Đọc câu chuyện Chó chui gầm chạn của tác giả Hoàng Anh, tôi thấy anh chàng trong câu chuyện ấy chỉ cần hạ một chút tính sĩ diện thôi là sẽ khá hạnh phúc, vì anh ta có được người hiểu, chia sẻ, cảm thông, coi như “vua”.
Còn tôi, đến hiện tại, tôi có thâm niên ở rể hơn 2 năm. Cũng là từng ấy thời gian tôi đau đáu, trăn trở, khổ sở với giấc mơ được ở riêng. Vì sống cùng gia đình vợ, tôi như chịu một cuộc tra tấn kiểu hiện đại, từ thể lực tới tinh thần.
Đầu tiên là mẹ vợ tôi. Bà ly hôn lúc cô dì út được 6 tuổi, tính tới nay đã cả chục năm. Có lẽ vì cú sốc ấy nên bà trở thành người khó tính, luôn tỏ vẻ cao đạo và xét nét với người trong nhà. Từ khi có bóng đàn ông là tôi, bà bắt đầu hướng mũi dùi “chuẩn mực” về phía con rể.
Chiều nào đi làm về tôi cũng phải thực hiện ít nhất ba thứ công việc. Đó là phụ dọn dẹp và đứng thu tiền cho quán bún bò của bà ngoài hẻm, rồi về nhà nấu nướng cho vợ đi bộ giữ eo. Tiếp theo là tôi phải chịu đựng khoảng thời gian cả bữa cơm tối để nghe mấy mẹ con bà ăn uống, buôn chuyện trên đời.
Mà nào đã hết, tôi thực hiện những điều trên như một cái máy nhưng vẫn bị bà ngọt nhạt nhắc nhở “Anh cần linh hoạt một tí, những việc a, b, c thì phải thế này, thế kia mới nhanh được… Cố gắng phụ mẹ một thời gian”.
Rồi thì dạy dỗ vợ chồng ăn ở với nhau sao cho đúng nghĩa phu thê “Dạo này mẹ hấy hai đứa cứ sao sao ấy, có gì khúc mắc thì cứ thẳng thắn trao đổi. Nó (tức vợ) sai gì thì con cứ nói. Đừng như ba các con (tức bố vợ), tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm vào cuộc đời mẹ đến giờ vẫn chưa hết đau…”
Những lần như thế, tôi chỉ cúi đầu vâng dạ theo thói quen rồi xin phép bà cho lên phòng trước. Tôi làm việc thêm một tí, ngủ một giấc, sáng hôm sau lại bắt đầu màn tập thể dục bằng việc dọn hàng bún bò cho bà ra ngoài đầu hẻm trước khi đóng bộ tới công ty.
Nếu quý vị từng xem phim Sống chung với mẹ chồng thì cứ lấy nhân vật nàng dâu kia nhân lên hai lần là suy ra được ra tâm trạng ức chế của tôi.
Ảnh minh hoạ: Internet
Tiếp đến là màn coi thường chồng của vợ tôi. Chỉ nửa năm sau khi cưới, cô ấy ngoài việc tháng nào cũng vặn lương của chồng thì bắt đầu sinh ra tật mỉa mai, chì chiết người đầu gối tay ấp. Mà vợ tôi xúc phạm tôi thâm thúy y như mẹ đẻ của cô, có phần đẳng cấp hơn. Câu kinh điển của vợ tôi là so sánh tôi với bạn bè đồng trang lứa: “Anh Nam trước đây toàn phải mượn đề cương chồng soạn để đi thi, vậy mà giờ nhà cao cửa rộng, có cả đám doanh nghiệp xun xoe chờ bắt tay. Vợ chả hiểu chồng dùng cái bằng loại khá đề làm gì!”
Rồi những lúc có chuyện bất đồng, vợ tôi không chịu trao đổi mà cứ thích đợi tới khi có mặt đông đủ cả nhà mới lôi ra kể, hỏi mọi người là tôi sai hay đúng. Những lần như thế, tôi không đủ dũng cảm để nói lên lý lẽ của mình, chấp nhận ngồi cô đơn giữa vòng vây của những tiếng “Thế à”, “Sao lại vậy?”, “Đã thấy chưa?”, “Thôi, chuyện bé không nên xé ra to”….
Đấy là lời nói, còn công việc chung thì cô ấy tự phong cho mình vị trí tiểu thư. Nghĩa là không muốn động tay vào bất cứ thứ gì, từ quét dọn nhà, gọi điện đổi bình gas đến giúp chồng ủi bộ quần áo...
Vâng, Tôi ở rể!. Điều đó khiến tôi hiểu tâm trạng bức bí, luôn luôn muốn gây sự của bất cứ người đàn ông nào vì lý do kinh tế mà tạm trú bên ngoại.
Nay đọc câu chuyện của tác giả Hoàng Anh, tôi muốn chia sẻ thêm để rõ hơn về bức tranh của cánh đàn ông “được vợ cưới” rồi lâm vào cảnh “chó chui gầm chạn”. Nên nếu quý vị hỏi trong gầm chạn có gì, xin thưa, với hoàn cảnh của tôi thì trong gầm chạn là một quả bom đang chờ ngày kích nổ. Quả bom ấy chứa rất nhiều nỗi buồn phiền, tủi thân và mặc cảm.
Tôi sống ở phòng trọ gần công ty đã hai tháng và đang chờ quyết định từ tòa án!