Sau thời gian không kích ban đầu, quân Thổ Nhĩ Kỳ sáng 21-1 đã đổ bộ vào TP Afrin (Syria), thực hiện “Chiến dịch nhành ôliu” đánh lực lượng tay súng người Kurd (YPG) - đồng minh của Mỹ và liên quân quốc tế trong cuộc chiến đánh IS.
Các trận không kích trước đó của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm ít nhất 10 người chết và 13 người bị thương, theo số liệu của Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) mà YPG gia nhập.
Pháo Thổ Nhĩ Kỳ bắn trúng các địa điểm của YPG ở biên giới Syria, ngày 21-1. Ảnh: CNN
Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào, YPG cũng không chịu ngồi yên, phóng hàng loạt tên lửa sang thị trấn Reyhanli của Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ việc được chính Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag xác nhận. Vụ nã tên lửa này khiến ba người thiệt mạng và 32 người bị thương.
Xác nhận cuộc đổ bộ này, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết nước này muốn lập một vùng an ninh rộng khoảng 30 km từ biên giới Syria đổ vào. Nằm trong vùng này có hai TP Afrin và Manbij, cùng hàng chục ngôi làng khác.
Phối hợp cùng quân Thổ Nhĩ Kỳ là Quân đội Dân chủ Syria (FSA) hay còn gọi là phe nổi dậy Syria. Nhiều thành viên FSA có mặt tại một số ngôi làng và thị trấn Ả Rập trong khu vực Thổ Nhĩ Kỳ định lập vùng an ninh.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển đến tỉnh Hatay giáp Syria. Ảnh: CNN
Trong ngày 21-1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết chiến dịch sẽ hoàn thành “trong thời gian rất ngắn”. Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm rõ không muốn đối đầu với quân Mỹ ở Syria.
Trong khi đó ngày 21-1, YPG ra tuyên bố lên án vụ tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ là “man rợ”.
“Chúng tôi không có lựa chọn nào ngoài sự phản kháng. Chúng tôi kêu gọi thanh niên đứng vào hàng ngũ, thấm nhuần tinh thần phản kháng Thổ Nhĩ Kỳ” - YPG kêu gọi.
Trong khi đó, hàng trăm tay súng người Kurd thuộc SDF đang tập trung ở các thị trấn phía Đông và Nam Afrin. Và theo thông tin từ New York Times, hiện một lượng lớn tay súng Ả Rập thuộc SDF đang được gửi từ Raqqa về Manbij chuẩn bị đối phó với quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Kurd ở Syria tuần hành ở thị trấn Amuda (Đông Bắc Syria), giáp Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21-1, phản đối “Chiến dịch nhành ôliu” của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: GETTY IMAGES
Về phần mình, Tổng thống Syria Bashar al-Assad lên án “Chiến dịch nhành ôliu” là hành động xâm lược tàn bạo của Thổ Nhĩ Kỳ”.
SANA đưa tuyên bố của chính phủ Syria rằng đã không được phía Thổ Nhĩ Kỳ thông báo về chiến dịch, mâu thuẫn lời của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu rằng có thông báo trước. Ông Cavusoglu cũng nói chiến dịch chỉ nhắm vào các tay súng YPG, không nhắm vào dân thường.
Bộ Ngoại giao Iran, đồng minh của Tổng thống Syria Assad, ngày 21-1 kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ “chấm dứt ngay lập tức” chiến dịch ở Afrin để ngăn chặn khủng hoảng khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21-1 kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế. Điện đàm với hai người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ngày 20-1, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói ông rất lo ngại về tình hình.
Biểu tình tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 21-1, phản đối “Chiến dịch nhành ôliu” của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào người Kurd ở Syria. Ảnh: REUTERS
Pháp, một đồng minh của Mỹ trong liên quân quốc tế đánh IS, ngày 21-1 yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn về các diễn biến đang diễn ra ở các khu vực Afrin, Idlib, Ghouta (Bắc Syria).
Pháp không chỉ lo ngại về “Chiến dịch nhành ôliu” của Thổ Nhĩ Kỳ mà về cả cuộc giao tranh giữa phe nổi dậy và quân chính phủ Syria. Hiện phe nổi dậy - lực lượng được phương Tây trong đó có Pháp ủng hộ - ở Idlib và Ghouta đang bị quân chính phủ áp đảo, tính mạng dân thường đang bị đe dọa trong giao tranh căng thẳng. Trên Twitter, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi ngừng bắn và mở đường hỗ trợ nhân đạo vô điều kiện.
Cùng ngày, trên Twitter, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cũng lo ngại “sự đối đầu quân sự” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và YPG ở Bắc Syria sẽ dẫn đến “các rủi ro không lường trước”. Theo ông, “mọi nỗ lực cần hướng về mục tiêu thiết lập tiến trình chính trị”.