Phân quyền không rạch ròi: Cấp trên còn hành cấp dưới

Ngày 25-10, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu và thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đa số ý kiến đại biểu (ĐB) đều đề nghị quyết liệt phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương, phân định thẩm quyền giữa các cơ quan của chính quyền địa phương. Mục đích là để tránh trung gian, xin-cho, lệ thuộc tập thể, trói buộc quyền, bỏ qua trách nhiệm cá nhân và tốn thời gian ra quyết định.

Trên đổ dưới, dưới đổ trên

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói việc sửa đổi, bổ sung các quy định phân quyền, thẩm quyền, phân định thẩm quyền, ủy quyền đối với chính quyền địa phương là rất cần thiết. Điều này tạo cho địa phương chủ động thực hiện các nhiệm vụ được phân công, hạn chế cơ chế xin-cho.

Tuy nhiên, ĐB Hòa cũng đề nghị cần quy định cụ thể các chủ thể ủy quyền và được ủy quyền, điều kiện đảm bảo cho thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền ở các cấp chính quyền, ở từng loại đơn vị hành chính. Đồng thời gắn với cơ chế thanh tra, kiểm tra của người được ủy quyền để người được ủy quyền thực hiện đúng những nội dung được ủy quyền khi giao cho mình có thực quyền.

“Phân quyền, phân cấp phải rạch ròi, việc nào của trung ương, việc nào của địa phương chứ không thể việc nhỏ của địa phương, việc lớn của trung ương nhưng khi phân cấp lại không có việc nào là nhỏ” - ĐB Hòa nói.

Theo ông, khi phải xin ý kiến của cấp trên thì các báo cáo xin ý kiến của cấp trên phải được trả lời bằng văn bản đồng ý hay không đồng ý, tránh trường hợp kéo dài dễ phát sinh tiêu cực.

“Thời gian qua đã có phân cấp, phân quyền mà khi xảy ra sự cố trên đổ cho dưới, dưới đổ cho trên, đùn đẩy, sợ trách nhiệm” - ĐB Hòa nêu.

Đồng tình, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đề nghị sửa luật lần này cần hạn chế việc cấp dưới trình chủ trương xin cơ chế, cấp trên thẩm định, phê duyệt chủ trương, cấp trung gian triển khai chủ trương rồi mới thực hiện làm mất thời gian và hiệu quả.

Theo ông Diến, người dân, doanh nghiệp phàn nàn, kêu than về thanh tra, kiểm tra chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà có nguyên nhân từ việc phân cấp, phân quyền chưa được đẩy mạnh hoặc đã phân cấp, phân quyền rồi nhưng vẫn yêu cầu “báo cáo, xin ý kiến, xin chủ trương”. Từ đó nảy sinh ra nhiều cấp trung gian giải quyết.

“Đây là điển hình của việc hành cấp dưới, bày đặt hoặc tham mưu đề ra nhiều quy định rườm rà là nguyên nhân của sự lãng phí, là rào cản của sự phát triển” - ông Diến nói.

ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho là trung ương chỉ nên tập trung vào việc hoạch định chính sách chung để định hướng phát triển đất nước, những việc chính quyền địa phương có đủ khả năng, nguồn lực để thực hiện thì nên phân quyền, phân cấp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị rạch ròi trong việc phân cấp, phân quyền để không còn việc trốn trách nhiệm. Ảnh: C.LUẬN

Thu hút người tài để tránh “nghị gật”

Các ĐB cũng thảo luận nhiều về việc giảm phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, giảm số lượng phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khi trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình cho hay: Với HĐND cấp huyện thì đa số thống nhất nhưng HĐND cấp tỉnh thì đa số ý kiến ĐB đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành (hai phó chủ tịch HĐND) hoặc đề nghị quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đối với việc giảm số lượng phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, cũng có nhiều ý kiến đề nghị nên giữ nguyên như luật hiện hành (hai phó trưởng ban) hoặc quy định linh hoạt hơn.

ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng như rất nhiều ĐB khác ủng hộ giữ nguyên hai phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách mà không phụ thuộc vào chủ tịch là ĐB chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.

Bởi theo ông Hiểu, định hướng của Đảng về bố trí nhân sự đại hội dự kiến là bí thư sẽ kiêm chủ tịch HĐND hoặc chủ tịch UBND, trong đó có thể đa số bí thư các tỉnh sẽ là chủ tịch HĐND nếu đủ tuổi. Trường hợp khác sẽ do phó bí thư thường trực, trừ Hà Nội và TP.HCM. Còn lại nếu có những trường hợp khác là hoạt động chuyên trách thì thường là những trường hợp tình huống cán bộ. “Đã là tình huống cán bộ thì không phổ biến và không kéo dài” - ông Hiểu nói.

Ông Hiểu còn đề nghị phải có cơ chế, chế độ đãi ngộ để thu hút được nhiều cán bộ có trình độ, năng lực làm ĐB HĐND chuyên trách các cấp.

“Nếu không có người giỏi thì dù có tăng biên chế, giữ nguyên hay như thế nào cũng không giải quyết được. Đồng thời nó có thể dẫn đến rất phản cảm mà có nhiều nơi người ta dùng từ là “nghị gật”, tức là ĐB không hiểu tình hình địa phương cũng chỉ ngồi như thế thôi, không phát biểu được, nhân dân thì nóng, hội trường họp ĐB HĐND ở cấp huyện, cấp xã lại rất lạnh, không có ĐB nào có ý kiến gì cả” - ông Hiểu nói.

ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nêu trường hợp Hà Nội đang xin chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND ở phường và đề nghị cần quy định trong luật để sau này ngoài Hà Nội, các tỉnh, thành khác nếu có điều kiện thì thực hiện.

Cứ bị kỷ luật là xin thôi vì lý do sức khỏe

Thời gian qua có nhiều ĐB khi vi phạm pháp luật, bị xử lý kỷ luật thì lại có đơn xin thôi việc vì lý do sức khỏe. Vì vậy cần có quy trình kiểm tra, rà soát quy định “ĐB HĐND có thể đề nghị xin thôi làm nhiệm vụ vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác”.

Nếu vì lý do bị kỷ luật mà lại đưa vào đơn là vì lý do sức khỏe thì không đúng. Nên kiểm tra, rà soát việc này, ĐB không trung thực với nhân dân là không được.

ĐB NGUYỄN THANH THỦY (Hậu Giang) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm