Nôm na là làm sao rà soát, gói ghém, sắp xếp các quy định pháp luật đang có hiệu lực thi hành theo một trật tự nhất định để mọi người dễ tìm, dễ tra cứu theo từng chủ đề mà họ quan tâm và cần dùng. Từ đó người dân và công chức không còn bị “lạc lối” giữa rừng văn bản pháp luật quá phức tạp về hình thức, nội dung và cấp bậc hiệu lực.
Trong tháng 8-2010, tại Hà Nội và TP.HCM, Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học (Văn phòng Quốc hội) đã tổ chức hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về pháp điển hóa và thí điểm pháp điển hóa ở Việt Nam. Mục tiêu trước mắt của công tác pháp điển là minh bạch hóa các quy định pháp luật và làm cho chúng trở nên dễ tiếp cận hơn đối với nhiều đối tượng khác nhau; tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm, tra cứu, nghiên cứu, trích dẫn pháp luật. Mục tiêu dài hạn của việc xây dựng bộ pháp điển là phát hiện và loại bỏ các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, làm cho hệ thống các quy định pháp luật trở nên đầy đủ, đồng bộ, thống nhất và cập nhật.
Đến luật sư cũng bối rối
Bà Phan Cẩm Tú, chuyên gia tư vấn, dự án STAR VN, cho biết Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã chỉ ra “chín không” đang tồn tại trong hệ thống pháp luật VN. Đó là: không đầy đủ, không rõ ràng, không cụ thể, không tương thích, không minh bạch, không tiên liệu trước, không hợp lý, không hiệu quả và không hiệu lực.
Các đại biểu trao đổi về bộ pháp điển Việt Nam trong giờ giải lao tại hội thảo ngày 20-8-2010. Ảnh: N.NAM
Ông Trần Mạnh Hùng đến từ Công ty Luật Baker & McKenzi cũng nhận định: Các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của chúng ta đang gặp phải bốn điểm:
1. Tản mát (cùng một vấn đề nhưng có nhiều văn bản khác nhau quy định. Ví dụ: Vấn đề thương quyền không chỉ được quy định ở Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mà còn ở các quy định của nhiều bộ nữa);
2. Không đồng nhất (luật ra đời rồi lại có nghị định và thông tư hướng dẫn nhưng đôi khi quy định một đằng, hướng dẫn một nẻo);
3. Không minh bạch (mỗi bộ có một công văn hướng dẫn khác nhau dẫn đến sự chồng chéo trong cùng một hệ thống pháp luật hiện hành);
4. Hiệu lực văn bản không rõ ràng (có những văn bản luật đã bãi bỏ nhưng thông tư hướng dẫn vẫn tồn tại).
Theo nhiều chuyên gia, tình trạng này càng trở nên trầm trọng khi số lượng VBQPPL được ban hành ngày càng gia tăng. Trong khi đó, nhiều VBQPPL bao gồm cả các quy định vẫn còn hiệu lực lẫn hết hiệu lực do thông lệ ban hành các VBQPPL “sửa đổi một số điều” của văn bản đã ban hành trước đây. Nhiều văn bản thường có điều khoản nói rằng “các quy định được ban hành trước kia trái với quy định của luật này sẽ hết hiệu lực và không có giá trị áp dụng” trong khi lại không nêu cụ thể các quy định bị hủy bỏ là gì. Điều này dẫn đến hệ quả là người dân và doanh nghiệp lạc giữa “rừng luật và công văn”, kèm theo chi phí gia tăng trong việc tiếp cận văn bản.
“Bản thân tôi đi làm từ 1995, ngày đầu tiên đi làm họ cho tôi một câu hỏi là trong hệ thống pháp luật về thuế của VN thì có bao nhiêu VBQPPL quy định. Tôi mất một tuần không làm được việc này… Qua hơn 15 năm hành nghề tư vấn pháp lý, tôi thấy VN có quá nhiều VBQPPL. Đứng trước “rừng” văn bản như vậy thì ngay cả luật sư cũng vô cùng bối rối. Khi có chuyện tranh cãi bên tòa án hay cơ quan có thẩm quyền thì mỗi người nói một kiểu, mỗi người đưa ra một căn cứ pháp lý khác nhau…” - ông Trần Mạnh Hùng kể.
Cần có bộ pháp điển
Theo PGS-TS Trương Đắc Linh (Trường ĐH Luật TP.HCM), không chỉ VN mới có “rừng luật” mà nước nào cũng có. “Nhưng cái quan trọng là việc chúng ta kiểm soát được nó để loại bỏ những văn bản đã lỗi thời, không còn hiệu lực” - ông Linh nói.
Để dọn dẹp rừng luật thành một khu vườn sạch sẽ, rõ đường đi lối lại, ông John Bentley, Cố vấn trưởng pháp luật của dự án STAR VN, khuyến nghị: Với VN, bộ pháp điển nếu được xây dựng phải chứa đựng toàn bộ các QPPL hiện hành. Pháp điển hóa không đơn giản là tập hợp văn bản mà là “làm sạch” hệ thống pháp luật, xóa bỏ sự chồng chéo, mâu thuẫn, bịt những lỗ hổng, bổ sung những quy định mới. Trong quá trình pháp điển hóa, các cơ quan soạn thảo, ban hành phải tự “dọn dẹp” quy định của mình để pháp điển. VN cần thành lập một ủy ban pháp điển hóa làm đầu mối theo dõi, cập nhật liên tục cho bộ pháp điển…
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM, nêu câu hỏi: “Điều tôi băn khoăn là chỉ thị, công văn còn mạnh gấp trăm lần luật của Quốc hội. Vì thực tế là hằng ngày chúng ta chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các công văn, chỉ thị nhiều hơn là VBQPPL. Vậy khi làm bộ pháp điển chúng ta có đưa công văn, chỉ thị vào hay không? Bởi theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL thì những công văn, chỉ thị này không phải là VBQPPL”.
Ông Phạm Hồng Quất, Phó Chánh thanh tra, Bộ Khoa học và Công nghệ, chia sẻ với băn khoăn của ông Phúc vì vấn đề này ông và các đồng nghiệp đã gặp phải khi thí điểm pháp điển các quy định về sở hữu trí tuệ ở VN. “Trước mắt, những văn bản mang tính QPPL dù sai về hình thức ban hành vẫn cứ đưa vào dưới dạng phụ lục và ghi chú rõ ràng. Sau đó, chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan ban hành sửa lại cho thống nhất. Đến giai đoạn sau, khi ban hành bộ pháp điển, những văn bản như vậy sẽ tuyệt đối không còn. Không thể kỳ vọng làm một lần mà được bộ pháp điển sạch ngay” - ông Quất nói.
NHẪN NAM - VĂN TIẾN