh còn chủ yếu nằm ở một phương diện khác có thể còn quan trọng hơn: trong tất cả nhân vật cùng thời, ông là người đã có tầm nhìn sớm, sâu và xa hơn cả, để có thể đặt vấn đề cứu nước trên một bình diện hoàn toàn mới, bình diện phát triển dân tộc trong điều kiện thế giới đã khác với quá khứ một cách cơ bản.

. Giá trị nào của nhà chí sĩ này đã hấp dẫn người Việt thời ấy đến như vậy?

+ Nghiên cứu cuộc đời hoạt động của Phan Châu Trinh, tôi nghĩ có thể người cùng thời cũng chưa hoàn toàn hiểu hết tư tưởng của ông và từ đó cả chủ trương của ông - đó cũng là một bi kịch trong đời ông và có thể cũng là bi kịch của dân tộc - nhưng ít nhiều họ cũng đã cảm nhận ra dù chưa thật rõ rệt cái mới đó. Một chân trời mới, khác do ông chỉ ra một cách quyết liệt với một sự tự tin khổng lồ đã hiện ra trước dân tộc đang trằn trọc tìm đường. Tôi nghĩ đó chính là sức hấp dẫn đặc biệt của Phan Châu Trinh.

Lễ tang cụ Phan Châu Trinh

Tôi muốn nói điều này: Phan Châu Trinh hiện đại một cách lạ lùng!

Hồi ấy, trong cuộc truy điệu Phan Châu Trinh ở Nam Định đã có một câu đối lớn, về sau nổi tiếng trong cả nước:

Truy điệu Tây Hồ nhật

Hoán cải quốc dân hồn.

Hoán cải nghĩa là thay đổi.

Nhân dân cả nước đã dành cho Phan Châu Trinh một đám tang vĩ đại, xứng đáng với người đã đánh thức tư tưởng và ý chí của nhân dân về một cuộc thay đổi căn bản hồn dân tộc để có thể sống còn và phát triển cùng nhân loại năm châu trong thời đại mới..

. Ông có thể nói rõ hơn về sự thay đổi căn bản này?

+ Như chúng ta đều biết, đầu thế kỷ XX, sau thất bại và tan rã của phong trào Cần Vương là một cuộc khủng hoảng, bế tắc vô cùng nghiêm trọng về đường lối cứu nước. Vấn đề đầu tiên lúc bấy giờ là tìm ra đúng nguyên nhân đã đưa đến mất nước, dân tộc sa vào vòng nô lệ thảm khốc. Phan Châu Trinh là người đầu tiên đã đi tìm và đã tìm ra nguyên nhân ấy trong văn hóa, trong sự thua kém tai hại về văn hóa của chúng ta trước đối thủ mới, mà là thua kém cả một thời đại. Như vậy, trong khi những nhân vật yêu nước lớn nhất của thời đó chỉ thấy việc đánh đuổi Pháp, khôi phục độc lập về lãnh thổ, hệt như tổ tiên ta suốt ngàn năm trước đã đánh ngoại xâm Trung Hoa, thì Phan Châu Trinh đã nhận ra một vấn đề phức tạp hơn và cao hơn, cơ bản hơn nhiều: vấn đề cấp bách khai hóa dân tộc, hiện đại hóa đất nước, đuổi kịp, ngang bằng với đối thủ về tính thời đại, trên cơ sở đó độc lập mới có ý nghĩa và mới có thể bền vững. Nói cách khác, ông đã nhận ra rằng khi đối mặt với phương Tây là ta đã phải đối mặt với cái mà ngày nay ta gọi là “toàn cầu hóa”, cuộc toàn cầu hóa lần thứ nhất có thể gọi như vậy, mà ta nhất thiết phải sống, tồn tại hay tiêu vong trong đó. Cần hiểu khẩu hiệu nổi tiếng của ông “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” trong ý nghĩa đó.

. Trong hoàn cảnh đất nước đã độc lập, tự chủ hiện nay, mục tiêu dân trí, dân khí, dân sinh của cụ Phan có còn ý nghĩa thực tiễn không, thưa ông?

+ Do những éo le của lịch sử, chương trình sáng suốt của Phan Châu Trinh đã bị dở dang. Độc lập dân tộc đã được giành lại bằng con đường khác. Thành tựu đó là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, những nan đề của dân tộc mà Phan Châu Trinh đã thức nhận và đặt ra trước sự phát triển để tồn tại bền vững của dân tộc thì vẫn còn nguyên đấy. Những nan  đề ấy, như ai cũng có thể thấy, đang hiện ra nóng bỏng và bức xúc hằng ngày hiện nay. Nhiệm vụ khai dân trí hoàn toàn còn nguyên ý nghĩa thực tiễn, thậm chí ngày nay còn cấp bách hơn, trước cuộc toàn cầu hóa mới đầy thách thức. Nói nôm na chúng ta đã có độc lập nhưng chúng ta cũng hoàn toàn còn nguy cơ là một dân tộc lạc hậu giữa thế giới đang phát triển như vũ bão.

. Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh là một trong rất ít giải thưởng của Việt Nam xét trao cho cả nhà văn hóa, khoa học nước ngoài, ý nghĩa của việc trao giải này là gì?

+ Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh mong muốn góp phần tích cực của mình, từ tất cả góc độ có thể, phát huy tất cả tâm lực của mọi người, huy động tất cả nguồn lực có thể huy động được cho công cuộc khai sáng mà vị tiền bối anh minh của chúng ta đã khởi xướng và trao lại cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và ngày mai.

. Xin cảm ơn ông.

Nhiều hoạt động kỷ niệm 85 năm ngày mất cụ Phan Châu Trinh

Chiều 24-3, tại khách sạn Rex sẽ diễn ra lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh 2010 tập trung vào bốn lĩnh vực: giáo dục, nghiên cứu, dịch thuật và Việt Nam học. Hôm qua, ngày 22-3: Tọa đàm về giáo dục và cơ chế thị trường với sự tham gia của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch quỹ giải thưởng này và là cháu ngoại nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Hôm nay, ngày 23-3: Hội thảo 85 năm ngày mất Phan Châu Trinh diễn ra tại ĐH Hoa Sen với hai diễn giả chính là nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch Hội đồng khoa học giải thưởng Phan Châu Trinh và Tiến sĩ Bùi Trân Phượng.

Về lễ tang cụ Phan Châu Trinh

Đúng 6 giờ sáng 4-4-1926, có khoảng 60.000-100.000 người tụ tập hai bên đường Pellerin, đi nối theo suốt đám tang. Suốt lộ trình đám tang đi qua, từ chợ Bến Thành tới Tân Sơn Nhứt, hai bên đường có nhiều quán nước dựng lên do dân chúng tự động, bưng nước giải khát cho người đưa đám. Họ tặng không nước trà, nước dừa, nước đá, nước chanh. Tại khu vực nghĩa trang có khoảng 200 biểu ngữ, bích chương, viết bằng ba thứ tiếng Hán, Nôm và Quốc ngữ treo la liệt, cũng như suốt lộ trình. Nội dung các biểu ngữ là của các chính khách, nhân sĩ và đoàn thể dân chúng ca ngợi nhà ái quốc vĩ đại Phan Châu Trinh. Nội dung các câu đối, biểu ngữ, lời chia buồn, xuất hiện nhiều từ ngữ mới như “độc lập, tự do”, “đoàn kết, dũng cảm”, “tranh đấu, giải phóng”... như một thứ tuyên ngôn phát xuất từ đáy lòng của mỗi người dân.Từ Bắc tới Nam, có ít nhứt 40 tỉnh và địa phương đã tổ chức lễ tang và gởi ai điếu, cầu nguyện đến ban tổ chức ở Sài Gòn.

Tại Phnom Penh, các Việt kiều cũng đã tổ chức lễ truy điệu cụ Phan một cách trọng thể. Ngoài ra, học sinh các trường lớn ở Quy Nhơn, Mỹ Tho, Vinh, Hà Nội... đều có công khai hoặc lén lút tổ chức lễ tang vì nhà cầm quyền ngăn cấm. Hình thức chung của tang lễ khắp nơi là đóng cửa các tiệm buôn, mang băng tang, tập họp diễu hành im lặng qua các đường phố với cờ và biểu ngữ để đến một ngôi đình chùa, rạp hát, hoặc một miếng đất trống, nơi tổ chức hành lễ....

Sau lễ tang, một số học sinh, công chức, giáo viên liên hệ bị bắt, bị giam và đuổi khỏi trường, sở làm. Một số lớn trong đó đã theo hoạt động bí mật chống Pháp từ sau lễ quốc tang này.

(Tổng hợp từ Internet)

ANH KIỆT thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới