Nhiều người dân ở TP.HCM phản ánh: Dù họ có ý thức phân loại rác theo quy định nhưng làm được vài ngày thì thấy bộ phận thu gom khi bỏ rác lên xe trộn chung với nhau. Vì vậy họ không tiếp tục thực hiện nữa.
Đó là ý kiến chung của nhiều hộ gia đình thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác theo quy định. Trao đổi với PV, bà Lê Hồng Đào (ngụ quận Tân Phú) cho hay gia đình bà được biết thông tin TP yêu cầu phân loại rác từ báo, đài chứ người thu gom rác hay phía lãnh đạo phường không ai thông báo hay hướng dẫn gì.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phân loại thành hai túi là rác sinh hoạt và chất thải rắn. Nhưng đến khi thu gom, bộ phận dọn vệ sinh gom chung tất cả bịch rác lên xe mà không phân loại gì nên tôi không làm theo yêu cầu nữa. Chúng tôi thấy mất công quá!” - bà Đào nói.
Nhiều hộ dân có yêu cầu: Đối với những đơn vị thu gom rác cần cùng người dân thực hiện song song. Họ cho rằng nếu đơn vị thu gom rác có phân loại thì dân mới làm theo, còn không họ có làm cũng vô ích.
Điển hình, bà Nguyễn Hồng Lạc (ngụ quận Thủ Đức) chia sẻ: “Nếu đơn vị thu gom rác có phân loại đàng hoàng thì chúng tôi nhìn vào đó mà thực hiện theo. Ngành chức năng yêu cầu phân loại rác theo quy định mà phía thu gom lại không làm theo thì chúng tôi có thực hiện cũng vô bổ”.
Theo bà Lạc, những người thu gom, vận chuyển không những chỉ phân loại rác theo quy định mà còn phải “giao kèo” với người dân rõ ràng, chẳng hạn hộ nào không phân loại thì không thu gom. “Sau vài lần nhắc nhở và “phạt” như vậy thì chắc chắn hộ nào cũng sẽ tuân theo thôi” - bà Lạc gợi ý.
Công nhân dọn vệ sinh rác vẫn chưa thực hiện phân loại rác theo quy định. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Chưa được hướng dẫn thực hiện
Quy định về phân loại chất thải có nêu rõ: Hộ gia đình, chủ nguồn thải phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt trước khi chuyển cho đơn vị thu gom, vận chuyển. Tuy nhiên, đến nay nhiều người dân cho biết họ vẫn chưa được chính quyền hay người gom rác phổ biến cụ thể.
Về vấn đề này, PV trao đổi với một số công nhân thu gom rác thì được biết họ cũng chưa được ngành chức năng phổ biến rõ ràng nên chưa thể truyền đạt lại cho người dân. cạnh đó, nhiều nơi vẫn chưa có xe chuyên dụng để thu gom nên quá trình thực hiện phân loại cũng gặp khó khăn.
Chị Tám (công nhân vệ sinh tại quận 3) cho biết: “Chúng tôi chỉ nghe nói về việc phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, vẫn chưa có ai hướng dẫn cụ thể cho chúng tôi biết phải phân loại như thế nào. Trong khi đó, nhiều nơi vẫn chưa có thùng rác phân loại để người dân bỏ rác vào. Xe chuyên dụng để phân loại rác chúng tôi còn chưa có thì làm sao mà thực hiện đúng quy định được”.
Một công nhân thu gom rác tại quận Bình Chánh cũng chia sẻ họ đang chờ Nhà nước hỗ trợ cho vay để mua xe chuyên dụng thu gom và phân loại rác vì xe hiện tại rất khó phân loại. “Hiện xe chuyên dụng có giá khá cao, chúng tôi là lực lượng thu gom rác dân lập nên không đủ khả năng tài chính để mua xe” - công nhân này nói.
Về vấn đề trên, bà Hồ Ngọc Hiếu, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Bình Chánh, cho hay: Hiện tại một số người dân ở Bình Chánh cũng đang thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên vẫn còn chưa đồng bộ, ở một số xã chỉ đang làm mô hình để tập thói quen dần dần cho người dân. Với mô hình này, nếu một sớm một chiều rất khó thực hiện hết được. Hiện phía Bình Chánh đang có kế hoạch chuyển đổi phương tiện theo chuẩn, dự kiến đến tháng 10-2019 sẽ chuyển đổi xong. Với những gia đình hiện tại chưa phân loại rác, chúng tôi vẫn tiếp tục vận động để thực hiện”.
bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết theo quy định hiện nay, trách nhiệm triển khai việc phân loại rác tại nguồn là do các quận, huyện thực hiện. Phía Sở TN&MT sẽ kiểm tra và đôn đốc, giám sát. Sắp tới, sở sẽ tổ chức một buổi hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho tất cả quận/huyện đến phường/xã. Sau buổi hướng dẫn này, các đơn vị sẽ nắm rõ hơn về cách thực hiện.
Quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt Theo Quyết định 44/2018/QĐ-UBND, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành các nhóm như sau: a) Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật). b) Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh). c) Nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải). Tiêu chí phân loại được coi là đạt yêu cầu: Thành phần chất thải hữu cơ dễ phân hủy hoặc thành phần chất thải còn lại lẫn dưới 10% khối lượng chất thải khác (thuộc nhóm trong danh mục nhóm chất thải phân loại do Sở TN&MT ban hành). |