Ngày 25-10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và thảo luận về dự luật này.
ĐB Ngọ Duy Hiểu nói cần có cơ chế thu hút người tài tham gia HĐND các cấp
ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) quan tâm đến số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh. Ông Hiểu nói do định hướng của Đảng hiện nay là bí thư sẽ kiêm chủ tịch UBND hoặc HĐND, dự kiến đa số bí thư sẽ là chủ tịch HĐND. Ông cũng quan tâm việc thực tế chuyện giám sát đòi hỏi chuyên môn cao và hai Phó chủ tịch HĐND chuyên trách thì mới đủ chuyên môn sâu để thực hiện giám sát hiệu quả.
“Tôi có tư duy khác, trong hai phó chủ tịch HĐND thì có thể bố trí một phó chủ tịch làm phó đoàn ĐBQH để tiết kiệm nhân sự. Quan trọng nhất là vị này có nhiều ý kiến, nguyện vọng nhân dân. Vị này có nhiều kiến thức kinh nghiệm từ Quốc hội về tổ chức chỉ đạo, triển khai, cung cấp thông tin” - ĐB Hiểu nói.
ĐB Hiểu từng là phó đoàn và ông cho là khi tham gia với địa phương càng sâu, càng kỹ thì hoạt động càng hiệu quả, càng đóng góp được nhiều cho QH và nhân dân.
Sau khi đề cập đến HĐND cấp huyện, ông Hiểu đề xuất: Phải có cơ chế, chế độ đãi ngộ để thu hút những người tài tham gia HĐND các cấp.
“Đây mới là gốc của vấn đề chứ bàn về tăng hay giảm biên chế cũng không giải quyết được vấn đề. Nếu không thì nhiều nơi người ta gọi là "nghị gật", là đại biểu không hiểu vấn đề. Họp thì không phát biểu được. Nhân dân thì nóng, đại biểu thì lạnh, không có ý kiến gì” - ĐB Hiểu nói.
ĐB Trần Thị Hằng (Quảng Ninh) có ý kiến xu hướng hiện nay là chính quyền cấp trên thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho cấp dưới, mà phân cấp là tức là phân quyền. Vì vậy, tăng cường giám sát là hết sức cần thiết.
ĐB Hằng đồng ý với phương án xác định cụ thể số lượng phó chủ tịch HĐND chuyên trách. Bởi nếu chủ tịch HĐND là đại biểu chuyên trách mà chỉ có một phó chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách thì riêng việc đi họp cũng đã thiếu người.
ĐB Trần Thị Hằng nói nếu chỉ có một phó chủ tịch HĐND thì chỉ riêng việc đi họp cũng thiếu người
Cuối cùng ĐB Hằng nói: “Tôi đề nghị giữ nguyên hai phó chủ tịch, hai phó trưởng ban của HĐND hoạt động chuyên trách”.
ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) thì cho rằng trong những năm qua, sự phàn nàn, kêu than của cấp cơ sở cũng như người dân và doanh nghiệp thanh tra, kiểm tra thủ tục rườm rà có nguyên nhân của việc phân cấp phân quyền chưa được đẩy mạnh hoặc đã phân cấp phân quyền nhưng chưa có văn bản dưới luật quy định.
“Cái gì cũng phải báo cáo xin ý kiến, xin chủ trương, sinh ra nhiều cấp trung gian. Đây là cấp trên hành cấp dưới, đề ra nhiều quy định rườm rà là nguyên nhân của lãng phí, rào cản của phát triển” - ĐB Diến nói.
Ông Diến đề nghị dự thảo luật quy định giao Chính phủ quy định tổ chức đơn vị bên trong của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng như các đơn vị bên trong thuộc UBND cấp tỉnh…
Về HĐND, ĐB Diến đề nghị cơ cấu gồm một chủ tịch và hai phó chủ tịch chuyên trách, các ủy viên là trưởng ban HĐND cấp tỉnh. ĐB Diến cũng đề nghị không quy định chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. “Quy định chủ tịch hội đồng chuyên trách thuận lợi việc luân chuyển cấp ủy nhưng lại tăng biên chế” - ĐB Diến nói.
Ngoài ra, ĐB Diến cũng đề xuất quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp trên trong giám sát, kiểm tra, thanh tra và phát huy vai trò của mặt trận, đoàn thể trong việc giám sát quyền lực cơ quan nhà nước địa phương.