1 mảnh đất, công chứng ký bán 2 lần

Ông Đoàn Hồng H. trình bày: Ông mua miếng đất (có giấy đỏ) của bà Trần Thị T. (xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) với giá 250 triệu đồng. Hai bên đã được Văn phòng công chứng (VPCC) Củ Chi ký hợp đồng chuyển nhượng đất đúng quy định vào ngày 5-12-2016.

Một miếng đất bán cho hai người

Do trên miếng đất có một căn nhà và cũng không có nhu cầu ở ngay nên ông H. cho bà T. thuê lại nhà, đất với giá 1,5 triệu đồng/tháng (có hợp đồng thuê). Theo ông H., sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng xong thì bà T. xin mượn lại giấy đỏ để làm thủ tục cho con đi xuất khẩu lao động, rồi sẽ trả lại để ông đi đăng bộ. Ông H. nghĩ đã ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng xong nên yên tâm cho bà T. mượn giấy tờ. Cạnh đó, bà T. thuê nhà có trả tiền thuê đều nên ông cũng yên tâm, không nghi ngờ gì.

Bốn tháng sau, không thấy bà T. trả giấy đỏ và tiền thuê nhà nên ông H. tìm gặp thì phát hiện bà T. đã bỏ đi đâu không rõ. Ông H. thấy lo lắng nên đến VPCC Củ Chi tìm hiểu thì phát hiện bà T. đã mang miếng đất đã bán cho ông để bán tiếp cho người khác với giá 100 triệu đồng. Hợp đồng chuyển nhượng này được công chứng viên Trần Thị Thảo VPCC Tân Quy (nay là VPCC Hồ Nhật Tú Trinh) ký công chứng ngày 16-6-2017.

Ông H. bức xúc: “Tôi đã gặp công chứng viên Thảo - người ký công chứng cho bán lần hai nhưng bà ấy không hợp tác, không có trách nhiệm với việc làm của mình. Tôi phải gửi đơn ngăn chặn và đề nghị Sở Tư pháp yêu cầu làm rõ trách nhiệm của bà Thảo đối với hợp đồng mình ký”.

Còn người mua đất sau kể: “Khi bà T. rao bán đất thì có nói là thiếu nợ người khác nên phải bán để trả nợ. Trước khi ký công chứng mua đất, tôi có hỏi kỹ công chứng viên Thảo là có mua bán được không thì cô ấy nói ký được nên tôi mới dám mua. Giờ tôi muốn tặng miếng đất cho con cũng không được, vì bị ngăn chặn do tài sản này được gả bán cho hai người”.

Các bên liên quan nói gì?

Theo bà Hồ Nhật Tú Trinh, Trưởng VPCC Hồ Nhật Tú Trinh (trước đó là VPCC Tân Quy), sau khi phát hiện sự việc, bà đã mời các bên đến văn phòng để trao đổi. Tuy nhiên, bà T. không đến và cũng không còn cư trú ở địa phương. Ông H. (người mua đất trước) và người mua đất sau có mặt.

Tại buổi này, người mua đất sau cho biết ông trả tiền mua đất cho chủ nợ của bà T. là một người khác chứ không phải ông H. Bản thân ông không biết ông H. và khi nghe công chứng viên Thảo nói là miếng đất này mua bán được nên ông mới mua. Sau đó ông đi đăng bộ sang tên đất sang tên ông thì bị ngăn chặn. Ông cũng đã đi tìm bà T. để hỏi cho ra lẽ nhưng không biết ở đâu.

Về phần mình, ông H. yêu cầu VPCC này bồi thường 650 triệu đồng do lỗi của công chứng viên Thảo đã làm sai khi ký cho bán đất lần hai.

Ông Dương Thái Hoàng, Trưởng VPCC Dương Thái Hoàng (trước đó là VPCC Củ Chi), thông tin: Sau khi văn phòng này ký hợp đồng mua bán đất cho bà T. và ông H. thì đã đưa thông tin lên trên chương trình quản lý hồ sơ công chứng để lưu trữ. Theo ông Hoàng, bất cứ công chứng viên nào tra cứu lịch sử đương sự (tức bà Trần Thị T.) và tài sản (tức thửa đất, địa chỉ thửa đất…) thì sẽ hiện ra ngay thông tin lịch sử giao dịch liên quan đến chủ sở hữu lô đất đã giao dịch để làm cơ sở cho việc ký hợp đồng tiếp theo.

Vì thế, theo ông Hoàng, không có chuyện một mảnh đất công chứng viên của VPCC này đã công chứng bán rồi mà công chứng viên của VPCC khác có thể ký công chứng cho chủ đất bán tiếp nữa được. Ông cũng khẳng định công chứng viên của văn phòng mình đã ký công chứng đúng quy định pháp luật.

Trong khi đó, bà Trần Thị Thảo cho biết bà đã nghỉ việc ở VPCC Hồ Nhật Tú Trinh từ ngày 20-2 vừa qua. Theo bà Thảo, lúc bà ký công chứng cho bà T. bán đất cho người sau thì tra thông tin trên mạng không thấy thửa đất này bị ngăn chặn. Đồng thời, bà thấy có mặt đầy đủ của chủ đất bên mua, bên bán và đất có giấy tờ pháp lý đầy đủ nên bà đã ký.

Lý giải tại sao trên chương trình quản lý hồ sơ công chứng có thể hiện thửa đất đã được VPCC Củ Chi ký hợp đồng chuyển nhượng rồi mà vẫn ký thì bà Thảo cho rằng mạng tra cứu chương trình này lúc được lúc không. Hơn nữa, thời điểm đó đông khách hàng và thấy hồ sơ đã đầy đủ nên bà nghĩ cứ ký trước rồi sẽ tra cứu thông tin sau.

“Tôi ký hồ sơ này nên tôi sẽ chịu trách nhiệm khi nào có phán quyết của tòa. Giờ tôi làm đúng hay sai thì chỉ có tòa án mới có quyền quyết định. Tòa án phán quyết sao tôi sẽ làm theo vậy. Họ cứ đi kiện ra tòa và tòa tuyên thế nào tôi đều chấp nhận” - bà Thảo nói.

Vì sao bà Thảo chưa được rút tên khỏi văn phòng công chứng?

Bà Trần Thị Thảo cho biết bà làm việc ở VPCC Hồ Nhật Tú Trinh (tên cũ là Tân Quy) từ tháng 10-2015 và có đứng tên hợp danh với VPCC này. Đầu tháng 2-2019, bà làm đơn xin rút hợp danh và xin nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân. Trưởng VPCC đã đồng ý ký tên vào biên bản nhưng không làm thủ tục nộp hồ sơ về Sở Tư pháp TP.HCM để giải quyết cho bà được nghỉ việc và không trả tiền lương làm từ đầu tháng 2 đến ngày bà nghỉ làm là ngày 20-2. Vì thế bà đã gửi đơn nhờ Sở Tư pháp can thiệp cho bà được rút hợp danh và nghỉ việc tại VPCC này.

Trưởng VPCC là bà Hồ Nhật Tú Trinh cho biết tại cuộc họp sau cùng ngày 20-2, bà đồng ý ký vào biên bản cho bà Thảo rút hợp danh. Do còn một công chứng viên hợp danh nữa (vắng họp) nên chưa thể hoàn tất thủ tục được. Hơn nữa, trong thời gian bà Thảo làm việc tại đây có sai phạm trong vụ việc nói trên nhưng chưa giải quyết xong. Theo bà Trinh, trách nhiệm của công chứng viên khi ký hồ sơ là phải kiểm tra, tra cứu thông tin trên hệ thống thông tin ngăn chặn của Sở Tư pháp và chương trình quản lý hồ sơ công chứng để đảm bảo về mặt pháp lý, tránh sai phạm dẫn đến phải bồi thường.

Bà Trinh nhấn mạnh: “Các thành viên hợp danh không nhất trí để bà Thảo thôi tư cách hợp danh ngay vì chưa giải quyết xong trách nhiệm của mình trong việc ký công chứng có sai phạm, dẫn đến việc bị yêu cầu bồi thường thiệt hại như trên. Hiện vụ việc đang được Thanh tra Sở Tư pháp TP.HCM xem xét, giải quyết”.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm