Nhật báo Bangkok Post của Thái Lan dẫn lời Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thái Lan Somchai Seanglai cho biết: Bộ Văn hóa vừa hoàn tất dự thảo quy chế phân loại phim theo độ tuổi và chuẩn bị đệ trình lên chính phủ ký ban hành vào tháng tới.
Thái Lan đã soạn dự thảo
Theo dự thảo quy chế của Thái Lan, phim sẽ được phân loại thành bảy nhóm: Phim không có cảnh bạo lực; phim dành cho mọi đối tượng khán giả; phim không phù hợp với trẻ em dưới 13, 15, 18 hay 20 tuổi; phim bị cấm do xâm phạm an ninh quốc gia, xúc phạm hoàng gia, trái chuẩn mực đạo đức.
Thứ trưởng Somchai Seanglai nhận xét: Việc phân loại khán giả theo nhiều nhóm sẽ rộng đường cho các đạo diễn phát huy tính sáng tạo và sẽ không còn chuyện phim bị cắt nát hay bị kiểm duyệt như trước nữa.
Các nhà phát hành phim phải có trách nhiệm thông báo cho khán giả về việc phân loại phim. Người vi phạm sẽ bị phạt ít nhất một năm tù giam hoặc nộp phạt 100.000 baht (50 triệu đồng VN) hoặc cả hai hình thức xử phạt nếu để khán giả không đúng đối tượng vào xem phim.
Dự thảo quy chế cũng sẽ được áp dụng cho các loại băng đĩa DVD và VCD bằng cách dán ký hiệu phân loại lên sản phẩm trước khi tung ra thị trường. Dù có nhiều ý kiến cho rằng hệ thống phân loại phim không ngăn bọn trẻ tiếp cận với phim xấu vì ai cũng dễ dàng kiếm được phim như vậy tại nơi bán phim lậu. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng chính phủ cần phải làm điều gì đó ngăn chặn còn hơn là không làm gì.
Cách thức phân loại phim
Trên thế giới, các nước thường áp dụng các tiêu chí sau để phân loại phim như phim có hình ảnh mùi mẫn, hình ảnh bạo lực, lạm dụng chất kích thích, ngôn ngữ dung tục. Tiêu chí phân loại của mỗi nước không giống nhau tùy thuộc quan niệm của mỗi nước.
Tại Mỹ, phim có cảnh quay sặc mùi xác thịt bị hạn chế, chỉ dành cho khán giả lớn tuổi. Trong khi tại Pháp, Đức, phim có đề tài tình dục lại được khoan dung hơn. Ngược lại tại Mỹ, phim có cảnh chém giết lại dễ dàng được cho chiếu rộng rãi. Còn tại Đức và Phần Lan, phim loại này chỉ dành cho khán giả lớn tuổi hoặc bị kiểm duyệt rất gắt gao.
Ở một số nước như Úc, chính phủ lập ra một cơ quan chuyên trách thẩm định phim. Tại một số nước khác như Mỹ, hệ thống phân loại phim do các hiệp hội công nghiệp điện ảnh đảm trách. Nói chung, tại hầu hết các nước, phim có nội dung phản đạo đức đều bị kiểm duyệt gắt gao, bị hạn chế hoặc bị cấm lưu hành.
Tại Mỹ, việc phân loại phim chỉ mang tính chất khuyến cáo, giúp phụ huynh có thể chọn lựa phim phù hợp với con cái. Còn tại một số nước khác, hệ thống phân loại phim lại có hiệu lực hành chính, buộc các nhà phát hành phim phải nghiêm chỉnh thực hiện và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để cho đối tượng khán giả không phù hợp vào xem phim.
Cũng có trường hợp công ty phát hành phim tự đưa ra hạn chế dành cho khán giả nếu đó là phim nhạy cảm dù họ không có trách nhiệm trước pháp luật phải làm vậy.
Hệ thống phân loại của Mỹ
G (general audiences-có thể công chiếu rộng rãi): Phim không cảnh khỏa thân, không tình dục, không ma túy, hạn chế cảnh bạo lực hoặc ít sử dụng ngôn ngữ đường phố trong lời thoại.
PG (parental guidance suggested-cha mẹ nên có hướng dẫn cho con khi xem): Có một số hình ảnh không thích hợp với trẻ em. Có thể có một số lời lẽ xúc phạm, vài cảnh khỏa thân, một ít cảnh bạo lực, sử dụng chất kích thích nhẹ nhàng.
PG-13 (parents strongly cautioned-cha mẹ nên cân nhắc cẩn trọng): Một số hình ảnh không thích hợp cho trẻ em dưới 13 tuổi. Phim có thể có các lời thoại tục tĩu, vài cảnh khỏa thân, có cảnh bạo lực, hoặc sử dụng chất kích thích nhẹ.
R (restricted-phim có giới hạn): Không dành cho người dưới 17 tuổi nếu không có cha mẹ hoặc người giám hộ lớn tuổi cùng đi. Phim có sử dụng lời tục tĩu, kích dục, có cảnh khỏa thân rõ ràng, hình ảnh đậm chất bạo lực, sử dụng các chất kích thích.
NC-17 (no children 17 or under admitted-không dành cho trẻ dưới 17 tuổi): Trong phim có lời lẽ tục tĩu, cảnh quan hệ tình ái, khỏa thân, đầy máu me bạo lực, lạm dụng các chất kích thích.
Một số phim chưa được phân loại sẽ gắn nhãn NR (not rated-chưa phân loại). NR không phải là nhãn thuộc hệ thống phân loại của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ nhưng nếu phim dự định phân loại theo hệ thống này thì thường quảng cáo bằng câu: “This film is not yet rated” hoặc “Rating pending” (phim chưa phân loại).
Hệ thống phân loại của Trung Quốc
Hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa xây dựng hệ thống phân loại phim theo độ tuổi.
Hồi tháng 3, Tổng cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc cho biết chưa ban hành quy chế phân loại phim vì đây là vấn đề quá nhạy cảm đối với dư luận và Trung Quốc hiện chưa xây dựng được thị trường phim có quy củ. Theo Tổng cục, trong bối cảnh Trung Quốc hiện nay, ban hành hệ thống phân loại phim cũng đồng nghĩa với việc hợp thức hóa phim ảnh đồi trụy.
Tại Trung Quốc, tất cả phim muốn được trình chiếu đều phải được thẩm định cho phù hợp với mọi đối tượng người xem. Phim có hình ảnh quá nóng, kích động bạo lực, kinh dị, có nội dung mê tín, ma thuật đều bị cắt.
Năm ngoái, vấn đề phân loại phim lại được xới lên sau khi phim Sắc giới bị cắt những pha tình cảm nóng bỏng dài bảy phút. Phim này của đạo diễn nổi tiếng Lý An, đoạt giải Sư tử vàng dành cho phim xuất sắc tại Liên hoan phim Venice.
Trong khi đó tại Mỹ, phim Sắc giới được xếp vào hạng NC-17 (nghiêm cấm trẻ em dưới 17 tuổi xem) theo bảng phân loại phim của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ. Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng phim đáng lẽ sẽ không bị cắt xén như vậy nếu Trung Quốc xây dựng được hệ thống phân loại phim ảnh đàng hoàng.
Hình tròn màu xanh: Phim có thể chiếu rộng rãi. Hình tròn màu đỏ: Phim dành cho người lớn. Hình tam giác màu vàng: Phim không phù hợp với trẻ 7, 12, 16 tuổi. Nhãn phân loại phim tại Ba Lan ER: Phim có nội dung giáo dục nên khuyến khích trẻ xem. L: Phim có thể chiếu rộng rãi. Nhãn phân loại phim tại Québec (Canada) G: Có thể chiếu rộng rãi. |
MINH NHỰT