Quốc hội tranh luận chuyện bố trí người tài

Sáng 24-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Thế nào là người tài?

Theo dự thảo luật, người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được…

Phát biểu tại nghị trường, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân, đại biểu (ĐB) QH tỉnh Cà Mau, nêu quan điểm người tài phải phân loại ra ở từng lĩnh vực cụ thể. Trong chính trị, đó là những người khởi xướng ra chính sách; trong công vụ là người điều hành phải tinh thông về luật pháp, để vận hành bộ máy; trong khoa học phải có phát minh, sáng kiến; trong lao động phải lành nghề, có biệt tài làm ra những sản phẩm đặc thù; trong văn hóa nghệ thuật phải sáng tác ra những tác phẩm để lại cho muôn đời…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy người có tài năng nói chung là một khái niệm rất rộng, tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu đối với người có tài năng là không giống nhau.

ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đồng tình với việc bổ sung khái niệm “người có tài năng” để có chính sách đãi ngộ trong hoạt động công vụ.

“Nhiều cấp đã có chính sách thu hút tài năng nhưng do còn ràng buộc của quy định nên nhiều người có tài, người tốt nghiệp ở nước ngoài về không trúng tuyển công chức. Điều này làm lãng phí tài năng, chất xám và thanh xuân của những người tài năng” - ĐB Quốc Hận nói.

Nói thêm, ĐB Quốc Hận cho rằng cần có chính sách kiểm định đầu vào nhằm xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hiệu quả. “Điều này sẽ khắc phục được tình trạng tư nhân thì tìm được nhân tài, còn Nhà nước thì không tìm ra người yếu kém” - ĐB Quốc Hận nói.

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cũng đồng tình việc cần phải làm rõ khái niệm “người có tài năng”. Bởi nếu làm rõ được người có tài năng là gì thì chất lượng công vụ sẽ tăng lên.

ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Đàng Thị Mỹ Hương phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Tài, tâm và môi trường làm việc

Giám đốc BV Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho rằng nhân tài muốn phát triển phải có một môi trường tốt, giống như hạt giống tốt phải được gieo trên đất tốt mới đơm hoa kết trái, cho vụ mùa bội thu. “Nhưng hạt giống tốt, đất tốt, tâm lại không tốt thì sao?” - ông Tuấn băn khoăn.

Ông cũng nêu quan điểm: “Có nhiều người giỏi, vào môi trường rất tốt nhưng họ lại không có được nhiệt huyết cống hiến. Thậm chí có những người có cả ba yếu tố - vừa giỏi, vừa có môi trường, vừa có nhiệt huyết - nhưng cái tâm của họ lại không hướng về đất nước mà cho cá nhân, cho lợi ích nhóm thì họ liệu có phải là người tài mà chúng ta công nhận hay không. Câu trả lời là không”.

Giơ biển tranh luận, nhà sử học Dương Trung Quốc (ĐBQH tỉnh Đồng Nai) nói theo quan điểm của ông, “nhân tài” nên hiểu là năng lực của mỗi con người.

“Một công chức khó có thể phát hiện ra cái gì kiệt xuất vì họ phải thực hiện theo quy định của luật pháp, theo quy trình đã định rồi. Anh đánh máy giỏi, không có lỗi chỉ để khỏi ảnh hưởng đến thủ trưởng thôi” - ĐB tỉnh Đồng Nai nói. Cũng theo ĐB Dương Trung Quốc, các cụ của chúng ta có câu rất đơn giản “dụng nhân như dụng mộc”, tức là dùng đúng người đúng chỗ. “Tôi cho tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vậy thôi. Tại sao dùng người này vào việc này, người kia vào việc kia. Tôi nghĩ bộ máy công chức rất cần cách dùng người như vậy. Chứ còn hiểu theo nghĩa nhân tài là xuất chúng, là kiệt xuất, là thiên tài thì nó không nằm trong phạm vi của luật này” - ông Dương Trung Quốc nói.

 “Con đồng chí nào?”

Góp ý về dự luật, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng hiện nay công tác bổ nhiệm cán bộ đang thực hiện thiếu minh bạch, công khai. “Trên thực tế có những trường hợp cán bộ trẻ được quy hoạch, bổ nhiệm thì dư luận quan tâm lắm và hay đặt câu hỏi “đồng chí này là con đồng chí nào?”. Tôi cho rằng nguyên nhân chính ở đây là người dân, cử tri thiếu niềm tin. Về nguyên tắc, tất cả công chức đều có cơ hội và được tạo cơ hội thăng tiến như nhau, dù là thành phần xuất thân thế nào, con cán bộ hay con người dân đều có cơ hội như nhau”.

ĐB Tám đề nghị bổ sung vào dự thảo quy định về vấn đề công khai, minh bạch trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ vào các chức danh được lựa chọn để người dân có đầy đủ thông tin. Có quy định trong luật như vậy thì người dân cũng có điều kiện, có công cụ để thực hiện quyền giám sát của mình đối với vị trí công tác, tổ chức cán bộ.

“Có nhiều dư luận hiện nay không tin người tài được trọng dụng. Dư luận cũng nói vào được công chức thì phải có tiền tệ, có quan hệ…” - ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nói. ĐB Hương cũng đề nghị phải có cơ chế phát hiện, trọng dụng tài năng và xử lý trách nhiệm đối với người không trọng dụng người tài.

Thạc sĩ chạy Grab

Cũng trong phát biểu của mình, Giám đốc BV Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho rằng nhiều tỉnh, thành có chính sách trải thảm đỏ trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, xét về tính hiệu quả, có bao nhiêu phần trăm thạc sĩ, tiến sĩ phát triển, đóng góp được cho các địa phương đó?

Ông Tuấn cũng nêu một thực tế khác, có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về đang thất nghiệp, có rất nhiều xe ôm Grab là thạc sĩ. Dù họ không phải là nhân tài nhưng ông cho rằng đây là những người giỏi, người có tài năng.

Tranh luận với ĐB Tuấn, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng (ĐBQH tỉnh Bình Dương) nhận xét chính sách trọng dụng nhân tài là đúng đắn nhưng việc tổ chức thực hiện “chưa chuẩn” và chưa có tiêu chí chung để chúng ta thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý và thực hiện chính sách cho người tài. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm