Quan hệ của Mỹ với đồng minh Hồi giáo lớn nhất trong khối NATO lại đón thêm sóng gió sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 15-1 thề sẽ “bóp nghẹt" lực lượng quân sự "khủng bố" mà Mỹ đang thúc đẩy thành lập "từ trong trứng nước”.
Kế hoạch tham vọng của Mỹ xây dựng Lực lượng an ninh biên giới dọc theo biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ - Iraq, quy tụ một số lượng lớn các tay súng người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ xem là khủng bố.
“Một quốc gia chúng ta gọi là đồng minh đang khăng khăng đòi lập một lực lượng khủng bố ở biên giới chúng ta. Lực lượng khủng bố này có thể nhắm đến mục tiêu gì khác ngoài Thổ Nhĩ Kỳ?” – Reuters dẫn lời ông Erdogan gián tiếp chỉ trích Mỹ và lực lượng dân quân người Kurrd (YPG) trong bài phát biểu tại Ankara ngày 15-1.
“Nhiệm vụ của chúng ta là bóp nghẹt kế hoạch này ngay trước khi nó thành hình” – ông Erdogan kiên quyết, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất các bước chuẩn bị chiến dịch tấn công sang TP Afrin, tỉnh Aleppo (Syria) đang do người Kurd kiểm soát.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu gần Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 15-1, tuyên bố giết trong trứng nước kế hoạch tham vọng của Mỹ về YPG. Ảnh: REUTERS
“Chúng tôi phải nói với tất cả đồng minh: Đừng chắn đường giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức khủng bố, hoặc chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về các hậu quả không mong muốn. Đừng ép chúng tôi phải chôn vùi thành phần đứng cùng những kẻ khủng bố. Chiến dịch của chúng tôi sẽ được duy trì đến khi nào không còn một tên khủng bố nào dọc biên giới mình, huống chi 30.000 quân” – ông Erdogan đe dọa.
Ngày 14-1, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu thông báo kế hoạch lập “Lực lượng An ninh Biên giới” quy mô khoảng 30.000 quân, 15.000 trong đó là các tay súng YPG thuộc Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF). Thổ Nhĩ Kỳ xem YPG là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Nam, hàng thập niên đòi ly khai khỏi nước này. PKK bị cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Mỹ xem là khủng bố.
Mục đích của lực lượng biên giới nói trên, theo thông báo của Mỹ, là để bảo vệ các vùng biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, Syria-Iraq đang do người Kurd kiểm soát. Hiện kế hoạch đã đi vào thực hiện với 230 quân đã được tuyển mộ đào tạo đợt đầu. Chính quyền người Kurd ở Syria nói cần thiết phải có lực lượng biên giới này để tự vệ trước các đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Syria, trước khi có một thỏa thuận chính trị giữa các bên.
Kế hoạch này cũng bị chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad lên án mạnh. Trong ngày 15-1, chính phủ Syria cáo buộc đây là sự tấn công rõ ràng vào chủ quyền của mình, quy những phần tử gia nhập lực lượng này là những kẻ phản quốc, thề sẽ đàn áp lực lượng Mỹ đang hỗ trợ. “Điều chính phủ Mỹ đã làm, chính sách tiêu cực của Mỹ ở khu vực là nhằm phá hoại các nước và cản trở các giải pháp cho cuộc khủng hoảng” – hãng tin nhà nước SANA dẫn nguồn tin ngoại giao Syria.
Syria cũng tuyên bố sẽ buộc Mỹ phải rút quân khỏi nước mình. Mỹ dẫn đầu liên quân quốc tế không kích IS ở Syria từ năm 2014, hiện Mỹ có khoảng 2.000 quân ở Syria. Đến cuối năm 2017, IS gần như đã bị quét sạch. Nhưng Mỹ cho biết sẽ vẫn duy trì quân ở Syria, đảm bảo IS không quay trở lại.
Lính Mỹ tại TP Raqqa (Syria). Chính phủ Syria tuyên bố sẽ buộc Mỹ rút quân khỏi nước mình. Ảnh: REUTERS
Một đồng minh khác của ông Assad - Iran ngày 15-1 cũng có phản ứng về kế hoạch tập trung người Kurd của Mỹ. Hãng tin Far News dẫn lời quan chức cấp cao Iran Ali Shamkhani cho rằng kế hoạch này “phải chịu số phận thất bại”.
Về phần mình, ngày 15-1, Nga - đồng minh của ông Assad - tiếp tục chỉ trích kế hoạch của Mỹ. “Những hành động chúng ta đang chứng kiến cho thấy Mỹ không muốn giữ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Về cơ bản đây là sự chia cắt lãnh thổ Syria dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq” - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên tiếng. Nga trước đó cho rằng Mỹ đang âm mưu chia cắt Syria để dễ bề kiểm soát.